Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ dọa ‘cấm cửa’ TikTok nếu cổ đông Trung Quốc không thoái vốn

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu các chủ sở hữu ở Trung Quốc phải bán cổ phần của họ ở TikTok, nếu không ứng dụng chia sẻ video ngắn sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại Mỹ.

TikTok đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại Mỹ trừ phi các chủ sở hữu Trung Quốc thoái vốn khỏi ứng dụng chia sẻ video ngắn này. Ảnh: Sky News

Tìm người mua tài sản TikTok ở Mỹ

Tờ Wall Street Journal hôm 15-3 dẫn các nguồn tin cho biết Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ ( CFIUS), một cơ quan liên ngành giám sát các rủi ro an ninh quốc gia trong các khoản đầu tư xuyên biên giới, đã đưa ra yêu cầu trên. CFIUS cũng sẽ bắt đầu quy trình phê duyệt đối tác mua tài sản của TikTok tại Mỹ, nơi ứng dụng này có hơn 100 triệu người dùng. Các nguồn tin cho biết mục tiêu của CFIUS là tìm một bên mua có thể xây dựng lại thuật toán của TikTok đối với các hoạt động tại Mỹ, ngăn chặn quyền truy cập Trung Quốc vào dữ liệu người dùng Mỹ.

Động thái này thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách của Nhà Trắng. Lâu nay, một số đảng viên Cộng hòa chỉ trích chính phủ không có lập trường đủ cứng rắn để giải quyết mối đe dọa an ninh quốc gia từ TikTok, thuộc sở hữu của hãng công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh. .

Các lãnh đạo của TikTok cho biết 60% cổ phần của ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu, 20% thuộc sở hữu của nhân viên và 20% thuộc sở hữu của những người sáng lập. Tuy nhiên, cổ phần của những người sáng lập có quyền biểu quyết lớn hơn, như thường thấy ở các công ty công nghệ.

Năm ngoái, TikTok cam kết chi 1,5 tỉ đô la cho một chương trình có tên gọi Dự án Texas để bảo vệ dữ liệu và nội dung của người dùng Mỹ khỏi sự truy cập hoặc ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. TikTok cho biết dự án này về cơ bản sẽ tách biệt các hoạt động tại Mỹ, với tất cả dữ liệu liên quan được sẽ được lưu trữ Mỹ. Dự án đề xuất hãng phần mềm Oracle (Mỹ) tiếp cận thuật toán của TikTok để giám sát và cảnh báo các vấn đề cho nhóm thanh tra chính phủ Mỹ. Các bước trong dự án đang được triển khai. Tuy nhiều, yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc thoái vốn ở Tikok cho thấy CFIUS không tin dự án Texas đủ khả năng giải quyết mối lo ngại an ninh.

TikTok cho biết việc ép bán cổ phần như vậy sẽ không giải quyết được rủi ro an ninh mà Mỹ lo ngại.

“Nếu bảo vệ an ninh quốc gia là mục tiêu, thì việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề. Thay đổi quyền sở hữu sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng chảy dữ liệu hoặc quyền truy cập ứng dụng TikTok”, Brooke Oberwetter, người phát ngôn của TikTok, cho biết trong một tuyên bố hôm 15-3.

Theo Oberwetter, cách tốt nhất để giải quyết lo ngại an ninh quốc gia là bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ và hệ thống của TikTok tại Mỹ một cách minh bạch với sự giám sát và xác minh mạnh mẽ của bên thứ ba mà TikTok đang triển khai.

TikTok có thể kiện nếu bị cấm

Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan dẫn đầu CFIUS, từ chối bình luận. Vẫn chưa rõ Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao trước yêu cầu thoái vốn đối các chủ sở hữu ở Trung Quốc của TikTok, công ty khởi nghiệp lớn nhất thế giới với mức định giá 220 tỉ đô la. Trước đây, Bắc Kinh cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng một thỏa thuận như vậy vì lo ngại dữ liệu hoặc thuật toán sẽ rơi vào tay nước ngoài.

Caitlin Chin, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nói rằng yêu cầu thoái vốn quá đột ngột, vì vậy, TikTok sẽ khó tìm được người mua nhanh chóng.

“Rất ít công ty đủ lớn và giàu có để mua TikTok, và bất kỳ gã khổng lồ công nghệ nào có khả năng mua tài sản TikTok ở Mỹ có thể cần có lý do chiến lược để làm như vậy”, bà nói.

Bà cho biết thêm rằng do thị trường truyền thông xã hội của Mỹ nằm dưới sự chi phối của một vài công ty lớn. Vì vậy, ngay cả khi một đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Meta hoặc YouTube muốn mua TikTok, điều đó có thể làm dấy lên lo ngại về độc quyền.

Các cuộc đàm phán với CFIUS về cách bảo mật dữ liệu của TikTok đã diễn ra trong hơn hai năm nhưng gặp bế tắc trong nhiều tháng gần đây. Các nguồn tin cho biết đại diện của Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ nằm trong số những bên ủng hộ buộc chủ sở hữu cổ phần TikTok ở Trung Quốc phải thoái vốn.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco nhiều lần trích dẫn luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, trong đó yêu cầu các công ty công nghệ hoạt động ở Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu khách hàng nếu được yêu cầu. Điều này càng làm tăng thêm mối lo ngại đối với dữ liệu người dùng Mỹ ở TikTok.

Tuần tới, Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, dự kiến ​​xuất hiện trước cuộc điều trần ở Ủy ban Thương mại và năng lượng của hạ viện Mỹ để trả lời chất vấn về các vấn đề an ninh.

Năm 2020, viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tìm cách buộc bán TikTok cho phần lớn quyền sở hữu tài sản ở Mỹ, nếu không sẽ cấm cửa ứng dụng này. Nhưng nỗ lực đó cuối cùng bị cản trở khi TikTok và ByteDance kiện ra tòa để ngăn chặn lệnh cấm theo đề xuất. Họ lập luận lệnh cấm sẽ vi phạm các sửa đổi trong Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) cho phép dữ liệu thông tin xuyên biên giới được miễn trừ khỏi quyền hạn của tổng thống nhằm giải quyết mối đe dọa an ninh quốc gia thông qua biện pháp trừng phạt kinh tế.

Nỗ lực cấm TikTok của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng có thể phải đối mặt thách thức pháp lý. TikTok có thể kiện ra tòa với lập luận rằng bất kỳ động thái ép buộc bán cổ phần nào cũng đồng nghĩa với một lệnh cấm vì chính phủ Trung Quốc không cho phép bán thuật toán của TikTok. Công ty cũng có thể lập luận rằng động thái ép bán cổ phần sẽ vi phạm các sửa đổi của đạo luật IEEPA cũng như tu chính án thứ nhất của hiến pháp Mỹ về bảo vệ tự do ngôn luận và báo chí.

Động thái của CFIUS diễn ra cùng lúc với việc các nghị sĩ ở thượng viện Mỹ đề xuất dự luật có thể củng cố quyền lực pháp lý của chính phủ trong việc ứng phó mối đe dọa an ninh từ các ứng dụng do nước ngoài sở hữu.

Dự luật đó yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ thiết lập quy trình giảm thiểu rủi ro an ninh và có khả năng cấm đối với công nghệ nước ngoài.

Dự luật này, nếu được thông qua, có thể dẫn đến lệnh cấm trong những trường hợp thích hợp đối với một nền tảng hoặc dịch vụ trực tuyến cụ thể.

“Dự luật này sẽ trao quyền cho chính phủ Mỹ ngăn chặn một số chính phủ nước ngoài khai thác những dịch vụ công nghệ đang hoạt động tại Mỹ theo cách gây rủi ro cho dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta”, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết trong một tuyên bố.

Theo WSJ, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới