Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Miền Trung vừa ứng phó bão Conson vừa phòng chống dịch

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vào ngày đêm 12, rạng sáng 13-9, cơn bão số 5 (có tên gọi quốc tế Conson) sẽ tiến vào đất liền với vùng ảnh hưởng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, theo bản tin sáng 10-9 của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia.

Trong đó, ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Đây cũng là ba tỉnh, thành đang chống chọi với dịch bệnh căng thẳng nhất tại khu vực miền Trung. Vì vậy các địa phương này đang lên các phương án ứng phó “kép”.

Diễn biến cơn bão Conson được cập nhật sáng 10-9. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia

Tại Đà Nẵng, người dân được phép sửa chữa, gia cố nhà cửa để phòng, chống bão Côn Sơn đang diễn biến phức tạp trên biển. Các quận, huyện có nguy cơ sạt lở phải sớm xây dựng phương án di dời nhân dân ra khu vực nguy hiểm, đưa đến những nơi an toàn nhưng phải kết hợp chặt chẽ phương án phòng, chống dịch.

Ngành y tế có hướng dẫn cách ly đối với ngư dân trên các tàu thuyền chuẩn bị vào neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang.

Đây là những thông tin được công bố sau cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều ngày 9-9.

Bên cạnh đó, các phường, xã thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu thì ở đó” bên cạnh bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn đồng thời người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại phường, xã.

Đặc biệt, trong những ngày tới, mưa lớn sẽ xuất hiện thường xuyên và kéo dài, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Vì vậy, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị các lực lượng liên ngành tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào thành phố và test nhanh kháng nguyên đối với tất cả tài xế vào thành phố. Riêng huyện Hòa Vang tiếp tục theo dõi, điều tra dịch tễ thật kỹ trường hợp tài xế của Công ty TNHH Thương mại Men Hóa dương tính với Covid-19 (phát hiện vào ngày 9-9).

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và cũng phải đảm bảo phòng chống dịch.

Một số hoạt động đang được thực hiện bao gồm kiểm tra đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn. Sở Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai.

Đặc biệt, trong ngày 9-9, UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành công văn về việc chủ động ứng phó bão số 5 và tăng cường công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền và không để xảy ra dịch lây lan trên thuyền.

Để chủ động ứng phó với bão số 5, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày 9-9 cũng đưa ra các phương án, bao gồm khả năng sơ tán dân an toàn trong thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo phòng, chống dịch tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Tàu thuyền được đưa lên bờ tại Đà Nẵng trong đợt bão năm ngoái. Năm nay, Đà Nẵng và các địa phương miền Trung vừa lo chống bão, vừa phải phòng chống dịch. Ảnh: Nhân tâm

Thừa Thiên Huế tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá và tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ đến hết 14 giờ ngày 10-9 bên cạnh tổ chức kiểm đếm, quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo phòng, chống dịch covid 19 theo quy định.

Một số địa phương khác tại miền Trung nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cũng có những phương án chuẩn bị. Từ ngày 9-9, các địa phương thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 cho phương tiện và người trên các tàu thuyền, nhất là phương tiện từ các địa phương đang có dịch vào tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã triển khai cho các Đài canh tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Đài canh cộng đồng kết nối và duy trì liên lạc với ngư dân đang hành nghề trên biển và cập nhật liên tục thông tin diễn biến của bão Côn Sơn cho ngư dân.

Để triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 5 và mưa lớn, Bộ Y tế đã có Công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.Trong đó nêu rõ, trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…), đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bố trí khu vực phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch Covid-19 tại địa phương trình UBND tỉnh để chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức thực hiện.Tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán, test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng) theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Bảo đảm giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể và tổ chức trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 tại khu sơ tán, tổ chức xét nghiệm, hoặc tiêm vaccine cho người dân (nếu có điều kiện) là những hoạt động khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới