Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng cao chất lượng hàng hóa trong mục tiêu thăng hạng thị trường chứng khoán

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được những mốc lịch sử cả về điểm số và thanh khoản, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, được đo lường thông qua hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), đồng thời cũng đã có sự cải thiện.

Đây là chia sẻ của ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM, tại Lễ Vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2021, do Hiệp hội Các nhà Quản trị tài chính Việt Nam (VAFE), Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi) và Vietstock đồng tổ chức.

Ông Lê Nhị Năng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: DNCC.

Theo ông Năng, các hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của các công ty niêm yết đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là "sợi dây liên kết" giúp nhà đầu tư hiểu đúng về doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán trong năm 2021 liên tục lập kỷ lục, tạo nhiều mặt bằng mới cả về điểm số và thanh khoản. Nếu như giai đoạn nửa cuối năm 2020 giá trị giao dịch khoảng 15.000 tỉ đồng/phiên thì bình quân 11 tháng đầu năm 2021 đã lên trên 40.000 tỉ đồng/phiên, trong đó có phiên kỷ lục xác lập ngày 19-11 là gần 56.000 tỉ đồng.

“Lượng tiền nhà đầu tư là rất nhiều, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong hai năm tới thì dòng tiền vào thị trường sẽ còn dữ dội và sôi động hơn nhiều”, ông Năng nhận định.

Trong mục tiêu thăng hạng thị trường Việt, việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động IR ở các doanh nghiệp niêm yết. “Sự đóng góp của các công ty niêm yết là rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường chứng khoán”, ông Năng nhận định.

Theo báo cáo “Khảo sát về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2021”, do VAFE phối hợp cùng Vietstock thực hiện, có 389 doanh nghiệp trong tổng số 724 doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX), chiếm tỷ lệ 53,73%.

Trong số này, chứng khoán là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin năm 2021 cao nhất thị trường (tỷ lệ 75%), còn thấp nhất là ngành xây dựng (42,55%).

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên đạt chuẩn cao hơn 50% so với toàn thị trường, ghi nhận ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp niêm yết đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Hiện các lỗi vi phạm chủ yếu là công bố thông tin liên quan đến đại hội cổ đông thường niên (128 doanh nghiệp), nhắc nhở hay xử phạt vi phạm công bố thông tin (88 doanh nghiệp), báo cáo quản trị trong kỳ (104 doanh nghiệp). Trong năm ngoái, các lỗi chủ yếu tập trung vào báo cáo tài chính.

“Điều này cho thấy doanh nghiệp ngày càng chú trọng và đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ cơ bản đối với nhà đầu tư, chú trọng công tác quan hệ nhà đầu tư; hướng tới hoạt động công khai, minh bạch và đối xử công bằng giữa các cổ đông. Đây cũng là những yếu tố then chốt, tạo cơ sở để thị trường chứng khoán có thể phát triển bền vững dựa trên nền tảng minh bạch và hiệu quả”, báo cáo đánh giá.

Kết quả khảo sát đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nằm trong chương trình thường niên bình chọn doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất (IR Awards), do Vietstock, VAFE và FILI đồng tổ chức, nhằm đánh giá toàn diện về hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của các doanh nghiệp niêm yết hằng năm, bao gồm thống kê khảo sát thực tế, mở bình chọn công khai cho cộng đồng nhà đầu tư và đánh giá chuyên môn từ các định chế tài chính chuyên nghiệp. Năm 2021 là năm thứ 11 chương trình được thực hiện.Theo khảo sát của chương trình IR Awards năm 2021, nhóm các định chế tài chính thì đánh giá cao hoạt động IR ở các công ty như Tập đoàn Hòa Phát, VinHomes, Vinamilk (nhóm vốn hóa lớn); Chứng khoán TPHCM, Tập đoàn Hà Đô, Chứng khoán VNDirect (nhóm vốn hóa vừa); và Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh, Tập đoàn Danh Khôi và Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (nhóm vốn hóa nhỏ).

2 BÌNH LUẬN

  1. UBCKNN phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính khu vực của VN. Trong vòng 5 năm đến nếu không đưa được VN vào bản đồ tài chính khu vực ASEAN/ASIA thì có lẽ cũng nên xem xét sự tồn tại của thị trường có đáng không?

  2. UBCKNN không chỉ có trách nhiệm “gạn đục khơi trong” các doanh nghiệp niêm yết để nâng cao chất lượng thị trường, mà còn phải dọn dẹp bớt các Cty CK đang hành nghề, tôn trọng uy tín + chuyên nghiệp, loại trừ tình trạng đục nước béo cò, thổi giá kiếm tiền… Nếu không thị trường của ta cũng biết quanh quẩn kiếm ăn, chạy theo kỹ xảo, mà không phát huy sở trường, làm nên được trò trống gì lớn để giúp ích cho nền kinh tế phát triển và hội nhập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới