Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mininjau – viên ngọc bích trên đỉnh núi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mininjau – viên ngọc bích trên đỉnh núi

Bài: Nguyễn Kim Oanh – Ảnh: Lệ Huyền

Mininjau mây nước hữu tình.

(TBKTSG Online) – Mininjau là một hồ núi lửa có màu nước trong xanh tuyệt đẹp, nằm ở phía tây thành phố Bukittinggi. Với diện tích mặt nước 99.5 km2, đây là hồ lớn thứ hai, sau hồ Toba ở phía bắc đảo Sumatra, Indonesia.

Kỳ 1: >>> Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia.

Kỳ 2: >>> Một vòng quanh hồ núi lửa Toba.

Kỳ trước: >>> Lên cao nguyên Minangkabau.

Từ Bukittinggi đến hồ Mininjau khoảng 40km, một khoảng cách không xa, nhưng chúng tôi quyết định xuất phát sớm vì biết tuyến đường này có nhiều đèo dốc quanh co; vả lại, vì không có bản đồ chi tiết trong tay, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian dừng xe hỏi đường. Buổi sáng trên phố lúc này các em học sinh được ba mẹ đưa đến trường rất đông, vì vậy cũng xảy ra tình trạng kẹt xe nho nhỏ, phải nhờ đến các anh cảnh sát xuất hiện để điều tiết giao thông.

Kiến trúc truyền thống của người Minangkabau. Ảnh chụp ở ngoại ô Bukittiggi, trên đường đi hồ Mininjau.

Ra khỏi thành phố cao nguyên thì nắng đã lên, nhưng mây vẫn còn giăng đầy trên những ngọn núi cao hai bên đường chúng tôi qua. Những chú chim giờ mới bắt đầu bay đi kiếm ăn trên những cánh đồng đang trổ vàng bông. Nông dân ở đây cũng dùng những bó rơm hay những cái bao nhựa trắng làm những hình nộm người đang giang tay cắm rải rác trên ruộng để xua đuổi chim. Một hình ảnh thân quen tưởng đâu chỉ có ở những cánh đồng ở Việt nam mà thôi không ngờ tới đây cũng gặp. Tôi chạy xe với tốc độ vừa đủ để có thể ngắm nhìn, hưởng thụ không khí trong lành, khung cảnh yên bình trên con đường vắng vẻ này.

Tới một ngã ba đường, gặp một quán nằm ngay khúc cua này chúng tôi vào ăn sáng và tiện thể hỏi đường đến hồ. Nhưng đây không phải quán ăn mà chỉ bán tạp hóa, cà phê và nước giải khát, nên chúng tôi mua hai ly mì và nhờ ông chủ quán chế nước sôi ăn tạm. Trong cái không khí buổi sáng se se lạnh trên cao nguyên hai ly mì nghi ngút khói cạn rất nhanh; cả hai đều húp cạn nước trong ly. Trong quán, có mấy người khách đang uống trà, cà phê và ăn bánh chuối nướng.

Khúc cua thứ 23 trong số 44 khúc cua xuống dốc để đến hồ Mininjau.

Ăn xong, chúng tôi tiếp tục lên đường, đoạn này hai bên đường cây cối rậm rạp, ít xe qua lại nên các chú khỉ tràn ra đường kiếm ăn, đường vắng nhưng lại rất nguy hiểm. Nhưng phải nói là hấp dẫn nhất chính là đoạn 10km cuối trước khi đến hồ Minijau với 44  khúc cua ‘cùi chỏ’ vô cùng lý thú. Các khúc cua được đánh dấu thứ tự từ 1 đến 44, gấp khúc hình chữ Z đổ dốc làm tôi nhớ lại cảm giác phấn khích kèm một chút hồi hộp khi chinh phục những con đường đèo ở dãy Trường Sơn hùng vĩ năm nào.

Đoạn đèo này cũng có những mảnh ruộng bậc thang nho nhỏ nằm ven đường, có vài cây dừa và cây cau được trồng xen trên bờ ruộng. Những ngôi nhà ven đường treo những chậu hoa be bé đang hé nở đón nắng mai bên hiên nhà và những cây dâu đang chín đỏ được trồng trong những chiếc chậu tô điểm cho ngôi nhà thêm vẻ xinh xắn. Thật sự là một trải nghiệm khó quên khi bạn cầm tay lái xe máy chạy vòng vèo đến hồ Mininjau. Lái xe máy thôi nhưng  chúng tôi cũng đã cảm thấy khó khăn khi qua các khúc cua san sát nhau.

Miệng núi lửa xưa nay trở thành nguồn lợi thủy sản cho người dân địa phương.

Cũng từ đoạn đèo có 44 khúc cua này, chúng tôi có dịp nhìn ngắm hồ Mininjau từ xa. Phong cảnh như một bức tranh hoành tráng với nhiều gam màu khác nhau; màu xanh của bầu trời, màu trắng của những tầng mây lãng đãng trên những ngọn núi cao in bóng xuống mặt hồ, những bè cá hình ô vuông nho nhỏ nằm rải rác trên lòng hồ rộng mênh mông, màu vàng của lúa chín, màu xám của những mái nhà cổ kính ven hồ…

Khi đứng bên bờ hồ, mặt hồ trong xanh và dịu êm, phẳng lặng như một tấm gương lớn ôm cả bầu trời. Cạnh bờ hồ là một thánh đường Hồi giáo uy nghi bên những hàng dừa nghiêng nghiêng in bóng nước, tạo một nét duyên dáng cho mặt hồ. Đứng giữa một khung cảnh mênh mông, những tầng mây bay lãng đãng in bóng xuống mặt hồ như thế này, tôi có cảm giác như mặt đất và bầu trời lại gần đến vậy, cứ như tôi có thể với tay chạm vào những đám mây bồng bềnh, lơ lửng trên cao vậy.

Những ngôi nhà nhỏ, đơn sơ ven hồ thật an bình, tĩnh lặng.

Chúng tôi len lỏi vào đường nhỏ, rồi dựng xe bên một góc nhà của môt người dân sống nơi đây, nở nụ cười thân thiện như ngỏ ý nhờ họ trông giúp chiếc xe rồi hai chúng tôi lội bộ len qua mấy hàng cau thẳng đứng xen giữa vườn dừa già cỗi, rong rêu bám quanh thân cây. Cạnh bờ có mấy chiếc thuyền con con neo đậu, xa xa có chiếc thuyền nhỏ của một ngư dân đang từ những bè cá chèo vào  gần bờ nơi chúng tôi đang đứng. Thuyền đi trên hồ nhưng không một chút gợn sóng, cảnh vật ở đây vốn đã rất đẹp nhưng khi con người lao động hòa vào trong thiên nhiên càng làm cho cảnh vật thật lung linh và gần gũi.

Tiếp tục hành trình khám phá, chúng tôi chạy qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát trải dài ven hồ. Ở một trại nuôi cá giống, khi biết chúng tôi từ Việt Nam đến đây, những người nông dân chất phác vui vẻ chuyện trò. Đến gần một trường học đang giờ ra chơi, các em học sinh vui đùa trong sân trường rộng rãi; học sinh ở đây mặc đồng phục màu trắng rất dễ thương. Nhưng có lẽ điều tôi thích nhất ở đây là khắp nơi – trong vườn nhà dân hay trên cả những cánh đồng – cũng thấy cây ăn trái xum xuê trĩu quả.

Bè nuôi cá trên hồ Mininjau.

Những ngôi nhà bé bé xinh xinh nằm ven bờ hồ trông rất dễ thương. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản, có khi xung quanh nhà là các vuông ao nhỏ nước cạn, trong veo, khi chạy ngang qua tôi thấy những đàn cá tung tăng bơi lội, nhìn thật sướng mắt. Quanh bờ hồ người dân nơi đây cũng mở nhiều khách sạn và nhà nghỉ bình dân cho khách du lịch đến đây nghỉ ngơi thư giãn vào những ngày cuối tuần. Cảm giác yên bình, nhẹ nhàng khi tạm xa lánh cuộc sống hối hả đầy áp lực chốn thị thành chính là đây.

Lúc trở về, sau khi vượt qua 40 khúc cua ngoằn ngoèo, dựng đứng như đường ‘lên trời’, chúng tôi vẫn thấy tiếc nên ghé vào một quán ăn trưa. Ăn xong vẫn chưa muốn rời xa nơi đây, hai đứa chúng tôi đánh một giấc ngủ trưa. Đúng là ‘giấc ngủ thần tiên’ giữa cảnh thiên nhiên tuyệt thế trước khi lên nốt 4 khúc cua còn lại. Đứng và nhìn ngắm mây nước hữu tình nơi này lần cuối như 'ghi hình' vào trong trí nhớ rồi chúng tôi quay về Bukittinggi.

Về tới khách sạn, nghỉ ngơi một chút rồi tôi lấy xe đưa người bạn đi cùng đến Sianok Canyon – một thung lũng tạo thành những vách đá dựng đứng – gần hang Nhật Bản để bạn ấy tham quan. Con đường này mới hoàn thành xong vào ngày 26 tháng 1 năm 2013 nên có rất đông người dân địa phương đi tham quan, nhất là học sinh và sinh viên. Còn tôi chạy một đoạn theo hướng đi Padang – thành phố biển, thủ phủ tỉnh Sumatera Barat. Đường lớn, xe cộ tấp nập, hai bên đường cũng không có cảnh gì nổi bật nên tôi vòng lại, rẽ vào một khu dân cư.

Các em học sinh tiểu học ở Bukittinggi.

Hai bên đường trồng đầy cây xanh, gần đó có một cái trường học đang giờ ra chơi nên khá ồn ào. Tôi dừng xe đứng dưới những tán cây to, hít thở khí trời một hồi rồi chạy đến sân vận động, nằm ngay trên đường vào bến xe thành phố. Không phải vì ham thích thể thao mà tôi đến đây vì biết khu này bán rất nhiều món ăn vặt dành cho giới trẻ. Tôi tìm đến chiếc xe đẩy có bán món bakso – giống bò viên ở Sài Gòn – để ăn. Sáng hôm qua, tôi đã ăn thử món này ở gần khách sạn và thấy hợp khẩu vị nên thấy thích.

Món bakso ở đây, viên nào viên nấy to gấp hai bò viên ở Sài Gòn. Một tô người ta bỏ vào 4 viên là đã thấy đầy tô, còn hủ tiếu chỉ lác đác vài sợi ăn cho đỡ ngán. Món này cũng được chấm với tương đen và tương ớt, nhưng viên bakso không được dai như bò viên Việt Nam, khi nhai cảm giác bột nhiều hơn thịt, nước dùng cũng không đậm đà mấy. Tuy vậy, tôi ăn vẫn thấy ngon; dù gì cũng có nước để húp chứ mấy ngày liền ăn toàn món Indo làm tôi nhớ món phở ở nhà quá!

Chung quanh, ai cũng nhìn tôi vẻ tò mò, không biết là người nước nào. Biết vậy nhưng tôi cứ tự nhiên, ăn thoải mái, ai nhìn mặc kệ. Kế bên xe hủ tiếu này là xe bán sinh tố. Tôi gọi thêm một ly bơ to ‘vật vã’ mà chỉ có 5.000Rp (khoảng 12.000 đồng), tổng cộng hai món khoảng 13.000Rp, một giá quá rẻ cho buổi chiều.

Hoàng hôn buông xuống, đường phố bắt bầu lên đèn cũng là lúc chúng tôi bắt đầu dạo phố. Thành phố cao nguyên đầu tuần vắng khách, hai đứa ra thuê xe ngựa dạo quanh phố khoảng 30 phút với giá 25.000Rp sau khi đã mặc cả, thương lượng  được một nửa. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại đi xe ngựa, ngồi nghe tiếng chân ngựa lốc cốc trên đường giữa một thành phố cao nguyên xa lạ làm tôi nhớ lúc nhỏ, tôi cũng hay theo mợ (vợ của cậu tôi) về nhà bà mỗi khi có dịp giỗ chạp. Giờ đã lớn, xe ngựa ở Sài Gòn không còn nữa, nên chỉ khi du lịch xa thế này tôi mới có dịp trở về ký ức tuổi thơ với những chiếc xe thổ mộ.

Kỳ sau: Padang – thủ phủ Tây Sumatra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới