(KTSG Online) - Thời tiết nắng nóng đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa đối với an ninh nhiên liệu toàn cầu vì nhiệt độ cao gây gián đoạn ở ở các nhà máy lọc dầu cũ kỹ, thiếu đầu tư.
- Các nhà máy lọc dầu châu Á gặp khó khi Kuwait giảm xuất khẩu dầu thô
- Chiến tranh khiến phương Tây ngày càng phụ thuộc nhiên liệu từ châu Á
Nhiệt độ tăng cao từ Texas (Mỹ) đến Tokyo (Nhật Bản) trong mùa hè oi bức này là lời nhắc nhở mới nhất về rủi ro ngày càng tăng đối với hệ thống năng lượng. Ngoài việc khiến nhu cầu điện tăng đột biến khi người dân bật máy điều hòa, nhiệt độ nóng như thiêu đốt còn dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động hàng loạt tại các nhà máy lọc dầu. Đó chính là nguyên nhân đẩy giá xăng của Mỹ tăng cao cũng như giá dầu diesel dễ dàng tăng với tốc độ nhanh hơn dầu thô trong thời gian qua. Mùa hè năm nay đặc biệt khắc nghiệt, với tháng 7 là tháng nóng nhất thế giới được ghi nhận, sau một tháng 6 cũng nóng nhất lịch sử.
Theo Macquarie Group, nhiệt độ cao đã khiến các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất chế biến dầu mỏ ít nhất 2% trên toàn cầu trong hai tháng đó. Dù con số đó có vẻ không nhiều nhưng việc ngừng hoạt động ảnh hưởng đến hệ thống lọc dầu vốn đã căng thẳng do thiếu đầu tư trong nhiều năm và thị trường sản phẩm dầu mỏ vốn đang thắt chặt do tác động của chiến sự Ukraine.
“Điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta chứng kiến trong năm nay thực sự là một vấn đề lớn. Sức nóng khiến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Mỹ dừng hoạt động nhiều hơn và đối mặt với các vấn đề khó khắc phục hơn”, Ben Luckock, đồng giám đốc kinh doanh dầu mỏ tại tập đoàn hàng hóa hóa Trafigura Group, nói.
Theo ước tính hãng tư vấn ngành công nghiệp năng lượng FGE, hoạt động chế biến dầu thô ở châu Âu giảm 700.000 thùng/ngày trong mùa hè này so với một năm trước đó. Con số này tương đương khoảng 6% sản lượng dầu chế biến trong khu vực.
Steve Sawyer, giám đốc phụ trách bộ phận lọc dầu và hạ nguồn của FGE, cho biết hơn một nửa mức giảm đó là do tác động của nắng nóng.
Nhiệt độ cao đang làm tăng nhu cầu về dầu nhiên liệu thường được sử dụng để sản xuất điện ở Trung Đông và Nam Á. Nắng nóng cũng làm tăng thêm chi phí vận tải do do mực nước ở tuyến đường thủy quan trọng như sông Rhine và kênh đào Panama cạn kiệt.
“Nhiệt độ môi trường tăng đang hạn chế hiệu quả hoạt động của các cơ sở lọc dầu đồng thời dẫn đến tình trạng ngừng hoạt động diễn ra nhiều hơn do cơ sở vật chất cũ kỹ”, Serena Huang, nhà phân tích của Công ty tư vấn hàng hóa Vortexa, cho biết.
Nhiệt độ cực cao là vấn đề thường gây căng thẳng cho các lưới điện kéo ở mức nghiêm trọng hơn so với các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên tác động của nắng nóng đối với thị trường nhiên liệu đã tăng lên do lượng dự trữ giảm dần, với tồn kho sản phẩm chưng cất trung bình của Mỹ, bao gồm cả dầu diesel, đang mức thấp nhất theo mùa trong 5 năm qua.
Và không chỉ nhiệt độ cao mới đe dọa hoạt động của nhà máy lọc dầu và giá nhiên liệu.
Henning Gloystein, giám đốc khí hậu năng lượng của hãng tư vấn Eurasia Group cho biết, biến đổi khí hậu cũng gây ra thời tiết mùa đông khắc nghiệt hơn trên khắp Bắc bán cầu. Đợt thời tiết băng giá ở Mỹ vào cuối tháng 12 năm ngoái đã khiến sản lượng lọc dầu của nước này giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Tình trạng tăng gián đoạn hoạt động của các nhà máy lọc dầu do thời tiết khắc nghiệt làm nổi bật hàng loạt thách thức ngày càng tăng khi thế giới cố gắng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Theo Frederic Lasserre, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phân tích toàn cầu của Gunvor Group, thị trường nhiên liệu quá nhạy cảm với bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào ở bất kỳ nơi đâu.
“Mọi người đều biết rằng không có kế hoạch B. Chúng ta không có hàng tồn kho và chúng tôi không có công suất lọc dâu dư thừa ở bất kỳ đâu”, Lasserre nói.
Theo Bloomberg