Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mô hình chuyên canh lúa – tôm Cà Mau đạt chứng nhận quốc tế

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cà Mau vừa đạt chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt nhất). Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 và là chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau.

Chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trung Chánh

TTXVN dẫn thông tin từ UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết, vùng lúa – tôm của địa phương vừa được tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam trao giấy chứng nhận BAP của Tổ chức Liên minh thuỷ sản toàn cầu (GAA).

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, từ lâu, Thới Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các mô hình tôm - lúa; trong đó, nổi bật là mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh và lúa - tôm sú.

Do đó, lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận BAP chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp; đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững môi trường, xã hội, an sinh và an toàn thực phẩm.

Đại diện GIZ tại Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, như: SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP… Tuy nhiên, các tiêu chuẩn rất quan trọng được áp dụng phổ biến cho con tôm xuất khẩu hiện nay vẫn là ASC, GlobalGAP và BAP.

Trong đó, điểm chung của 3 tiêu chuẩn này là tập trung bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn dịch bệnh; an toàn môi trường; an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, khi đạt được chứng nhận BAP, tôm Cà Mau nói riêng, tôm Việt Nam nói chung sẽ rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia khó tính trên thế giới. Bởi, GAA hiện có hơn 1.100 thành viên ở 70 quốc gia và đã trở thành tổ chức nổi bật nhất đại diện cho ngành công nghiệp thủy sản toàn cầu.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội tôm chứng nhận Minh Phú, đơn vị đồng hành thực hiện dự án cho biết, khi có giấy chứng nhận BAP, các nông hộ sản xuất trong chuỗi liên kết sẽ được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, thu mua toàn bộ tôm (cả tôm sú và tôm càng xanh) đạt chứng nhận BAP với giá cao so với giá tôm trên thị trường, không lo về đầu ra.

Ngược lại, khi có được nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận, đơn vị thu mua cũng yên tâm khi bảo đảm được nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy suất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn toàn cầu… Đây cũng là điều kiện và cơ hội tốt để Cà Mau quảng bá hình ảnh con tôm của địa phương ra thị trường thế giới, nhất là ở những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới