(KTSG Online) - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ nay đến cuối tuần (đến ngày 7-5), nền nhiệt phổ biến ở các tỉnh là từ 36-39 độ C. Tại khu vực phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa - Phú Yên, có nơi trên 40 độ C.
- Nắng nóng gay gắt trên diện rộng tại các tỉnh thành phía Nam
- Miền Bắc đón không khí lạnh, miền Nam cảnh báo cháy rừng do nắng nóng kéo dài
Theo TTXVN, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia dự báo, từ sau ngày 7-5, nắng nóng ở khu vực phía đông Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ giảm dần.
Trước mắt, trong ngày 6-5, phía đông Bắc bộ sẽ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất là 40-55%.
Còn khu vực Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa - Phú Yên, nhiệt độ phổ biến là 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C, thời gian nắng nóng khoảng từ 10-18 giờ, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.
Thiên tai gây thiệt hại hơn 25 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm
Năm 2022, cả nước xảy ra 21 trong tổng số 22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Trong đó, thống kê có hơn 1.070 trận thiên tai, diễn ra bất thường và trái quy luật tự nhiên. Thiệt hại kinh tế gần 19.500 tỉ đồng, gấp 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021, theo TTXVN.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 78 trận động đất, 12 đợt gió mạnh, sóng lớn… Tổng thiệt hại kinh tế là hơn 25 tỉ đồng.
Do đó, chương trình tổng thể về phòng, chống thiên tai quốc gia đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tập trung vào giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất; giảm thiệt hại về kinh tế ở mức thấp hơn giai đoạn 2010-2020 và không vượt quá 1,2% GDP bình quân mỗi năm.
Một số biện pháp được đề ra như các ban, ngành và địa phương cần cập nhật tình hình thời tiết để các tổ chức, cá nhân và gia đình sẽ kịp thời biết thông tin về thiên tai. Đồng thời, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và một số bộ, ngành đáp ứng được yêu cầu tham mưu, hỗ trợ trong việc phòng, chống thiên tai. Còn lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và rủi ro thiên tai được đào tạo, trang bị với đầy đủ trang thiết bị.
Ngoài ra, công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân hướng đến đủ khả năng chống chịu trước thiên tai theo mức thiết kế, đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro thiên tai; tập trung khắc phục, xử lý những vị trí trọng điểm của đê điều, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.