(KTSG) - Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc hồi tháng 9-2022. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng cũng đáng lo nếu thiếu các biện pháp quản lý diện tích trồng trọt.
- ‘Bùng nổ’ nhu cầu sầu riêng: cần tránh mất kiểm soát cung cầu
- Nông dân Thái Lan lo sầu riêng Việt Nam giành thị phần ở Trung Quốc
Lô hàng đầu tiên hơn 100 tấn sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức được vận chuyển sang Trung Quốc hôm 17-9 vừa qua. Đây là kết quả của khoảng bốn năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, đi đến thống nhất trái sầu riêng Việt Nam được nhập chính ngạch vào quốc gia này.
Chỉ trong tháng 9-2022, tức từ thời điểm lô hàng sầu riêng đầu tiên nói trên của Việt Nam xuất chính ngạch đi Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này tăng 1.344,6% so với tháng 8-2022, đạt giá trị trên 12 triệu đô la Mỹ. Tính chung chín tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 16 triệu đô la Mỹ, tăng 94,4% so với cùng kỳ, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - một trong những đơn vị đầu tiên được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc - cho biết, hiện nguồn cung của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cộng lại chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ của thị trường tỉ dân này. Riêng sản lượng của Công ty Chánh Thu mới chỉ đáp ứng được khoảng 10-20% nhu cầu cần mua của khách hàng phía Trung Quốc. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng sầu riêng còn rất lớn.
Một điểm rất đáng lưu ý là dù chỉ mới hơn hai tháng kể từ khi đi đường chính ngạch vào Trung Quốc, các thương hiệu Việt Nam đã tạo được dấu ấn tốt. Trái sầu riêng Việt Nam cũng có giá bán ngang bằng giá sầu riêng của các thương hiệu có tiếng của Thái Lan. “Đây là tín hiệu tốt khi chúng ta làm ăn bài bản, tạo được uy tín bằng chất lượng sản phẩm”, bà Tường Vy nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, giá sầu riêng cũng “nhảy múa” khi được thương lái mua xô tại vườn với giá 65.000-70.000 đồng/ki lô gam tùy vào tỷ lệ trái xấu - đẹp trong vườn. Nhìn chung, mức giá này cao hơn 25.000-30.000 đồng/ki lô gam so với trước thời điểm sầu riêng xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Điều này, giúp nông dân trồng sầu riêng ở đồng bằng sông Cửu Long đạt lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỉ đồng/héc ta, cao gấp hàng chục lần trồng lúa.
Nhu cầu thị trường tiêu thụ đang “nóng”, lợi nhuận người bán thu được “cực khủng” là những tín hiệu rất đáng mừng cho ngành cây ăn trái Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng. Tuy nhiên, việc người nông dân thấy món lợi về thị trường sầu ra nước ngoài cao thì có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng sầu riêng từ lớn đến rất lớn và nếu điều này không được kiểm soát tốt, thì tình trạng dư thừa sầu riêng xuất khẩu có thể sẽ xảy ra, và người trồng phải chặt bỏ cây như đã từng diễn ra trong thực tế của ngành nông nghiệp lâu nay.
Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ, riêng ở tỉnh Tiền Giang - địa phương sản xuất sầu riêng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long - đã có thêm khoảng 3.000 héc ta chỉ sau khoảng bốn tháng kể từ khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với trái sầu riêng được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 11-7-2022). Hiện nay, tổng diện tích trồng sầu riêng của Tiền Giang đạt khoảng 20.000 héc-ta, vượt mục tiêu kế hoạch diện tích kỳ vọng đến năm 2025.
Tại vùng chuyên canh lúa ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè của tỉnh Tiền Giang đã có không ít trường hợp người dân từ nơi khác đến thuê hoặc mua đất trồng loại cây đang “hot” này. Thậm chí, nhiều vườn trồng mít cũng được nông dân địa phương cho trồng thêm sầu riêng vào nhằm “lấy ngắn nuôi dài” (khi sầu riêng lớn đến kỳ thu hoạch, thì mít sẽ được đốn bỏ).
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit, cho biết việc trồng mới vùng nguyên liệu là rất dễ, nhưng khi đã mất kiểm soát vùng trồng, tức sản phẩm đã dư thừa, thì rất khó để kiểm soát được thị trường. “Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải kiểm soát để giữ được cân bằng cung - cầu”, ông gợi ý.
Để tránh chuyện nông dân ồ ạt “chạy đua” mở rộng diện tích trồng sầu riêng, các cơ quan quản lý nhà nước phải có hướng dẫn, khuyến cáo. Chẳng hạn, ở một số nước, chính quyền địa phương khuyến cáo ai muốn trồng sầu riêng, thì phải là thành viên của hiệp hội sầu riêng mới bán được.
Chính vì vậy, vai trò của chính quyền trong định hướng hoạt động khuyến nông, quản trị cũng như vai trò của hiệp hội trong cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Bởi thông tin thu thập được từ nơi tiêu thụ sẽ giúp hoạch định cho các thành viên trồng trọt đi đúng hướng và có sự tham gia của khu vực chế biến, thì việc kết nối cung - cầu mới thành công.
Bùng nổ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc là điều đáng mừng, nhưng không khéo có thể tiềm ẩn sự bất ổn khi cung - cầu “lệch pha”.