Mỹ, châu Âu đau đầu về nguồn cung đất hiếm
Phúc Minh
![]() |
Trong ảnh là mỏ đất hiếm tại Trung Quốc. Đất hiếm được xem là nguồn tài nguyên chiến lược của thế kỳ 21. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Tân Hoa xã ngày 26-10 cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang cố gắng tìm giải pháp đối phó với nguồn cung đất hiếm hạn hẹp. Quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp tại Berlin và Washington cảnh báo việc thiếu đất hiếm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đất hiếm là nguyên liệu sản xuất chính trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, từ điện thoại di động, xe hơi động cơ hỗn hợp, tuabin gió, đến các tấm pin năng lượng mặt trời.
Những năm qua, 97% sản lượng đất hiếm của thế giới đến từ Trung Quốc, Trung Quốc gần như độc quyền về việc cung cấp nguyên liệu này. Nhưng vào tháng trước, Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp lãnh thổ, sau đó có thông tin cho biết Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, làm cho vấn đề đất hiếm trở thành tiêu điểm của quốc tế.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt
Người phụ trách Tiểu ban chuyên trách về kim loại quan trọng của Bộ Năng lượng Mỹ, bà Diana Bauer, cho biết bà không nghe thấy bất kỳ công ty năng lượng tái tạo nào của Mỹ than phiền về việc nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc bị gián đoạn nhưng bà cho biết các doanh nghiệp Mỹ vẫn lo lắng việc thiếu hụt nguồn cung đất hiếm trong tương lai. “Họ lo lắng sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt (đất hiếm)” – bà Diana Bauer nói tại một cuộc họp về kim loại đất hiếm ở Washington.
Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp và công nghệ đất hiếm của Mỹ, ông Keith Delaney, cũng nói với Reuters: “Tôi không nghe trực tiếp thành viên của Hiệp hội nói là khó khăn trong việc mua đất hiếm”. Tuy nhiên, ông Delaney nói người sử dụng Mỹ ý thức được Trung Quốc muốn dùng đất hiếm cho năng lượng sạch và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác của mình, “không có ý định hỗ trợ chuỗi cung ứng của nước ngoài”.
Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh đất hiếm lớn Molycorp (Mỹ), ông Mark Smith, cho biết sau các cuộc thảo luận với quan chức Trung Quốc, ông tin rằng Bắc Kinh sẽ công bố giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vào tháng 7-2011 nhưng không hoàn toàn hạn chế nguồn cung. “Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không ra lệnh cấm triệt để thương mại đất hiếm với Mỹ và EU nhưng lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ giảm” - ông Mark Smith nói.
Ông Taylor Robinson, quản lý cấp cao của Northern Power Systems (Mỹ), nói: “Việc cung cấp đất hiếm sẽ có những khó khăn trong 2-3 năm tới”.
Đưa vấn đề ra hội nghị G20
Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Bruce Bradley, cho biết: “Khi những suy đoán về đất hiếm tồn tại khắp nơi, nền kinh tế sẽ không ổn định. Điều này không có lợi cho ngành sản xuất. Đức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn tài nguyên năng lượng và đất hiếm ngày càng khan hiếm”.
Washington cũng cho rằng bất kỳ kế hoạch cắt đứt nguồn cung đất hiếm nào đều tiềm tàng mối đe dọa với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Nguồn tài nguyên đất hiếm còn được ứng dụng trong công nghiệp quốc phòng”.
Nhà Trắng cho biết tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul (Hàn Quốc) vào tháng tới Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể nêu vấn đề đất hiếm với Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Cố vấn của ông Obama hiện đang nghiên cứu tình trạng thiếu đất hiếm tác động đến kinh tế và an ninh như thế nào.
Tuy nhiên đến nay, Trung Quốc luôn phủ nhận kế hoạch ngừng xuất khẩu đất hiếm. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích nước ngoài đưa ra yêu cầu “không hợp lý” với nguồn tài nguyên cần thiết cho phát triển công nghiệp của Trung Quốc.
Lập pháp và các chính sách liên quan
Ông Delaney cho biết người tiêu dùng Mỹ muốn có giai đoạn chuyển tiếp “hạ cánh mềm”: nghĩa là trong khi Trung Quốc từng bước giảm nguồn cung, Mỹ và Úc sẽ bắt đầu khai thác và sản xuất đất hiếm. Chủ tịch Ủy ban công nghệ thuộc Hạ viện Mỹ, Bart Gordon, kêu gọi các đoàn thể, chuyên gia và thượng nghị sĩ gây áp lực để thúc đẩy nhanh việc lập pháp dự luật hỗ trợ sản xuất đất hiếm trong nước được Hạ viện thông qua hồi tháng 9-2010 với 325 phiếu tán thành và 98 phiếu phản đối.
Đề xuất lập pháp trên nhằm tăng cường chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước Mỹ. Nhưng ông Gordon cảnh báo vẫn phải đợi vài tháng nữa để Thượng viện biểu quyết. Ông Gordon cho rằng nếu không hành động sớm, những tháng đầu năm 2011 sẽ bị lãng phí trong nỗ lực thông qua dự luật, tốt nhất dự luật được thông qua vào giữa năm 2011. “Chúng tôi cần nâng cao sự chú ý với vấn đề quan trọng của kinh tế và an ninh quốc gia” – ông Gordon nói.
Trong khi đó, bà Bauer cho biết Bộ Năng lượng dự kiến vào tháng 12-2010 sẽ công bố chiến lược thúc đẩy sản xuất và đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm toàn cầu, đây là một phần quan trọng trong chủ trương năng lượng sạch của chính quyền Obama. Bà Bauer cho biết Bộ Năng lượng Mỹ sẽ xem xét các kế hoạch ngắn hạn để tăng sản lượng đất hiếm trong 5 năm tới hoặc dài hơn.
(theo Reuters)