Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mua phân, được thêm người bạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua phân, được thêm người bạn

Hồng Ngọc

(TBKTSG) – Ông Nguyễn Văn Tâm, nông dân ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Thuận, huyện Châu Thành, An Giang trong vụ lúa đông xuân 2012-2013 lần đầu tiên đưa 1 héc ta lúa của mình tham gia mô hình trình diễn sử dụng phân đạm Phú Mỹ.

Mua phân, được thêm người bạn
Hội thảo đầu bờ tại một điểm trình diễn sử dụng phân đạm Phú Mỹ – Ảnh do đạm Phú Mỹ cung cấp

Ông cũng như bao bà con nông dân chòm xóm lâu nay cứ bón phân đạm theo thói quen, thấy màu lá lúa có vẻ cần phân hay theo lối nói nôm na của bà con “lúa thiếu phân” thì bón hay bắt chước ruộng lúa bên cạnh, thường tốn 26-28 ki lô gam phân đạm mỗi công lúa 1.000 mét vuông, tức 260-280 ki lô gam phân đạm/héc ta.

Khi nông dân "mắt thấy, tai nghe"

Khi tham gia mô hình, ông Tâm và nhiều bà con khác được cán bộ kỹ thuật của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) với thương hiệu Đạm Phú Mỹ, hướng dẫn kỹ thuật. Ông cho biết, chi phí bón phân đã giảm mạnh, 10 công đất lúa của ông chỉ còn dùng có 217 ki lô gam phân đạm, nếu tính chi li theo giá phân bón trên thị trường, ông Tâm cùng bà con nông dân bón phân theo cách của Đạm Phú Mỹ hướng dẫn, đã giảm được hàng trăm ngàn đồng chỉ tính riêng phân đạm.

Tuy nhiên, các cán bộ kỹ thuật của Đạm Phú Mỹ hướng dẫn nông dân không chỉ riêng cách bón phân đạm mà còn các loại phân khác như lân, kali, NPK. Theo ông Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, bà con nông dân trồng lúa ở An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung thường có tập quán bón phân nhiều, chẳng hạn 1 héc ta lúa bón trên 260 ki lô gam đạm, 80-90 ki lô gam lân, 60-70 ki lô gam kali. Trong khi đó, quy trình bón phân mà đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Đạm Phú Mỹ đang hướng dẫn nông dân chỉ bón 195-217 ki lô gam đạm, 40-60 ki lô gam lân, 30-40 ki lô gam kali/héc ta.

Nông dân như ông Tâm hay chuyên gia nông nghiệp như ông Thành đều công nhận, bà con nông dân bón phân theo tập quán, thói quen sẽ gây ra tình trạng thừa phân, nhất là đạm. Một khi thừa đạm thì cây lúa dễ bị dịch hại do “quá tốt, xanh um”, đổ ngả ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ngoài chuyện tăng chi phí về đạm còn tăng chi phí về thuốc bảo vệ thực vật cũng như khâu thu hoạch, như vậy làm chi phí đầu tư tăng cao thêm.

“Theo công thức khuyến cáo của Đạm Phú Mỹ thì người nông dân tiết kiệm chi phí 2-3 triệu đồng/héc ta”, ông Thành cho hay, trong khi ông Tâm cũng công nhận bón phân theo cách của Đạm Phú Mỹ nông dân được lợi về chi phí nhưng cũng phải mất một thời gian, vì bà con nông dân thường sản xuất theo thói quen, muốn thay đổi không hề dễ dàng.

Với mong muốn cùng bà con nông dân nghiên cứu, thử nghiệm, thay đổi tập quán bón phân, Đạm Phú Mỹ trong vụ đông xuân 2012-2013 đã triển khai sáu mô hình trình diễn cách bón phân với diện tích hơn 12 héc ta.

Theo ông Đặng Hữu Thắng, Phó ban Phân bón, phụ trách công tác dịch vụ kỹ thuật của PVFCCo, trong vụ lúa này, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của toàn tổng công ty đã triển khai gần 40 mô hình trình diễn bón phân trên cây lúa và các cây trồng khác, cụ thể: ĐBSCL sáu mô hình, miền Trung chín mô hình, miền Bắc 14 mô hình và sáu mô hình tại Campuchia, một thị trường xuất khẩu phân đạm của Đạm Phú Mỹ.

Ngoài cây lúa, Đạm Phú Mỹ còn có nhiều mô hình trình diễn bón phân trên cây cà phê, cao su, hồ tiêu, các loại hoa màu khác. Tính từ trước tới nay, PVFCCo đã triển khai hàng ngàn điểm mô hình trình diễn như thế và cùng với việc thực hiện mô hình trình diễn, mỗi năm, hàng chục ngàn nông dân được “mắt thấy, tai nghe” việc hướng dẫn kỹ thuật bón phân sao cho hợp lý, hiệu quả, góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất.

Để thực hiện các mô hình này, bộ phận kỹ thuật nông nghiệp của Đạm Phú Mỹ đã liên kết, hợp tác với Cục Trồng trọt, các sở nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, bảo vệ thực vật các địa phương, cùng các nhà khoa học đầu ngành ở Viện Lúa, Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên và nhà nông.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết chính cách sử dụng phân bón theo thói quen, theo tập quán người này bắt chước người kia của nông dân, dẫn tới không hiệu quả, thậm chí lạm dụng phân bón mà ông cho rằng có khoảng 40-45% lượng phân bón bị thất thoát, ước thiệt hại của ngành nông nghiệp cả nước mỗi năm khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Ngoài lãng phí, việc nông dân sử dụng phân bón không đúng cách còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, nhất là trong sản xuất lúa.

Bán phân bón nhưng không chỉ có phân bón…

“Mô hình trình diễn phân bón của chúng tôi là một nội dung quan trọng của chương trình chuyển giao kỹ thuật, đem lại các giá trị gia tăng cho bà con nông dân,” ông Thắng nói. Ngoài mô hình trình diễn, PVFCCo còn tham gia vào chương trình Cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương. Những hộ nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn, ngoài việc được cán bộ kỹ thuật của Đạm Phú Mỹ hay nhà khoa học chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, còn được mua phân với giá hợp lý.

Trong vụ đông xuân 2011-2012, Đạm Phú Mỹ thực hiện cánh đồng mẫu lớn tại huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ với diện tích 429 héc ta và bà con nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận tăng thêm 1,5-2 triệu đồng/héc ta.

Ngoài ĐBSCL, nơi có điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình Cánh đồng mẫu lớn, PVFCCo cũng mạnh dạn đề xuất thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc, những nơi đất đai vốn manh mún. Trung tuần tháng 3 này, Đạm Phú Mỹ cùng với ngành nông nghiệp Bình Định, Khánh Hòa và một số địa phương khác tổng kết chương trình cánh đồng mẫu lớn cho vụ lúa đông xuân 2012-2013, như ở Bình Định thực hiện được hai mô hình mà mỗi mô hình 30 héc ta, 200 hộ nông dân tham gia.

“Ở các tỉnh miền Trung trong vụ lúa này chúng tôi phối hợp với bà con nông dân và ngành nông nghiệp địa phương thực hiện tới chín mô hình cánh đồng mẫu lớn với hàng ngàn hộ nông dân tham gia, từ những hộ nông dân tham gia trong mô hình được chuyển giao kỹ thuật, sẽ là chiếc cầu nối, là sức lan tỏa ra cho những hộ nông dân khác”, ông Thắng nói về cách làm của Đạm Phú Mỹ.

Một liên kết khác giữa Đạm Phú Mỹ và nhà nông là chương trình Bảo hiểm An nông Việt hiện đang được Đạm Phú Mỹ kết nối với Bảo hiểm PVI thí điểm triển khai ở bảy tỉnh, cũng là cách mà thương hiệu phân đạm này đang đồng hành với nhà nông để giúp nông dân an tâm hơn trong sản xuất, chia sẻ cùng nhà nông khi gặp những rủi ro, bởi nghề nông vốn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, PVFCCo còn tổ chức cho các cán bộ kỹ thuật, nông dân giỏi đi tham quan và tập huấn tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines, cung cấp thông tin và tin nhắn về thời tiết nông vụ cho bà con…

Đến nay, thương hiệu Đạm Phú Mỹ đã trở nên quen thuộc với người nông dân Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự tín nhiệm của bà con nông dân cho sản phẩm mà PVFCCo đã cung cấp. Đó là kết quả của quá trình 10 năm PVFCCo đồng hành cùng nhà nông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới