(KTSG Online) - Để cải thiện vị trí của thành phố Cần Thơ trong bảng xếp hạng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), địa phương này cần thay đổi ba chỉ số đang yếu, đó là chi phí thời gian, gia nhập thị trường và tính minh bạch.
- Thủ tục hành chính các địa phương còn gây phiền hà cho doanh nghiệp
- Nâng cao năng lực quốc gia qua lăng kính PCI
Tại hội thảo “Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của thành phố Cần Thơ”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, trong 5 năm qua, kết quả PCI của địa phương đã được cải thiện, nhưng không đáng kể.
“Riêng năm 2021, PCI thành phố đạt 68,06 điểm (tăng 1,73 điểm so với 2020), giữ nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau tỉnh Đồng Tháp”, ông Trường cho biết.
Tuy nhiên, Cần Thơ đứng cuối cùng trong 11 địa phương nằm trong nhóm xếp hạng tốt. “Vị trí này chưa tương xứng với địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL về dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục…”, ông Trường nhấn mạnh và cho rằng, việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất cần thiết. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cải thiện điểm số của các chỉ số về gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí thời gian…
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cũng nhấn mạnh, đối với chi phí thời gian, kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, năm 2018-2019, có 55% doanh nghiệp được khảo sát trả lời không cần phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký, nhưng đến năm 2020 tăng lên 77% và năm 2021 dù có giảm xuống nhưng vẫn ở mức 68%. “68% doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy được con dấu và chữ ký để hoàn thiện hồ sơ là điều rất lớn”, ông Lam nhấn mạnh.
Với chỉ số gia nhập thị trường, theo ông Lam, lẽ ra với vị trí là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, thì có điều kiện hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp, nhưng chỉ số này chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cụ thể, vẫn còn 8% doanh nghiệp khảo sát cho biết phải chờ đến 1 tháng để hoàn thành thủ tục đưa vào vận hành. “Rõ ràng, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục liên quan”, ông cho biết.
Trong khi đó, với chỉ số về tính minh bạch, thì tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản cần khi yêu cầu cơ quan của thành phố cung cấp là có 80% trong năm 2021 so với con số 63% của năm trước đó. “Đây là điểm sáng của thành phố, tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn phản ánh, để có được thông tin đó cần phải có mối quan hệ (quan hệ riêng tư, nhờ, tiếp cận bên ngoài…), ông Lam cho biết và dẫn chứng, năm 2020 chỉ có 43% doanh nghiệp nói phải nhờ quan hệ, thì năm 2021 là 76%.
Về cổng thông tin của Cần Thơ, ông Lam cho biết, so với vùng ĐBSCL, thì đây là địa phương được doanh nghiệp đánh giá đầy đủ thông tin và đứng đầu của vùng.
Tuy nhiên, khi xét vào các chỉ số con, thì chỉ có 15% doanh nghiệp cho biết thông tin trên web của Cần Thơ là hữu ích; chỉ 11% doanh nghiệp cho biết văn bản điều hành của lãnh đạo thành phố là hữu ích và chỉ 16% cho biết thông tin về khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư là hữu ích.
Để cải thiện chỉ số PCI cho Cần Thơ, ông Lam đề xuất trong ngắn hạn, địa phương cần có bộ chỉ số đo lường về DDCI, tức bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc thành phố. Một việc khác cần làm trong ngắn hạn, theo ông Lam, đó là cần cải thiện về chỉ số thời gian, bởi đây là chỉ số Cần Thơ sụt giảm rất nhiều trong 13 địa phương ĐBSCL.
Trong khi đó, về dài hạn, theo ông Lam, không phải địa phương nào có trung tâm hành chính công tập trung đều thành công. Thế nhưng, ghi nhận trên cả nước, thì địa phương có trung tâm hành chính công và thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu rất lớn, trong đó, có yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. “Thành phố chưa có trung tâm hành chính công tập trung, thì tôi khuyến nghị với thành phố cần có chương trình để đánh giá thực hiện trung tâm này”, ông Lam gợi ý.
Ngoài ra, trong dài hạn, Cần Thơ cần xây dựng chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế, trong đó, phục vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là cung ứng nguồn lực lao động vào quá trình phát triển sắp tới ở những lĩnh vực địa phương có thế mạnh.