Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

(TBKTSG) – Sự cần thiết trong hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trước hết bắt nguồn từ tầm quan trọng của giáo dục trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để duy trì và phát triển sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của bản thân mỗi doanh nghiệp, nhà trường.

Tuy nhiên, hiện nay đang có một nghịch lý là trong khi việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn thì lượng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm cũng ngày càng tăng.

Yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang trở thành những đòi hỏi cấp bách đối với ngành giáo dục Việt Nam. Sự gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường và các doanh nghiệp – như là một phần của cơ chế học tập suốt đời – là một quá trình tương tác không thể tách rời.

Điều này tạo ra cơ hội và thách thức mới về đánh giá và hỗ trợ học tập tại nơi làm việc, về cơ hội tiếp cận và nội dung của chương trình học, vai trò của người dạy và quan hệ của họ với người lao động và người sử dụng lao động, cũng như về vai trò của doanh nghiệp trong việc cung cấp các cơ hội và mô hình học tập trong quá trình học tập suốt đời…

Trước các cơ hội và thách thức đó, các giai đoạn và cấu trúc học tập sẽ phải trở nên linh hoạt hơn, sát hợp hơn với thực tế. Đặc biệt, sẽ xuất hiện các cơ hội thiết lập quan hệ mới giữa nhà trường và doanh nghiệp… Tuy nhiên, để những cái mới phát huy hiệu quả thì cần được hậu thuẫn bởi những thay đổi trong nhận thức và tổ chức của hệ thống giáo dục, bởi sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan và sự đầu tư tốt hơn từ phía người sử dụng lao động và cả Nhà nước.

Sự hợp tác nói trên sẽ mang lại các lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, sẽ giúp doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh của mình với xã hội…

Về phía nhà trường, sự hợp tác sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo “đầu ra” cho sinh viên và nhất là góp phần phát triển và trọng dụng nhân tài cho đất nước. Điều này cũng sẽ giúp nhà trường tăng tính tự chủ hơn về tài chính và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư… Trong khi đó, đối với sinh viên, sự hợp tác sẽ cho phép họ tự điều chỉnh nhận thức, nâng cao động lực học tập và kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thực tiễn cuộc sống, tăng cơ hội tìm việc…

Ngoài ra, hiệu quả đầu tư xã hội trong giáo dục nói riêng, trong đầu tư phát triển nói chung cũng sẽ tăng lên, giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển theo hướng kinh tế tri thức và bền vững.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không thể diễn ra đơn điệu, nhất thời mà phải không ngừng mở rộng và đa dạng hóa cả về các đối tác, nội dung, hình thức và tăng cường hoạt động xúc tiến hợp tác. Các hình thức hợp tác có tính khả thi và phổ biến cao là nhà trường cung cấp cho doanh nghiệp những sinh viên tốt nghiệp chất lượng cao; tổ chức đào tạo chuyên sâu và ngắn hạn, cũng như đào tạo chính quy theo hợp đồng đặt hàng có quy định nội dung, thời gian và kinh phí cụ thể. Hai bên cũng có thể hợp tác trao đổi và tiếp nhận chuyên gia, cố vấn, sinh viên thực tập, các hoạt động và dịch vụ khoa học, ứng dụng triển khai và các tư vấn khác…

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội đưa ra những đề nghị hợp tác với Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội – như điều tra thị trường; tập hợp, tư vấn nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp về lao động sinh viên và lao động đương nhiệm để xây dựng các chương trình đào tạo của nhà trường; lập quỹ phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ sinh viên; bảo đảm cho sinh viên giỏi hoặc có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo và làm việc ổn định sau khi tốt nghiệp theo hợp đồng tài trợ của doanh nghiệp; tổ chức hợp tác xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, quản trị doanh nghiệp…

Đó là những sáng kiến rất thiết thực và có tính khả thi cao. Nhưng nếu bổ sung thêm những nội dung và hình thức hợp tác khác như nhà trường trực tiếp hoặc phối hợp với bên thứ ba để cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ quản trị nhân lực, vốn, kế toán, tư vấn pháp lý, môi giới đối tác, tạo việc làm thêm cho sinh viên tại doanh nghiệp theo hợp đồng lâu dài hoặc theo đề nghị cụ thể… thì hiệu quả có thể sẽ cao hơn nữa.  

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác, có thể xem xét ứng dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào nhà trường, như lập các trung tâm trực thuộc sự quản lý của trường. Các đơn vị này có quyền tự chủ cao, hoạt động như một doanh nghiệp khoa học.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu thiếu những quy định giới hạn an toàn và cơ chế thiết yếu để hạn chế, trung hòa và giảm thiểu các tác động mặt trái của các trung tâm này, thì về lâu dài sẽ khó tránh khỏi việc nhà trường chạy theo một số lợi ích ngắn hạn hoặc dẫn đến sự lạm dụng, làm giảm sút chất lượng đào tạo.

TS. NGUYỄN MINH PHONG – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới