Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Một làn đường cho xe đạp

Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một người bạn của tôi có dịp ghé Huế sau rất nhiều năm đã phải thốt lên “dân Huế dạo này giàu quá, thành phố toàn xe hơi”. Hẳn là bạn chưa nhận ra Huế cũng nhiều xe đạp và còn là thành phố duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này có “làn đường dành riêng cho xe đạp”.

Nhiều năm qua, Huế thật sự đã thay da đổi thịt trên nhiều phương diện, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Nhiều tòa nhà cao tầng, khách sạn 5 sao, khu dân cư mới, khu trung tâm mua sắm, siêu thị và những con đường mới mở… Công viên dọc hai bờ sông Hương được đầu tư chỉn chu, những tòa nhà có kiến trúc xây từ thời Pháp thuộc đã được trùng tu. Thật may, những con đường rợp bóng cây xanh ở khu trung tâm và trên nhiều tuyến đường vẫn được giữ nguyên, vẫn thấy bóng dáng của những dòng xe đạp.

Ở Huế, người ta có thể chọn phương tiện khác để đi làm, nhưng trong nhà phải có đầy đủ xe đạp cho người lớn và trẻ con. Bọn nhỏ thường thích mỗi buổi chiều cuối tuần đạp xe theo ba mẹ chúng dạo quanh các nẻo đường, khám phá thành nội sau một tuần học hành bận rộn. Người lớn thích đạp xe vì muốn có được cảm giác thư thái, tận hưởng làn gió mát lành trên con đường chạy dọc bờ sông Hương, hay đơn giản muốn được hít thở không khí trong lành của một vùng quê yên bình nào đó vào mỗi buổi sáng sớm.

Xe đạp cũng là phương tiện chủ yếu để các bạn học sinh ở đây đi học. Nếu có dịp ngang qua trường cấp 3 nào đó như Hai Bà Trưng hay Quốc Học trên trục đường chính Lê Lợi, bạn sẽ thấy những tà áo dài thướt tha và duyên dáng của các nữ sinh trên những chiếc xe đạp vào lúc tan trường.

Khách du lịch đến Huế rất nhiều người chọn phương tiện xe đạp để khám phá thành phố. Nếu du khách có thời gian, họ thường đạp xe ra xa ngoại thành tham quan các di tích, đền đài lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn hoặc các ngôi chùa tọa lạc ở những khu vực hẻo lánh, ít người qua lại.

Nói lan man vậy để thấy rằng dù Huế có phát triển thì xe đạp vẫn là một phương tiện không thể thiếu đối với mỗi gia đình ở đây.

Mới đây, thành phố Huế đã có làn đường dành riêng cho xe đạp - kẻ vạch đường dành riêng cho xe đạp trên vỉa hè ở một số tuyến đường như Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và trong một số khu đô thị. Sáng kiến này giúp bảo vệ an toàn cho người đi xe đạp bởi xe đạp vốn dĩ là đối tượng “yếu thế” xét về mặt tốc độ và kích thước so với các phương tiện khác.

Những cư dân Huế thường xuyên sử dụng xe đạp chia sẻ rằng họ cảm thấy như được “giải phóng” khỏi nỗi lo lắng bị các loại xe có gắn động cơ va trúng.

Việc dành một phần vỉa hè cho người đi xe đạp đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công.

Theo Wired 2015, Amsterdam, Hà Lan có hơn 400 ki lô mét đường dành riêng cho xe đạp - một trong những phương tiện di chuyển chính của cư dân. Cơ sở hạ tầng cho làn đường xe đạp được thiết kế an toàn và tiện lợi, bao gồm cả cầu vượt, đường hầm và bãi đỗ xe hiện đại. Hay Copenhagen, Đan Mạch có khoảng 62% dân số sử dụng xe đạp để đi làm mỗi ngày. Thành phố này đã đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào việc xây dựng hệ thống đường, cầu và đèn giao thông ưu tiên cho xe đạp.

Những nơi này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân mà còn thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích xã hội, kinh tế, môi trường và sức khỏe khi dùng xe đạp nơi đô thị. Các nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy mỗi ki lô mét đi bằng xe đạp mang lại lợi nhuận ròng cho xã hội là 23 cent, trong khi mỗi ki lô mét đi bằng ô tô thì xã hội phải chịu lỗ 16 cent.

Trở lại Huế, mặc dù chỉ mới có 8 ki lô mét đường xe đạp nhưng sáng kiến của chính quyền thành phố rất được lòng cư dân địa phương và du khách bởi không chỉ thể hiện mối quan tâm đến nhu cầu của người dân mà còn thúc đẩy một lối sống bền vững và thân thiện với môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới