Mỹ dẫn đầu thế giới về văn hóa khởi nghiệp
![]() |
Thành công của Silicon Valley là phát triển tinh thần khởi nghiệp ra khắp thế giới. |
(TBKTSG Online) – Dù đang là khởi điểm của khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất hiện nay, nhưng Mỹ vẫn được xem là quốc gia hàng đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp so với các nền kinh tế khác, theo phân tích của tờ Economist.
Trong giai đoạn kinh tế ảm đạm hiện nay, Mỹ vẫn là nguồn cảm hứng của tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship). Trong khoảng thời gian từ 1996 – 2004, trung bình mỗi tháng có 550.000 doanh nghiệp nhỏ ra đời tại Mỹ. Và rất nhiều doanh nghiệp này đã nhanh chóng lớn mạnh. Tập đoàn Wal-Mart lớn nhất thế giới hiện nay ra đời vào năm 1962 và chỉ bước chân ra thị trường chứng khoán ở thập kỷ vừa qua. Còn những công ty hàng triệu đô la như Google và Facebook mới hình thành trong vòng 10 năm nay.
Sau Thế chiến 2, nước Mỹ chuyển tiếp sang nền kinh tế doanh nghiệp dễ dàng hơn các đối thủ cạnh tranh khác nhờ tinh thần khởi nghiệp bắt rễ sâu trong lịch sử. Nó hình thành từ những nhà tiên phong cải tiến và chấp nhận rủi ro, sẵn sàng từ bỏ những xác tín lâu đời để chộp lấy cơ hội mới. Học sinh Mỹ được học những câu chuyện về những nhà phát minh như Benjamin Franklin và Thomas Edison. Các doanh nhân như Andrew Carnegie và Henry Ford được tôn vinh như tượng đài. Những người như Bill Gates và Steve Jobs đại diện cho lòng say mê khởi nghiệp. Tại Mỹ, sách về kinh doanh được bán đến hàng triệu ấn bản. Và giới trẻ hiện nay thích tự coi mình là những start-up (doanh nghiệp mới khởi đầu).
Bốn lợi thế của tinh thần khởi nghiệp Mỹ
Các công ty Mỹ có được quyền tự do tuyển dụng và sa thải công nhân, và công dân Mỹ tin rằng việc làm nằm trong tay họ. Họ cảm thấy thoải mái với chuyện chấp nhận rủi ro vốn là bản chất của tinh thần khởi nghiệp: nếu thành công thì phần thưởng sẽ rất lớn, như Brin của Google trở thành tỷ phú khi mới 30 tuổi; nhưng nếu thất bại thì sự trừng phạt chẳng có gì là ghê gớm. Để so sánh, tại một số quốc gia, phá sản chẳng khác nào là cái chết về mặt xã hội, trong khi ở Silicon Valley, đó là biểu hiện danh dự.
Mỹ có những lợi thế về mặt cấu trúc khi chuyển sang tinh thần khởi nghiệp. Lợi thế đầu tiên là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm phát triển nhất. Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Mỹ, American Research and Development Corporation, ra đời vào năm 1946 và hiện nay lĩnh vực này quy tụ các nguồn lực, chuyên gia và khách hàng mà khó quốc gia nào cạnh tranh được. Quỹ Highland Capital Partners nhận được mỗi năm khoảng 10.000 dự án kinh doanh khả thi và triển khai từ 10-20 đầu tư mỗi năm. Công ty tư vấn HIS Global Insight tính rằng trong năm 2005, số công ty được đầu tư mạo hiểm tạo ra doanh số chiếm gần 17% GDP của Mỹ và sử dụng 9% lực lượng lao động trong khu vực tư.
Lợi thế thứ hai là quan hệ gắn bó giữa đại học và giới kỹ nghệ đã trở thành truyền thống. Các đại học Mỹ là những đầu máy kinh tế chứ không phải là những tháp ngà, phát triển nở rộ những công viên khoa học, văn phòng công nghệ, kinh doanh và quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi Google bước ra thị trường chứng khoán, Đại học Stanford đã kiếm được khoảng 200 triệu đô la từ cổ phiếu. Các giáo sư được dạy làm cách nào để trở thành doanh nghiệp. Phân nửa các start-up tại Silicon Valley có gốc rễ từ trường đại học.
Lợi thế thứ ba là chính sách di dân rất mở. Có đến 52% số start-up ở Silicon Valley là do dân di cư lập ra, tăng khoảng một phần tư so với cách nay 10 năm. Tổng cộng có đến một phần tư các start-up trong khoa học và công nghệ với doanh số 52 tỉ đô la và sử dụng 450.000 lao động đều có nhân sự là người nước ngoài, kể cả bậc CEO hoặc trưởng bộ phận phụ trách công nghệ. Trong năm 2006, có đến một phần tư số bằng sáng chế hoặc đồng sáng chế là của người nước ngoài sinh sống tại Mỹ, tăng 7,6% so với năm 1998.
Ông Amar Bhidé thuộc đại học Colombia cho rằng nguyên nhân thành công thứ tư của tinh thần khởi nghiệp Mỹ còn có sự đóng góp của người tiêu dùng chấp nhận mạo hiểm. Người dân Mỹ sẵn sàng thử sản phẩm mới, bất kể điều đó khiến họ thâm hụt tiền tiết kiệm hoặc chỉ để học thêm những kỹ năng mới. Họ cũng sẵn sàng quấy rối nhà sản xuất để buộc những doanh nghiệp này phải cải tiến chất lượng sản phẩm. Chính nhờ vậy mà Apple đã bán được hơn nửa triệu chiếc iPhone trong ngày cuối tuần đầu tiên tung ra thị trường.
Nhưng nước Mỹ cũng đối mặt với những nỗi lo sợ ảnh hưởng đến môi trường khởi nghiệp của mình. Hệ thống luật pháp khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí. Một trong những vấn đề lớn nhất xuất phát từ chuyện các luật sư khởi kiện các công ty vi phạm bằng sáng chế. Do hệ thống thuế quá phức tạp nên nhiều công ty phải dành nhiều thời gian và công sức cho chuyện kê khai thuế, thay vì lẽ ra nên tập trung vào kinh doanh. Và sự kiện khủng bố 11-9 cùng chuyện bài ngoại đang tăng khiến nước Mỹ ít mở rộng cửa cho di dân. Hiện có hơn 1 triệu người đang chờ được cấp quy chế thường trú. Mỗi năm chỉ có 85.000 visa được cấp cho lực lượng lao động có tay nghề mà kinh tế Mỹ đang cần, và mỗi quốc gia chỉ được xin cấp visa không vượt quá con số 10.000.
Dù đang gặp những vấn đề trên, Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa khởi nghiệp ra toàn thế giới. Đó là khả năng tạo ra những doanh nghiệp làm thay đổi thế giới như Bill Gates, những đại học luôn mang tinh thần sáng tạo như Harvard và Stanford, và những tập họp giá trị cùng tạo ra sức mạnh như Silicon Valley. Ông Simon Cook của DFJ Esprit, một công ty vốn mạo hiểm cho rằng thành công lớn nhất của Silicon Valley không phải là cho ra đời một Google hay Apple, mà là ý tưởng của chính nó. Những người Ấn và Trung Quốc học tập và làm việc tại Stanford và Silicon Valley đang trở về quê hương để tái tạo một dạng Silicon Valley tại Bangalore hoặc Thượng Hải.
Đứng sau quyền lực mềm này là nguồn đầu tư tài chính rất mạnh. Kauffman Foundation chi 90 triệu đô la hàng năm từ doanh số khoảng 2,1 tỉ đô la để phổ biến tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ các nghiên cứu, huấn luyện doanh nghiệp và tài trợ cho tuần lễ Global Entrepreneurship Week thu hút 75 quốc gia trong năm 2008. Golman Sachs bỏ ra hơn 100 triệu đô la cho 5 năm tới để khuyếch trương tinh thần khởi nghiệp trong nữ giới ở các nước đang phát triển, đặc biệt thông qua đào tạo quản trị.
Châu Âu đang thay đổi nhờ mô hình Mỹ
Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở châu Âu kém phát triển hơn ở Mỹ. Tại một số quốc gia, vốn mạo hiểm được gọi là “risk” thay vì “venture”, tức phản ảnh mức độ rủi ro cao hơn và cái nhìn khắc khe hơn đối với hình thức đầu tư này. Trong năm 2005 chẳng hạn, các nhà đầu tư mạo hiểm ở châu Âu chi ra 12,7 tỉ euro, trong khi ở Mỹ là 17,4 tỉ. |
Trong khi đó, hai nền kinh tế hàng đầu còn lại của thế giới là châu Âu và Nhật lại ít thể hiện tinh thần khởi nghiệp hơn. Tại Đức, số doanh nghiệp mang óc cải tiến hiện ít hơn phân nửa so với ở Mỹ, theo Global Entrepreneurship Monitor (GEM), một liên doanh giữa trường London Business School và Babson College. Và rất ít các start-up ở Đức sẽ trở thành những công ty lớn sau đó. Khác biệt này chủ yếu thuộc về văn hóa. Doanh nghiệp châu Âu ít chấp nhận rủi ro để sinh lãi vì càng lãi nhiều càng bị đánh thuế cao và sợ tác động của phá sản (chẳng hạn ở Đức, luật cấm không cho những người từng dính đến phá sản làm CEO). Khi Dennis Payre dự tính từ giã công việc an toàn ở Oracle để bắt tay lập doanh nghiệp vào cuối những năm 1980, bạn bè người Pháp của anh đưa ra 10 lý do để ở lại, trong khi bạn bè người Mỹ đưa ra 10 lý do để khởi nghiệp. Tháng 1-2008, start-up mang tên Business Objects của Payre được SAP của Đức mua lại với giá 4,8 tỉ euro.
Châu Âu cũng rất ít quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ. Người lao động ở châu lục này được đảm bảo mỗi năm tối thiểu 4 tuần lễ nghỉ hè, trong khi kỳ nghỉ của người Mỹ ít hơn nhiều. Về mặt nhận thức đối với kinh doanh, 42% số người châu Âu cho rằng doanh nghiệp đang bóc lột lao động của người khác, trong khi con số này ở Mỹ là 26%. Thêm vào đó là hệ thống thuế và luật lao động ở một số nước châu Âu không khuyến khích các doanh nghiệp phát triển vượt một tầm mức nào đó. Có không ít đại học ở châu Âu vẫn tỏ thái độ nghi ngờ giới kinh doanh, vẫn sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhà nước đang teo tóp dần mà không chịu mở rộng vòng tay sang khu vực tư nhân.
Gần đây, châu Âu đã bắt đầu thay đổi nhờ Mỹ xuất khẩu mô hình vốn đầu tư mạo hiểm. Trong những năm 1990, nhà đầu tư ở Silicon Valley tin rằng họ chỉ cần đầu tư “không xa hơn bán kính 20 dặm tính từ văn phòng”. Nhưng gần đây, các cơ sở này đã được thiết lập tại châu Á và châu Âu, một phần nhờ họ nhận ra rằng những đột phá công nghệ đang được tiến hành ở nhiều nơi, nhưng phần khác là vì họ tin rằng áp dụng phương pháp Mỹ cho các nền kinh tế khác có thể khởi phát làn sóng sáng tạo trong khởi nghiệp.
Trong thời gian từ 2003 đến 2006, đầu tư vốn mạo hiểm của châu Âu tăng trung bình 23%/năm, so với chỉ 0,3% ở Mỹ. Ba quốc gia gồm Đan Mạch, Thụy Điển và Anh phát triển lĩnh vực vốn đầu tư mạo hiểm tương ứng với nền kinh tế của mình mạnh hơn ở Mỹ. Thành công của Skype, một dịch vụ gọi điện thoại thông qua internet, là điển hình của tinh thần khởi nghiệp mới của châu Âu. Một người Thụy Điển và một người Đan Mạch đã kết hợp lập ra công ty này và ký hợp đồng giao dịch vụ cho các nhà lập trình vi tính ở Estonia. Năm 2005, họ bán Skype cho eBay với giá 2,6 tỉ đô la. Nhiều đại học châu Âu đã trở thành một trung tâm high-tech. Chẳng hạn Cambridge của Anh đã sản sinh ra hơn 3.000 công ty và tạo ra hơn 200 triệu phú ở đại học.
Nhật thích nghi với tinh thần khởi nghiệp kém hơn châu Âu. Người giỏi ở nước này chỉ muốn làm cho công ty lớn hoặc cho chính phủ. Chuyện đầu tư vốn mạo hiểm cực kỳ hiếm, vì phá sản sẽ bị trừng phạt nặng. Khu vực doanh nghiệp nhỏ được khuyến khích lập lại những gì mà người đi trước đã làm hơn là sáng tạo. Trong 25 năm qua, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới ở Nhật chỉ bằng một phần ba ở Mỹ.
TẤN LỘC
Israel, Đan Mạch và Singapore là ba vùng đất hứa của tinh thần khởi nghiệp, theo tờ Economist. Quốc gia vùng Trung Đông có đến 4.000 công ty high-tech, hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang phát triển rất mạnh. Các tập đoàn high-tech hàng đầu của Mỹ như Intel và Microsoft đểu có cơ sở nghiên cứu ở Israel. Nhiều người Israel sang Mỹ học tập và tìm cơ hội đã quay trở về quê hương khởi nghiệp. Có khoảng 70 công ty Israel giao dịch trên thị trường Nasdaq ở Mỹ. Với Đan Mạch, nền kinh tế nước này vốn phân chia giữa các công ty đa quốc gia (như bia Carlsberg) và các doanh nghiệp gia đình nhỏ. Nhưng nay chính phủ quốc gia Bắc Âu này muốn bổ sung thêm lực lượng kinh tế thứ ba: các start-up với tiềm năng phát triển nhanh chóng. Chính nhờ vậy mà các dự án nhỏ được chính phủ hỗ trợ bằng mọi cách, thông qua Quỹ đầu tư mạo hiểm Vaekstfonden. Ngân hàng Thế giới xếp Đan Mạch ở vị trí thứ năm trong nhóm các quốc gia dễ làm ăn, dẫn đầu là Singapore. Đảo quốc sư tử cũng giống Đan Mạch ở chỗ rất ủng hộ tinh thần khởi nghiệp và cả các chính sách thực hiện. Singapore cũng có Quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ lập ra, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực quan trọng như truyền thông số, công nghệ sinh học, công nghệ làm sạch và lọc nước… đồng thời khuyến khích người dân vốn quen thụ động trở nên cải tiến hơn. Nhà trường ở Singapore giảng dạy tinh thần khởi nghiệp, và các đại học thúc đẩy gắn kết chuyện đào tạo kinh doanh với giới doanh nghiệp. |