Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một vòng Quảng Đông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một vòng Quảng Đông

Lâm Văn Sơn (*)

Một show trên sân khấu ngoài trời ở Công viên Trung Hoa Cẩm Tú. Ảnh: Lâm Văn Sơn

(TBKTSG Online) – Chúng tôi đến Quảng Châu (Trung Quốc) vào buổi trưa. Tháng 4, khí hậu ở vùng này thật đẹp. Thời gian này, ở Việt Nam trời rất nóng, du lịch đến những vùng có khí hậu ôn đới thật dễ chịu. Nhiệt độ khoảng 22 độ C, nên mặc dù di chuyển khá xa và dừng nhiều điểm chúng tôi vẫn không thấy mệt.

>>>Nhấn vào đây để xem thêm ảnh >>>

Từ Châu Hải (hay Chu Hải), một đặc khu kinh tế nổi tiếng ở Quảng Đông, chúng tôi di chuyển 2 giờ qua 140km đường bộ để đến thành phố Quảng Châu. Trên suốt quãng đường chúng tôi nhìn thấy rất nhiều khu công nghiệp, khu nhà ở nối liền nhau. Người ta nói rằng thu nhập GDP của người dân thành phố Quảng Châu cao nhất trong số 33 tỉnh thành của Trung Quốc.

Dọc đường, chúng tôi ghé vào thành phố Trung Sơn, xưa gọi là Hương Sơn là quê hương của ông Tôn Dật Tiên (1866-1925) còn gọi là Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa dân quốc. Đến đây đoàn chúng tôi được tham quan khu tưởng niệm ông.

Thành phố “5 con dê”

Quảng Châu hay còn gọi là Ngũ Dương Thành là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông với biểu tượng 5 con dê. Biểu tượng này có từ truyền thuyết kể lại là ngày xưa vùng này rất nghèo, có 5 vị tiên nữ giáng trần để giúp người dân biết kỹ thuật canh nông, trồng trọt. Khi dân chúng có cuộc sống ấm no, 5 vị tiên trở về trời; trước khi ra đi, họ có tặng lại cho người dân ở đây 5 con dê với ý chúc cho dân chúng được ấm no hạnh phúc.

Ngày nay, Quảng Châu được xem là thành phố của các kỳ hội chợ mang tầm cỡ thế giới. Mùa hội chợ có khi diễn ra cả tháng trời tập trung chính vào hai tháng là tháng 4 và tháng 10.

Đến Quảng Châu, chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ – công viên Hoàng Hoa Cương. Mọi đoàn khách Việt Nam sang Quảng Châu đều đến đây dâng hoa, thắp hương tại mộ phần của liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1896-1924), nhà hoạt động cách mạng trong phong trào Đông Du. Công viên Hoàng Hoa Cương được ông Tôn Trung Sơn đề tặng bốn chữ “Hào Khí Trường Tồn”. Hàng ngày, người dân địa phương đến công viên nghĩa trang này tập thể dục vào buổi sáng và dạo chơi thư giãn khi chiều xuống như một thú tiêu khiển tao nhã.

Du khách Việt Nam dâng hương tại mộ phần nhà cách mạng Phạm Hồng Thái (1896-1924). Ảnh: Lâm Văn Sơn

Quảng Châu cũng rất nổi tiếng về ẩm thực. Người Trung Quốc thường nói “Ăn ở Quảng Châu, uống ở Quý Châu, chơi ở Hàng Châu, lấy vợ Tô Châu và ngủ (chết) ở Liễu Châu”. Nhiều người Việt sang Trung Quốc chơi, thường lo ngại về chuyện ăn uống; riêng ở Quảng Châu cách chế biến thức ăn rất hợp với khẩu vị người Việt Nam.

Từ một làng chài 30 năm trước

Rời Quảng Châu chúng tôi đi 160km về phía nam để đến thành phố Thâm Quyến (ShenZhen). Thâm Quyến nghĩa là “con rạch sâu”, nhưng địa danh này thường bị đọc trại thành Thẩm Quyến. Con sông Thâm Quyến (Thâm Quyến hà) ngăn cách thành phố này với Hồng Kông. Tên khác của Thẩm Quyến là Bàng Thành có nghĩa là ‘chim đại bàng’. Hoa biểu tượng của Thẩm Quyến là Lạc Đỗ Quyên, cây tiêu biểu là cây vải.

Thâm Quyến xưa là một làng chài nhỏ, chỉ có núi và biển. Người ta đã sử dụng 10.000 binh sĩ để phá núi, lấp biển và 30 năm sau đã xây dựng nó trở thành một đặc khu kinh tế mở phát triển bậc nhất của Trung Quốc. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ sau cảng Thượng Hải. Năm 2005, cảng này xếp thứ 4 thế giới về khối lượng container (16,2 triệu TEU).

Thâm Quyến còn nổi tiếng là một trung tâm điện tử của Trung Quốc với thành Thiên An là một trung tâm nghiên cứu sản xuất hàng công nghệ cao, nơi thu hút 145 tập đoàn điện tử thế giới đầu tư vào đó. Thâm Quyến còn có chợ đầu mối điện tử Hoa Cường Bắc, nơi mà nhiều người Trung Quốc nói rằng nếu như cái chợ này “hắt xì hơi” thì ngành kinh doanh điện tử Trung Quốc sẽ đau đầu.

Thế giới thu nhỏ trong công viên

Công viên Trung Hoa Cẩm Tú là nơi mà người hướng dẫn đoàn chúng tôi bảo rằng, không một du khách nào đến Thâm Quyến có thể bỏ qua cái thế giới thu nhỏ này. Còn nhà đầu tư khu giải trí này thì đưa ra khẩu hiệu rất gợi sự tò mò, nếu như “bạn cho tôi xin một ngày, tôi sẽ cho bạn biết cả thế giới”.

Như tên gọi của nó, trong công viên này người ta tập hợp các mô hình thu nhỏ những công trình kiến trúc, di tích và danh lam nổi tiếng của đất nước Trung Hoa như lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Vạn Lý trường thành, Tử Cấm thành, cung Thân Vương, Tứ Hợp viện ở Bắc Kinh, miếu cổ Thành Hoàng ở Thượng Hải và cả cung Potala ở Tây Tạng.

Nhưng không chỉ giới hạn trong phạm vi Trung Quốc, đến công viên này du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những công trình nổi tiếng, danh lam thắng cảnh trên khắp thế giới được thu nhỏ theo đúng tỉ lệ thật ở “cánh cửa của thế giới” này. Tháp Eiffel của Pháp, kim tự tháp của Ai Cập, khu vườn hoa Tulip và cối xay gió của Hà Lan, Angkor Wat của Campuchia, tháp nghiêng Pisa của Ý,… Chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh của Việt Nam với mô hình chùa Một Cột xinh xắn.

Trong công viên còn có khu vui chơi dành riêng cho trẻ em, các khu bán hàng lưu niệm, khu ăn uống, khu trượt băng rộng lớn… Tại các quảng trường rộng lớn trong công viên, các sân khấu luôn diễn ra những chương trình biểu diễn định kỳ, rất hấp dẫn với du khách như chương trình biểu diễn trên ngựa tại quảng trường đua ngựa với tuồng tích “Vó ngựa Đại Kim” (nói về trận chiến triều Minh và bộ tộc Đại Kim – nhà Mãn Thanh), chương trình sân khấu hóa trình diễn sắc phục và điệu múa dân tộc “Huyền ảo sắc màu Đông Phương”…

Bên cạnh công viên này là Làng Văn hóa các dân tộc ở Trung Quốc, du khách thỏa thích thưởng ngoạn các kiểu nhà, công cụ sản xuất và văn hóa đời sống các dân tộc của đất nước rộng lớn với số dân đông nhất thế giới này.

_______________________________________________________________

(*) Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch, Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới