Chủ Nhật, 6/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mức hỗ trợ người dân cần đáp ứng mức sống tối thiểu

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng mức hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải đạt “mức sống tối thiểu” với tham chiếu là chuẩn nghèo do Chính phủ quy định.

Tại tọa đàm “Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 - Khả năng đáp ứng mục tiêu về an sinh xã hội” diễn ra sáng 5-11, ThS. Phạm Minh Thu - Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – cho biết chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động mất việc làm hoặc tạm thời nghỉ việc chỉ chiếm 9% trong gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, tương ứng 2.533 tỉ đồng.

Con số này, theo bà Thu, thấp hơn rất nhiều so với quy mô gói hỗ trợ năm 2020 theo Nghị quyết 42. Cụ thể, mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do với số tiền 1,5 triệu đồng mỗi người không đáp ứng mức sống tối thiểu. Còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

Hoạt động hỗ trợ thực phẩm cho người dân tại Hà Nội trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ảnh minh hoạ: Tiến Chương.

Ngoài ra, chính sách này đã ‘bỏ qua’ các nhóm đối tượng yếu thế gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

“Quy định một đối tượng chỉ hưởng một lần với một chính sách hỗ trợ và phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy chưa dự báo hết tình hình tác động của dịch Covid-19 đến đời sống người dân, người lao động”, bà Thu cho biết.

Bảng kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Số lượng (Đvt: người) Kinh phí (Đvt: triệu đồng)
Chính sách bảo hiểm 11.642.507 5.281.371
Chính sách cho vay 163.322 462.012
Chính sách trợ cấp tiền mặt 14.581.176 19.588.377
Hỗ trợ các nhóm khác 1.839.599 3.318.249
Hỗ trợ lao động tự do 12.741.577 16.270.028

 

Với người khuyết tật, khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện với 1.792 người khuyết tật trong cả nước cho thấy số ngày làm việc trung bình sau khi có dịch Covid-19 của đối tượng này là 13,35 ngày một tháng, trong khi con số này trước dịch là 23,7 ngày một tháng.

Có 47,9% số gia đình người khuyến tật phải giảm 1/3 chi phí sinh hoạt, 56,4% phải giảm chi phí ăn uống, 39,3% phải giảm chi phí điện và nước, 15% phải giảm chi phí y tế. Ngoài ra, có 21,6% số gia đình phải sử dụng đến tiền tiết kiệm và 18,4% phải vay tiền từ người thân. 

Nhưng chỉ có 20% số gia đình người khuyết tật nhận được tiền trợ cấp hoặc các hỗ trợ khác về tài chính như gia hạn nộp thuế, giảm thuế, vay vốn với lãi suất thấp hơn thời điểm trước Covid-19, theo khảo sát của ACDC. Bên cạnh đó, có 32,7% số gia đình nhận được hỗ trợ về thực phẩm và sản phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính – cho biết gói hỗ trợ còn nhỏ do phải căn cứ vào khả năng nguồn lực của ngân sách và điều kiện thực tế.

“Với nguồn lực hiện có, các biện pháp hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt là tốt nhưng hỗ trợ gián tiếp cũng rất cần thiết, thậm chí quan trọng hơn. Thông qua các biện pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp có dòng tiền, có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó thu hút lao động trở lại làm việc để có thu nhập ổn định và tốt hơn”, ông Tân phân tích.

Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị tốt thuộc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam – đề xuất Chính phủ nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội trong khoảng 6-10% GDP và tăng chi từ ngân sách nhà nước cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động tự do có đầy đủ các quyền lợi như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bà Phạm Minh Thu đề xuất Chính phủ tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với quy mô trong khoảng 4-5% GDP hàng quí trong ngắn hạn. Ngoài ra, cần đảm bảo ngân sách để chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương.

Về phương thức triển khai, bà cho rằng Chính phủ và các địa phương nên thực hiện theo cách phổ cập nhóm, hướng tới các hộ gia đình có trẻ em, người già và người khuyết tật.

Mức hỗ trợ tiền mặt, theo bà Thu, cần  đạt “mức sống tối thiểu” với tham chiếu là chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Thời gian hỗ trợ tiền mặt phải tương ứng với thời gian thực hiện cách ly hoặc giãn cách xã hội tại địa phương.

“Chính sách này nên thực hiện càng sớm càng tốt để chuẩn bị ứng phó với những làn sóng Covid-19 trong năm 2022”, bà Thu chia sẻ.

Về dài hạn, chuyên gia này đề xuất cần coi các khoản chi đảm bảo an sinh xã hội là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên.

TS Nguyễn Đức Thành – chuyên gia kinh tế - kiến nghị Chính phủ, Quốc hội phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt để các địa phương có nguồn lực hỗ trợ người lao động trở về từ các thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc chấp hành kỷ luật ngân sách tại các địa phương này.

Còn ông Nguyễn Minh Tân cho biết ngân sách năm 2022 dự kiến tăng chi khoảng 10.000 tỉ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tăng dự phòng ngân sách thêm 17% và chuyển nguồn chưa sử dụng hết trong năm 2021 sang năm 2022.

Số tiền này, theo ông Tân, sẽ chỉ tập trung cho mua, nghiên cứu, sản xuất vaccine và phát triển thuốc điều trị Covid-19, qua đó giảm số chi cho hoạt động điều trị, khoanh vùng, dập dịch. Ngoài ra, ngân sách tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở y tế và tăng cường năng lực của trung tâm cứu hộ vùng.

Về an sinh xã hội, các cơ quan quản lý sẽ sẽ điều chỉnh chính sách an sinh xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng tăng ngân sách hỗ trợ thêm 5.000 – 6.000 tỉ đồng. Đồng thời, bổ sung chính sách với người có công.

Ngân sách cũng bố trí một phần để tăng tiền lương cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm 1-1-1995 và điều chỉnh chuẩn nghèo theo Nghị định 07 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều.

"Khi thực hiện các chính sách này, một bộ phận người khó khăn trong cuộc sống sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong năm 2022", ông Tân cho biết.

Với lao động tự do, ông cho biết hình thức hỗ trợ đối tượng này đang được thảo luận và tính toán.

Dự toán chi này được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%, còn giá dầu thô ở mức 60 đô la Mỹ một thùng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Hỗ trợ bằng tiền chỉ là cách làm đột xuất. Hỗ trợ từ mạng lưới an sinh xã hội mới quan trọng hơn. Người lao động và gia đình của họ nếu làm công ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào thì họ cũng được quyền tiếp cận với hệ thống hỗ trợ của an sinh xã hội, đặc biệt là y tế/ giáo dục/ trợ cấp thất nghiệp/ trợ giúp pháp lý… mà không phụ thuộc vào địa bàn cư trú, hộ khẩu. .. Muốn làm được điều này ngay từ bây giờ phải thiết kế ngay một hàng lang pháp lý đầy đủ, có chính sách quản lý dân cư và lao động chặt chẽ và hợp lý, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu. Bản thân người lao động cũng phải ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của chính bản thân mình, nếu không chủ động gia nhập vào mạng lưới an sinh xã hội thì tất yếu sẽ bị bỏ rơi lại phía sau.

  2. “Không ai bị bỏ lại phía sau” là khẩu hiệu chưa đầy đủ, chưa thể hiện rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên, cả nhà nước và người dân. “Đừng để ai bị bỏ lại phía sau” là khẩu hiệu đúng mực hơn, cả nhà nước và người dân cần thể hiện vai trò của mình, đóng góp xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hợp lý, công bằng, chính trực, nhân văn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới