(KTSG Online) - Với hàng chục tỉ đô la trợ cấp của chính quyền liên bang, các hãng chip trong nước và nước ngoài đang lên kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà máy mới ở Mỹ, hứa hẹn tạo ra hàng chục ngàn việc làm mới. Tuy nhiên, giới chức trách và lãnh đạo trong ngành chỉ ra rằng hiện tại, nước Mỹ không có đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhà máy đó.
- 'Quả ngọt' từ chính sách hỗ trợ của Mỹ: 200 tỉ đô la đổ vào hoạt động sản xuất
- Thiếu kỹ sư chip bán dẫn đe dọa vị thế dẫn đầu của Đài Loan
Ồ ạt công bố dự án nhưng chưa tính đến bài toán nhân sự
Nước Mỹ đang trong cơn bùng nổ xây dựng nhà máy sản xuất chip mới nhờ chương trình trợ cấp và ưu đãi thuế hào phóng mà mà chính phủ liên bang đang rót vào lĩnh vực bán dẫn. Tổng thống Joe Biden đã nói rằng nguồn vốn trợ cấp sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm được trả lương cao. Nhưng một một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời là liệu có đủ nhân lực để lấp đầy không gian sản xuất của các nhà máy chip này hay không.
“Nỗi lo lớn nhất của tôi là nguồn lực đầu tư dồn tất cả vào hạ tầng sản xuất chip nhưng không có đủ nhân sự trong ngành này. Tác động có thể thực sự lớn nếu chúng ta không tìm ra cách tạo ra sự phấn khích và sự quan tâm của người lao động đối với ngành này”, Shari Liss, CEO của SEMI Foundation, chi nhánh phi lợi nhuận của SEMI (Mỹ), một hiệp hội đại diện cho các công ty sản xuất điện tử toàn cầu, bày tỏ.
Các nhà lập pháp Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học hồi năm 2022 với tham vọng biến Mỹ thành một cường quốc bán dẫn. Điều này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng ở châu Á đối với những con chip nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ máy rửa bát, máy tính cho đến ô tô. Đạo luật bao gồm khoản trợ cấp 39 tỉ đô la dành cho các dự án nhà máy chip mới cũng như dự án mở rộng những nhà máy hiện có. Các hãng chip muốn nhận được một phần từ khoản trợ cấp này đã nhanh chóng công bố dự án mới trên toàn quốc.
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), có trụ sở ở Washington, có hơn 50 dự án bán dẫn mới đã được công bố kể từ khi Đạo luật CHIPS và Khoa học có hiệu lực với các công ty tư nhân cam kết đầu tư tổng cộng hơn 210 tỉ đô la.
Nhưng khoản đầu tư đó chưa tính đến đến trường lao động Mỹ đang thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều năm, với nhiều doanh nghiệp đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhân công
Các nhà sản xuất chất bán dẫn từ lâu đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vì quá ít sinh viên theo học các lĩnh vực học thuật liên quan và mối quan tâm đến ngành bán dẫn còn thấp. Các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất bán dẫn thừa nhận việc tuyển dụng các vị trí quan trọng như kỹ thuật viên vận hành thiết bị và kỹ sư thiết kế chip, sẽ còn khó khăn hơn,
Theo báo cáo của Deloitte, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 70.000-90.000 nhân sự trong vài năm tới. Hãng tư vấn quản lý McKinsey cũng dự đoán ngành bán dẫn của Mỹ sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 kỹ sư và 90.000 kỹ thuật viên lành nghề vào năm 2030.
Các hãng chip phải vật lộn tuyển dụng một phần là vì không có đủ nhân công lành nghề. Bên cạnh đó, họ phải cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn để tuyển dụng kỹ sư.
Ronnie Chatterji, điều phối viên triển khai Đạo luật CHIPS và Khoa học của Nhà Trắng, nói rằng tuyển dụng đủ số lượng công việc cho các nhà máy chip mới là thách thức lớn. Tuy nhiên, ông tin rằng người Mỹ sẽ muốn làm các công việc này khi họ nhận thức rõ hơn về sự trỗi dậy của ngành công nghiệp bán dẫn.
Chạy đua đào tạo nhân lực
Trong tháng này, Nhà Trắng cho biết sẽ thành lập 5 “trung tâm nhân lực” ban đầu ở các thành phố như Phoenix ở bang Arizona và Columbus ở bang Ohio, để đào tạo thêm phụ nữ, người da màu và những người lao động thiểu số khác trong các ngành công nghiệp như sản xuất chip bán dẫn.
Các quan chức liên bang cho biết nguồn tài trợ trong Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng có thể được sử dụng để phát triển lực lượng lao động.
Hãng chip TSMC của Đài Loan đang xây dựng nhà máy chip trị giá 12 tỉ đô la ở Phoenix, bang Aziona. Nikkei Asia dẫn các nguồn tin cho biết hãng dự kiến sẽ tuyển dụng nhân sự ở Đài Loan để đưa sang làm việc ở nhà máy này sau khi nhận thấy khó tìm đủ nhân sự lành nghề ở Mỹ.
Intel đã công bố kế hoạch đầu tư 20 tỉ đô la cho hai nhà máy sản xuất chip mới ở Arizona và hơn 20 tỉ đô la cho một tổ hợp sản xuất chip mới ở Ohio. Hãng chip này đã đầu tư hàng triệu đô la vào quan hệ đối tác với các trường đại học để đào tạo kỹ thuật viên vàmở rộng chương trình giảng dạy có liên quan đến bán dẫn.
Gabriela Cruz Thompson, Giám đốc hợp tác nghiên cứu đại học của Intel Labs, đơn vị nghiên cứu của Intel, lo ngại số lượng nhân viên lành nghề và tài năng hiện có không thể lấp đầy tất cả các vị trí mới của Intel.
Tại hạt Maricopa, bang Arizona, ba trường đại học cộng đồng đã hợp tác với Intel để cung cấp chương trình đào tạo nhanh chỉ trong 10 ngày nhằm chuẩn bị cho sinh viên muốn trở thành kỹ thuật viên sơ cấp ở các nhà máy chip. Trong các buổi học kéo dài bốn giờ, sinh viên sẽ tìm hiểu kiến thức cơ bản về cách tạo ra chip, thực hành sử dụng các dụng cụ cầm tay và mặc thử áo choàng từ đầu đến chân mà các kỹ thuật viên phải mặc khi làm việc.
Nhiều trường đại học đang mở rộng các chương trình kỹ thuật đại học và sau đại học. Chẳng hạn, Đại học Purdue ở bang Indiana khởi động chương trình cấp bằng bán dẫn vào năm ngoái. Đại học Syracuse ở New Yok đang hợp tác với Micron và 20 tổ chức khác để tăng cường chương trình giảng dạy liên quan. Đại học này có kế hoạch tăng 50% lượng tuyển sinh kỹ thuật trong vòng 3 -5 năm tới.
Hãng chip nhớ Micron của Mỹ cũng cam kết đầu tư 100 tỉ đô la trong hai thập niên tới để xây dựng một tổ hợp nhà máy sản xuất chip khổng lồ ở New York. Hãng đã triển khai các chương trình lực lượng lao động mới, bao gồm các chương trình đào tạo các nhân viên công nghệ hiện tại và dạy học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông về nghề nghiệp STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) thông qua các khóa đào tạo chip.
Để được xem xét nhận trợ cấp của liên bang, các hãng chip phải nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ, trong đó, trình bày kế hoạch chi tiết về cách họ sẽ tuyển dụng và giữ chân người lao động. Các hãng chip muốn nhận hơn 150 triệu đô la trợ cấp có thể được yêu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao với chi phí hợp lý cho người lao động.
Theo NY Times