Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mở “room”, điều gì xảy ra?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở “room”, điều gì xảy ra?

Các nhà đầu tư nước ngoài ở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM – Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Thông qua thị trường chứng khoán, và với việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội để sở hữu một doanh nghiệp trong nước mà điều này có thể nằm ngoài ý muốn của bản thân doanh nghiệp đó.

Thử hình dung một ngày nào đó, cổ phần của những doanh nghiệp được xem là mạnh hiện nay như REE, Vinamilk, Kinh Đô, Sabeco, Habeco… đã được các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần hết. Lúc đó, ắt hẳn các vị lãnh đạo hiện thời của các doanh nghiệp này không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối bởi thương hiệu mà mình tốn tâm huyết bao nhiêu năm gầy dựng nên giờ đã thuộc về tay những người xa lạ đến từ những đất nước khác (nếu như họ gom đủ số cổ phiếu để có thể chiếm phần lớn những chiếc ghế trong hội đồng quản trị).

Sự hình dung nói trên hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế nếu như các quy định về tỷ lệ được phép sở hữu cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài (room) được nâng lên nhiều hơn, thậm chí không còn hạn chế nào về room ở một số doanh nghiệp. Có thể thấy, các nhà làm chính sách đang tỏ ra khá thận trọng trước một luồng ý kiến từ phía nhiều nhà đầu tư đề nghị mở thêm room.

Ý kiến đề nghị mở thêm room có phần xuất phát từ một lý do khá đơn giản, đó là để thúc đẩy giao dịch trên thị trường sôi động hơn. Theo các ý kiến này, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là một tác nhân khá mạnh, đã kích thích các nhà đầu tư hăng hái tham gia, tạo nên mức cầu lớn về cổ phiếu, từ đó kéo thị trường đi lên. Hiện nay giá các cổ phiếu blue-chip – những cổ phiếu được chú ý nhiều nhất và góp phần làm thị trường tăng giá trong thời gian qua – đã chựng lại. Số nhà đầu tư ủng hộ việc mở room cho rằng do các cổ phiếu này đã hết room khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể mua vào nhằm tạo sức cầu kéo giá cổ phiếu đi lên.

Quả tình, nếu nhìn nhận vấn đề như vậy, giả sử thị trường có sôi động trở lại thì cũng chỉ trong ngắn hạn. Bởi, nếu thực sự đó là cách để kích cầu thì có mở thêm room trước sau cũng lại dẫn đến tình trạng hết room. Trong khi đó, một tác dụng ngược lại là cơ hội nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư trong nước ngày càng ít đi, do khó có thể có tiềm lực tài chính mạnh như nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tên tuổi như đề cập ở trên có giá vốn hóa thị trường nhiều lắm cũng chỉ dăm ba tỉ đô la Mỹ mà như thế thì không quá “đắt” để mua đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc họ sẽ sở hữu gần hết cổ phiếu ở một doanh nghiệp không phải không thể xảy ra.

Một số ý kiến cũng cho rằng việc mở room và thậm chí không cần quy định room sẽ là phù hợp hơn trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam ngày càng mở rộng cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, vậy thì hà cớ gì phải khống chế tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được mua ở các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đã là một xu thế hiện nay, mặc dù sẽ có những doanh nghiệp, những ngành nghề mà Nhà nước vẫn phải nắm giữ.

Ý kiến trên có phần xác đáng nhưng cũng cần nhìn nhận những ảnh hưởng khác nhau giữa việc thành lập doanh nghiệp vốn nước ngoài và việc dùng vốn nước ngoài để mua lại các doanh nghiệp trong nước. Thông qua thị trường chứng khoán, và với việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội để sở hữu một doanh nghiệp trong nước mà điều này có thể nằm ngoài ý muốn của bản thân doanh nghiệp đó. Còn mua bán, sáp nhập lại là chuyện khác, ở đó có sự chủ động của doanh nghiệp.

Một chuyên gia chứng khoán bình luận, trong việc mở room, các nhà làm chính sách chắc chắn sẽ phải cân nhắc với một sự thận trọng cần thiết. Tùy theo doanh nghiệp, ngành nghề mà chính sách sẽ quy định không cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần, hoặc tham gia với một tỷ lệ nhất định, hoặc sẽ hoàn toàn không hạn chế tỷ lệ. Vấn đề là cần sớm công bố các quy định rõ ràng cũng như lộ trình mở room, mở đến tỷ lệ nào đối với các doanh nghiệp, ngành nghề được phép.

LÊ TRIẾT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới