Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mô hình tăng trưởng: Qua rồi thời của đồng vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình tăng trưởng: Qua rồi thời của đồng vốn

Mô hình tăng trưởng kinh tế VIệt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng vốn và tăng đầu tư, như các dự án đóng tàu khổng lồ mà Vinashin đang thực hiện. Mô hình này đã đến lúc phải thay đổi – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Trong thời điểm mà cả nền kinh tế thế giới và trong nước đang đối đầu trực diện với suy thoái và giảm phát, thách thức đặt ra cho phát triển là yêu cầu nhanh mà bền vững.

Từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng

Tiến sỹ Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Khoa học Tài chính là một trong số các chuyên gia đã đặt vấn đề về hoạch định chính sách. “Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện tại và tương lai là năng lực hoạch định chính sách phát triển, điều chỉnh vĩ mô làm sao để các nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất, chứ không phải vấn đề đồng vốn như thời kỳ trước”.

Ông Mơ nêu lên quan điểm tại hội thảo về kinh tế Việt Nam do Viện khoa học tài chính tổ chức (12-1-2009) tại Hà Nội.

Trên thực tế, Chính phủ cũng ý thức được điều này rất rõ. Trong bài phát biểu hôm 2-1 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc “Phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội” đã nhấn mạnh: “ Điều quan trọng nhất đối với nước ta hiện nay là phải đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu là dựa vào các yếu tố theo chiều rộng (chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên, tăng đầu tư, nhất là đầu tư nhà nước) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh mới trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế”.

Vấn đề mà Chính phủ chú trọng chính là các giải pháp cấp bách không được mâu thuẫn với các mục tiêu dài hạn; phải tạo ra cơ sở, tiền đề cho việc khai thác tiềm năng tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững trong những năm sau.

Ông Lê Hải Mơ nhấn mạnh rằng, điểm nổi bật nhất của mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là ngày càng phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tăng vốn, đặc biệt là vốn nhà nước. Dù thừa nhận nếu so với thời kỳ trước, mô hình tăng trưởng của Việt Nam có tiến bộ rõ rệt nhưng so với các mô hình thành công trên thế giới thì bộc lộ sự tụt hậu về chất lượng và sớm rơi vào tình trạng đuối sức, hụt hơi trong phát triển, dẫn đến khả năng đề kháng với những biến động kinh tế toàn cầu có thể bị tác động sâu và rộng hơn các quốc gia phát triển khác.

Ông Mơ phân tích, trong cấu trúc tăng trưởng của kinh tế nước ta hiện nay, vốn chiếm đến 57,5%, lao động chiếm 20% và các yếu tố khác chiếm 22,5%. Đó chính là biểu hiện của sự phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn. Do vậy nên hệ số ICOR của Việt Nam tăng rất nhanh: từ 2,7 lên 4,7 (từ 1991-2000) và thời kỳ  2001-2005 là 5,0. Trong đó, kinh tế nhà nước là 6,0. Hoặc các năm 2006-2007, đầu tư chiếm 41% GDP thì hệ số ICOR là 4,9.

Ông Mơ nhận xét, lẽ ra nhà nước chủ động rút lui việc làm kinh tế, giảm mạnh quy mô sở hữu, sử dụng nguồn lực phát triển và chuyển nguồn lực đó cho các nhà kinh doanh là những người biết rõ sử dụng nguồn lực vào đâu, như thế nào để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất thì nước ta đang có xu hướng ngược lại.

Điều chỉnh mô hình và chính sách phát triển

Vẫn ông Lê Hải Mơ đề nghị, cần phải đảo chiều mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào đầu tư nhà nước, giảm quy mô, thu hẹp phạm vi đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước. Ông cho rằng, quy mô chi ngân sách nhà nước 28% là lớn đối với nền kinh tế có GDP/đầu người theo PPP khoảng 2.000 đô la Mỹ, mà Việt Nam mới đạt qua ngưỡng thu nhập trung bình 1.000 đô la Mỹ trong năm vừa qua.

Chính phủ cũng bắt đầu nhận thức rõ hơn vấn đề này. Vẫn trong bài phát biểu nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc rằng, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân hiện chiếm 33% tổng vốn đầu tư xã hội, bằng khoảng 44% tổng vốn đầu tư trong nước và đang có xu hướng ngày càng tăng. Nguồn lực rất quan trọng này là yếu tố quyết định chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, một mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đang hướng tới thông qua một số chính sách hỗ trợ khởi động như bù lãi suất vay thương mại (gói kích cầu 17 ngàn tỉ đồng) hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc cần thiết cho đầu tư, phát triển.

Quyền viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng đề xuất việc các nước đang xác lập định hướng cơ bản của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam đang tìm kiếm, thì yêu cầu đầu tiên phải từ bỏ mô hình: “phát triển rượt đuổi truyền thống”, là mô hình coi mục tiêu tăng trưởng GDP là trung tâm, đạt được chủ yếu thông qua việc tăng mạnh khối lượng đầu vào, khai thác tối đa tài nguyên sang “mô hình phát triển rượt đuổi hiện đại”, lấy mục tiêu phát triển con người là trung tâm và chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao (trí tuệ, tiềm năng công nghệ lớn).

Ông Thiên cho rằng: “Nếu việc bám đuổi không phải là bám đuổi tri thức và công nghệ thì không nước đi sau nào có cơ may đuổi kịp các nước đi trước” và dự đoán khả năng chắc chắn nhất cho chiến lược rượt đuổi “phi công nghệ” có thể là tụt hậu xa hơn.

Còn ông Mơ cũng bổ sung thêm, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần có nhãn quan mới về vai trò sở hữu và sức mạnh chi phối của quốc gia, của nền kinh tế không phải là việc nắm nhà máy, doanh nghiệp cụ thể mà cốt lõi phải nắm giá trị, thông qua nó kết hợp với cơ chế thị trường để có sự cơ động nhanh, can thiệp hiệu quả và tạo ra các giá trị bền vững.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới