(KTSG Online) - Mỹ và 9 nước đồng minh gồm Úc, Canada, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Anh, ủng hộ bộ nguyên tắc phát triển mạng 6G toàn cầu nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, quyền riêng tư, tính bền vững và toàn diện. Thỏa thuận mới được đưa ra khi cuộc đua với Trung Quốc để xây dựng mạng không dây thế hệ tiếp theo đang nóng lên.
- Tham vọng 5G, nhìn từ nước dẫn đầu Hàn Quốc
- Các hãng xe lo ngại sự thống trị bản quyền công nghệ kết nối của Trung Quốc
Nhấn mạnh an ninh quốc gia, tính bền vững
Trong tuyên bố chung công bố hôm 26-2, Mỹ và 9 nước đồng minh trên đặt ra các nguyên tắc cho hệ thống liên lạc 6G toàn cầu, trong đó nhấn mạnh hệ thống này cần được phát triển bằng công nghệ đáng tin cậy để bảo đảm an ninh quốc gia.
Các nguyên tắc khẳng định mục tiêu xây dựng các công nghệ an toàn, có khả năng chống chịu, bảo vệ quyền riêng tư theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Tuyên bố chung kêu gọi sáng tạo mở thông qua hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm mạng 6G có chi phí phải chăng, bền vững và có thể tiếp cận toàn thế giới, bao gồm các nước đang phát triển.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phổ tần hiệu quả và chuỗi cung ứng an toàn để hỗ trợ hệ sinh thái 6G mang tính cạnh tranh và đổi mới.
Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi tin rằng các nguyên tắc này là đóng góp không thể thiếu trong việc xây dựng một tương lai mạng 6G toàn diện, bền vững, an toàn và hòa bình hơn cho tất cả mọi người, đồng thời kêu gọi các chính phủ, tổ chức và các bên liên quan khác cùng tham gia với chúng tôi để hỗ trợ và duy trì các nguyên tắc này”.
Công nghệ không dây thế hệ thứ sáu, hay 6G, hứa hẹn mở ra cuộc cách mạng hóa truyền thông với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn tới 50 lần so với 5G. Độ trễ của gửi và nhận thông tin của mạng 6G dự kiến giảm xuống còn 1/10 so với phiên bản trước.
Mạng 6G cũng được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn 5G về tốc độ dữ liệu cao nhất (peak data rate), số lượng kết nối, tính di động, hiệu suất phổ tần.
Một số chuyên gia đánh giá rằng mạng 6G có thể mang lại những đổi mới đột phá trong lĩnh vực truyền thông. Họ đang giám sát chặt chẽ việc chạy đua thống trị công nghệ này của các chính phủ và tập đoàn công nghệ khổng lồ trên toàn cầu ở mọi khía cạnh, từ thiết lập các tiêu chuẩn đến sản xuất thiết bị.
Vẫn chưa rõ khi nào 6G sẽ được cung cấp cho công chúng nhưng hầu hết các dự báo đều hướng đến năm 2030. Liên minh Viễn thông quốc tế của Liên hợp quốc kỳ vọng một bộ tiêu chuẩn công nghệ 6G được phê duyệt vào năm 2030. Liên minh này cho biết, mạng không dây thế hệ tiếp theo dự kiến tích hợp khả năng cảm biến đa chiều và trí tuệ nhân tạo, tạo ra nền tảng hạ tầng kỹ thuật số mới, cho phép kết nối gần thời gian thực.
Sự vắng mặt đáng chú ý của Trung Quốc
Tuyên bố hôm 26-2 của Mỹ và 9 nước đồng minh khẳng định “sự hợp tác và thống nhất là điều cần thiết trong việc giải quyết những thách thức quan trọng mà chúng ta gặp phải trong quá trình phát triển công nghệ 6G”.
Các đối tác tham gia tuyên bố này gồm những nước là quê hương của các “ông lớn” viễn thông như AT&T ở Mỹ, Nokia ở Phần Lan, Ericsson ở Thụy Điển và Samsung ở Hàn Quốc. Nhưng đáng chú ý, danh sách đối tác vắng mặt Trung Quốc.
Một nhà phân tích ở Bắc Kinh của hãng nghiên cứu thị trường viễn thông IDC xem động thái này là nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển mạng 6G của Trung Quốc. Nhà phân tích cho rằng việc gạt Trung Quốc ra khỏi thỏa thuận về các nguyên tắc phát triển mạng 6G có thể không hiệu quả.
Nhà phân tích giấu tên này lưu ý, mạng 6G vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu trên toàn thế giới và quỹ đạo phát triển của nó sẽ phụ thuộc vào cách thức phát triển của các hoạt động thương mại và nguyên tắc công nghệ.
Một nhà nghiên cứu từ một trường đại học Trung Quốc, người cũng từ chối nêu tên, cho biết quy mô thị trường nơi công nghệ 6G đang được phát triển cũng là một yếu tố quan trọng. Ông nhận xét, Trung Quốc có lợi thế đặc biệt nhờ lượng người dùng khổng lồ so với các nước có dân số nhỏ hơn như Úc. Nhà nghiên cứu cho rằng động thái hợp tác mới nhất của Mỹ và các đồng minh khó có thể cản trở tiến trình phát triển hệ thống truyền thông không dây 6G của Trung Quốc. Đồng thời, ông lưu ý những tập đoàn khổng lồ công nghệ trong nước như Huawei Technologies sẽ xây dựng chiến lược độc lập cho mạng 6G.
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực truyền thông không dây và âm thầm tiến lên vị thế dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G. Quốc gia này dẫn đầu thế giới về số lượng trạm cơ sở, thiết bị kết nối và bằng sáng chế liên quan đến mạng 5G. Điều này đánh dấu bước nhảy vọt lớn so với vị thế trước đây của Trung Quốc trong kỷ nguyên 3G và 4G.
Phản ứng trước thông tin trên, hôm 27-2, cổ phiếu của các tập đoàn thiết bị viễn thông của Trung Quốc tăng giá mạnh. Cổ phiếu của ZTE, niêm yết ở Thâm Quyến, tăng kịch trần 10%. Cổ phiếu của hãng này ở Hồng Kông cũng tăng giá 11%. Cổ phiếu của Sunshine Global Circuits, nhà sản xuất bảng mạch tích hợp và Shaanxi Huada Science Technology, nhà sản xuất đấu nối điện, đều tăng giá 20%. ZTE đã tích cực khám phá các công nghệ 6G và xuất bản nhiều báo cáo về những kịch bản ứng dụng 6G.
Một báo cáo nghiên cứu gần dây của China Galaxy Securities cho biết, mạng 6G đang trong giai đoạn xây dựng tiêu chuẩn và thử nghiệm ở Trung Quốc. Báo cáo nhận xét, khi nâng cấp từ các mạng hiện có, các nước có lợi thế cốt lõi về thế hệ công nghệ tiền nhiệm như Trung Quốc, có nhiều khả năng “nâng cao vị thế dẫn đầu về công nghệ kết nối không dây”.
Theo SCMP, WSJ