Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỗi thời có một ước mơ…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỗi thời có một ước mơ…

Nguyễn Minh Hải

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Tôi nhớ thời niên thiếu vào đầu những năm 1980, sống ở nông thôn, được xem một số sách báo, hình ảnh ở Liên Xô, tôi luôn mơ ước quê mình dọc ngang đều có đường dây điện thắp sáng để thay đèn dầu, để sản xuất, để tưới tiêu đồng ruộng. Tôi mong quê mình có nhiều nhà máy, ống khói vươn cao, tỏa những làn khói xanh ngút trời thể hiện tính công nghiệp, sự hiện đại.

Tôi mong trên các mái nhà đều có cột ăng-ten truyền hình thể hiện sự văn minh, khá giả. Tôi cũng mong xe cộ chạy khắp các đường ngang ngõ dọc, “bụi bay đầy đường”, cho bõ những ngày đi lại vất vả với xe than, xe đẩy cà rịch cà tang…

Những ước mơ đó đi vào tâm trí tôi, hiện diện trên những bức tranh nguệch ngoạc, trong những bài làm văn lụn vụn, những vần thơ đầu tiên… Với tôi, những bức tranh ấy, bài văn ấy, đoạn thơ ấy mới đẹp làm sao vì nó vẽ nên một quê hương với những đổi thay kỳ diệu, bỏ lại sau lưng những năm tháng dài tối tăm vì thiếu điện, khó khăn, cách trở trong đi lại, nghèo nàn với chỉ một vụ lúa mùa, và còn biết bao điều lạc hậu khác nữa do ánh sáng văn minh chưa chiếu rọi đến.

Những ước mơ đó mãnh liệt đến nỗi cứ mỗi lần được đi ghe đò, chúng lại thúc giục tôi cố tiến lại gần hầm máy để được ngửi mùi dầu diesel thơm thơm, hay mỗi bận ra phố huyện, hít được mùi xăng xe phả trong không khí cũng là những ấn tượng khó quên.

Mà đâu phải trong tâm thức thơ trẻ của tôi mới ước ao như thế. Chẳng phải trong nỗi khát khao công nghiệp hóa đất nước đã có nhạc sĩ viết “nhà máy khói ngút trời” đó sao? Chẳng phải có nhạc sĩ khác đã ước ao “cho điện giăng dây đưa máy về thôn xóm” để bày tỏ nỗi mong chờ ngày điện khí hóa quê hương?

Và để đánh dấu một bước tiến đáng tự hào trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã có không ít vần thơ ca ngợi những nhà máy sản xuất công nghiệp mới mọc lên, cho công suất cao gấp nhiều lần so với lối sản xuất thủ công ngày trước.

Thì ra, mỗi một thời, người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, ở những vùng miền khác nhau đều có chung niềm mơ ước về một xã hội phát triển hơn, vượt lên trên những nghèo nàn, lạc hậu, yếu kém mà nó đang mang.

Nhưng rồi tôi cũng nhận ra mỗi ước mơ chỉ phù hợp với một thời mà thôi. Mơ ước hai mươi, ba mươi năm trước là vậy nhưng giờ đây, khi nó đã trở thành hiện thực, lại trở nên lạc hậu so với nhu cầu phát triển của xã hội mới. Nhà máy xả khói ngút trời không phải điều gì tốt lành mà chính là gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Dây điện giăng giăng tạo ra hàng hàng “mạng nhện” khổng lồ, cho thấy việc quản lý điện thiếu tầm nhìn chiến lược. Nhà nào cũng có ăng-ten truyền hình trên mái không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn không an toàn nếu chẳng may ăng-ten gãy đổ vào đường dây điện. Xe cộ bây giờ nhiều đến nỗi gây ra quá nhiều vụ tai nạn giao thông và ùn tắc… Những mơ ước ngày ấy nay đang là vấn nạn của thực tại mà cả xã hội phải đang ra sức chung tay, hiến kế khắc phục!

Nhưng ước mơ nào có tội! Nhờ có ước mơ mà con người hăng say học tập, lao động, sáng kiến và cống hiến để chung sức xây dựng xã hội mơ ước đó. Những hình ảnh “tay anh phá đá, tay em đào sỏi” một thời ít nhiều đã phản ánh sự đồng lòng của một thế hệ dấn thân vì những ước mơ đẹp đẽ ở thời của họ. Và, nếu xét lịch sử một cách “có lớp có lang” thì những ước mơ một thời đã thành hiện thực ấy là một phần của sự phát triển xã hội. Cái chưa tốt đã được thay thế bằng cái tốt, đến khi cái tốt đó trở nên lỗi thời thì nó được thay thế bằng cái tốt hơn trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã có. Phủ định biện chứng là thế!

Nếu trách thì nên trách cái sự “tầm tầm” của những ước mơ. Để có một cái đích lớn lao mà vươn tới có lẽ cần những giấc mơ dài hơi hơn, có tầm nhìn xa hơn.

Hẳn bây giờ mỗi người trong chúng ta lại có những ước mơ mới. Và trong điều kiện của mình, chúng ta lại phấn đấu để đạt được ước mơ đó. Và dĩ nhiên, trong quá trình biến ước mơ thành hiện thực cần phải có những điều chỉnh hết sức kịp thời sao cho giai đoạn hiện thực của ước mơ được dài lâu, bền vững hơn, đừng quá nhanh bị lạc hậu, cũng đừng để trì trệ mà gây nhiều thiệt hại.

Đừng để mơ ước về một chiếc cầu Rạch Miễu nối liền Bến Tre và Tiền Giang vừa trở thành hiện thực đã trở nên lỗi thời vì quá tải!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới