(KTSG Online) - TPHCM là một đại đô thị không chỉ so với quy mô của Việt Nam mà còn ở mức độ thế giới. Thế nhưng mấy chục năm qua, chính quyền loay hoay với đủ loại “bệnh đô thị”, không thể trị dứt điểm do cách làm không "chặt đứt" được gốc của vấn đề.
- Cây xanh bị ‘hành hạ’ nhiều năm, lẽ nào không ai thấy?
- Đừng bức tử thành phố!
- Để biển báo giao thông không vô tình trở thành ‘bẫy’
Nguyên nhân là cách quản lý đô thị hiện nay vẫn như mấy chục năm trước, lấy tỉa ngọn làm biện pháp chính nên cái gốc vấn đề còn nguyên đó. Khi “bệnh” có vẻ nặng hoặc trước các dịp lễ tết hay sự kiện quan trọng thì chính quyền phường, quận lại ra quân, lại mở chiến dịch chấn chỉnh nhưng rồi sau đó ít lâu thì hiện trạng vẫn như cũ, thậm chí còn nhiều hơn.
Chẳng hạn, nạn lấn chiếm lòng lề đường làm của riêng để kinh doanh khiến người đi bộ không còn chỗ phải xuống lòng đường đi vừa phiền toái, vừa nguy hiểm tính mạng diễn ra khắp nơi là việc gây bức xúc rất nhiều nhưng chính quyền địa phương không giải quyết được.
Lấy ví dụ việc vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến đường D4 bị các chủ tiệm cây cảnh ngang nhiên chiếm dụng từ nhiều năm qua mà chính quyền “bó tay”. Những nơi bị chiếm mất vỉa hè như thế này nhan nhản trong thành phố dù việc sai phạm diễn ra công khai, kéo dài từ năm này qua năm khác, người dân ai cũng thấy và chính quyền địa phương cũng biết rất rõ.
Những căn bệnh đô thị khác như đổ bê tông hay đóng đinh vào gốc cây để treo biển hiệu, bảng quảng cáo phục vụ cho việc buôn bán cũng bắt gặp khắp nơi, đập vào mắt người đi đường một cách hết sức khó chịu nhưng thỉnh thoảng mới bị xử lý khi có chiến dịch hay báo chí lên tiếng.
Nạn rải đinh ngoài đường để làm thủng vỏ xe rồi người đi đường phải đến những điểm vá xe và bị chặt chém với giá cắt cổ cứ tái đi tái lại mà người dân vẫn phải chịu đựng.
Có thể thấy cách xử lý những căn bệnh đô thị ở TPHCM cũng như nhiều đô thị khác trong mấy chục năm qua dựa trên công thức “ra quân - dọn dẹp - tuyên truyền”, bản chất chỉ là “tỉa ngọn” nên sau khi lực lượng kiểm tra rút quân thì đâu lại vào đó.
Cách làm như thế còn thể hiện qua việc xử lý khi báo chí lên tiếng. Chẳng hạn, tuần qua báo Tuổi Trẻ đăng bài phản ánh hàng loạt biển báo giao thông bị cây xanh che khuất khiến người dân bị phạt oan thì cơ quan quản lý cho người đi cắt tỉa, trong khi lẽ ra trách nhiệm của đơn vị này là phải kiểm tra và cắt tỉa cây định kỳ, không phải chờ đến báo chí lên tiếng mới biết và làm.
Muốn trị dứt bệnh đô thị thì phải thay đổi triệt để cách quản lý từ “ra quân - tỉa ngọn” sang truy gốc và truy trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở.
Đối với tình trạng chiếm dụng lề đường, đổ bê tông gốc cây hay rải đinh thì cái gốc vấn đề nằm ở chỗ xác định người hưởng lợi từ vi phạm. Với tình trạng chiếm dụng vỉa hè hay đổ bê tông, đóng đinh treo bảng vào gốc cây thì còn ai khác hưởng lợi ngoài những hộ buôn bán ngay chỗ đó. Việc bắt quả tang các vi phạm này không khó vì mọi cái đều hiển hiện ra đó, quy định pháp luật để xử phạt cũng có đầy đủ. Như vậy, có thể thấy cái thiếu duy nhất là việc xử lý cứng rắn từ chính quyền cơ sở.
Với nạn rải đinh thì chính quyền phải tập trung kiểm tra các điểm vá vỏ xe trong khu vực, bắt buộc họ phải có bảng niêm yết giá và chính quyền cần gắn bảng hướng dẫn cách liên hệ khi có tình trạng chặt chém, bắt chẹt.
Không cần chờ đến bắt quả tang rải đinh mà với các điểm vá vỏ đã bị phát hiện tự ý gỡ bỏ bảng giá, bảng thông tin liên hệ chính quyền hay bắt chẹt người đi đường khi vá xe là có thể xử phạt hoặc nếu đủ cơ sở pháp lý thì đình chỉ hoạt động.
Song song với biện pháp truy gốc người hưởng lợi từ vi phạm thì phải có biện pháp quản lý để truy trách nhiệm bộ máy quản lý nhà nước. Muốn vậy, phải kiểm soát được chất lượng quản lý đô thị từ trên xuống. Cần có hệ thống theo dõi và đánh giá trách nhiệm chính quyền cơ sở cấp phường xã, đưa vào xếp loại mức độ hoàn thành công việc.
Chính quyền thành phố cần mở nhiều kênh trực tuyến qua mạng xã hội, cổng thông tin để cho người dân phản ánh thông tin, có thể gửi kèm hình ảnh, clip video. Cứ mỗi quí, cơ quan quản lý xem xét địa phương nào để xảy ra nhiều vụ việc mà không dẹp được thì có biện pháp xử lý, chẳng hạn như đánh giá xếp loại công chức hay điều chuyển công tác. Khi có áp lực từ việc giám sát của người dân và quản lý cấp cao thì các căn bệnh đô thị mới mong thuyên giảm.
Có thể đưa ra quy định phường xã, quận huyện nào không dẹp được nạn rải đinh, đổ bê tông gốc cây, chiếm dụng lề đường để kinh doanh trên địa bàn mình chịu trách nhiệm thì cần xem lại việc đánh giá hoàn thành công việc của bộ máy công chức, viên chức quản lý trực tiếp. Khi đề bạt thì đây là một trong những tiêu chí quan trọng cần đánh giá, nếu liên tục không hoàn thành thì không được đề bạt.
Muốn có chính quyền đô thị 4.0, việc đầu tiên là phải giám sát được chất lượng công việc của bộ máy chính quyền bằng công nghệ, không cần hô hào hay đặt ra những mục tiêu cao xa.