Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Miền Trung đối mặt với ngập úng, mưa kéo dài sau cơn bão Conson

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại miền Trung, hàng ngàn héc-ta vụ Hè Thu bị ngập úng. Các địa phương miền núi bị chia cắt bởi các đợt lũ, mưa kéo dài.

Đây là những thiệt hại ban đầu được ghi nhận sau ảnh hưởng của cơn bão số 5 (có tên quốc tế là Conson) vào đất liên hôm qua, 12-9 và trở thành vùng áp thấp nhiệt đới, gây ra mưa to từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Bão Conson đã gây ra những thiệt hại ban đầu cho các địa phương miền Trung. Trong hình, bên trái là mưa, lũ tại một thôn ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và bên phải là lúa và hoa màu tại tỉnh Quảng Ngãi bị ngập úng.

Gần 3.200 ha lúa, hoa màu vụ Hè Thu tại các địa phương của tỉnh Quảng Nam đã bị ngập úng, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sáng 13-9 sau khi tổng hợp từ các địa phương. Trong đó, Điện Bàn (850 ha), Núi Thành (406 ha), Duy Xuyên (368 ha) là các địa phương chịu thiệt hại nặng nề.

Cũng theo báo cáo này, đây là những con số đã giảm đáng kể khi các địa phương vận động, hỗ trợ nông dân tập trung thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ Hè Thu 2021 còn lại chưa thu hoạch, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Do đó, 30.397 ha trong tổng số 36.627 ha diện tích trồng lúa và hoa màu trên toàn tỉnh đã được thu hoạch trước khi bão vào.

Tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình hiện tại có khoản trên 6 ha nuôi tôm của 12 hộ dân có khả năng bị ngập lút và thiệt hại, trong khi đó xã Bình Hải, huyện Thăng Bình hiện tại có khoản 3 ha nuôi tôm vùng triều đang thả nuôi thu hoạch chưa xong, có khả năng mất trắng.

Bên cạnh đó, các huyện miền núi của Quảng Nam đã và đang đối mặt với tình trạng sạt lở và bị chia cắt cục bộ bởi những cơn mưa trong và sau bão.

Tại huyện Bắc Trà My, một số tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở, giao thông bị chia cắt. Tại huyện Nam Trà My một số tuyến đường huyện và tuyến về thôn bị sạt lở. Các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn cũng lâm vào cảnh tương tự.

Lãnh đạo huyện Tây Giang chia sẻ hiện nay, mưa to vẫn kéo dài, gây ra ngập nhiều đường huyện và vượt mức an toàn, có nguy cơ vỡ đập tràn.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài, kết hợp gió mạnh làm đổ ngã, ngập úng hàng trăm ha lúa hè thu đang giai đoạn chín, thu hoạch.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Tư Nghĩa mưa lớn đã ngớt, tuy nhiên tại một số khu vực vẫn bị ngập úng, nhiều tuyến đường liên thôn bị chia cắt. Người dân ở khu vực ngập úng có nhiều diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại đang tích cực khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Tuy nhiên, do nước rút chậm, gây khó khăn cho người dân. Theo báo cáo của huyện Tư Nghĩa, bão số 5 đã gây ngập 336 ha lúa hè thu, gây đổ 110 ha ngô, hơn 140 ha mì bị ngập úng, trên 20 ha rau màu các lại bị ngập nước, hư hỏng nặng. Và một số hồ tôm với diện tích chừng 10 ha ở xã Nghĩa Hòa bị ngập, hiện địa phương đang thống kê số lượng tôm bị thiệt hại.

Trong khi đó, chiều 12-9, Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng các lực lượng cứu hộ thành công 5 người dân đi làm trong rừng bị mưa lũ cô lập. Những người dân nói trên vào rừng làm rẫy và đi về trong ngày, nhưng do mưa lớn, nước sông dâng cao nhanh nên bị chia cắt, cô lập.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có công điện yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “04 tại chỗ”;  khuyến cáo cho người dân từ khu sơ tán (do ảnh hưởng bão Conson) trở về phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện,…) và chằng chống, sửa chữa đảm bảo an toàn trước khi vào ở; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chú ý đề phòng mưa lũ lớn, ngập lụt sau bão để chủ động ứng phó. Tất cả hoạt động này đều phải tuân thủ 5K, phòng chống dịch.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 5, sau suy yếu thành một vùng áp thấp nên từ nay đến ngày 14-9, mưa sẽ còn kéo dài từ các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trước tình hình này, hôm 12-9, Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh thành miền Trung cũng như các bộ, ngành liên quan về công tác phòng chống thiên tai sau bão.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ ngành và địa phương khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.

Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, các ngành, địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới