Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên chăng tạo biểu tượng tín ngưỡng mới?

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những ngày này, khắp cả nước các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp và thi đại học. Mỗi nơi có phong tục tập quán khác nhau, nhưng tựu trung là hàng ngàn học sinh đến những nơi linh thiêng nhất ở địa phương mình để cầu hanh thông trong kỳ thi này. Đa phần học sinh đến những nơi thờ tự các bậc trí giả nổi tiếng để cầu được phù hộ, và minh tuệ khi lều chõng.

Sờ đầu rùa cầu may mắn. Nguồn: Internet

Ở miền Nam học sinh thường đến nhà thờ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, Lăng Ông Bà Chiểu, Thoại Ngọc Hầu; miền Trung thì đến lăng các vị vua nhà Nguyễn; miền Bắc thì chủ yếu là đến Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Tôi đã chứng kiến cảnh hàng ngàn học sinh cùng cha mẹ lỉnh kỉnh trái cây, nhang đèn đến Văn Miếu để cầu xin may mắn và tìm kiếm sự tĩnh tâm trước một cuộc thi quan trọng nhất của đời người. Nhưng có một câu chuyện khiến tôi mãi không lý giải được cho thấu đáo.

Số là cháu học sinh nào sau khi vào chính điện thắp hương khấn vái Khổng Tử và sau đó sang nhà Thái học khấn vái nhà giáo Chu Văn An thì sang khu trưng bày 82 bia tiến sĩ làm bằng đá xanh đặt trên lưng rùa. Những người quản lý khu Văn Miếu làm một hàng rào bằng sắt cao ngang ngực, chắc chắn ngăn cách giữa người xem và hàng bia, nhưng thỉnh thoảng có cháu phóng qua rào nhanh như chớp sờ đầu rùa rồi chạy mất, có cháu bị bảo vệ ngăn lại và lớn tiếng mắng như tát nước.

Nhìn ra trên khắp thế giới mới thấy chuyện làm tăng sức mạnh tự thân, niềm tin qua việc mượn lực từ bên ngoài, nhất là thánh thần, các sức mạnh siêu nhiên chả thiếu, thậm chí trong nhiều trường hợp họ còn cố tình tạo ra những cảnh huống như thế kèm theo đó là những lời đồn thổi cố ý để thu hút khách du lịch thập phương.

Bất cứ doanh nhân nào bước chân đến Phố Wall, nơi được coi là trung tâm tài chính lớn nhất nước Mỹ, cũng sờ mó cặp sừng và dương vật to quá cỡ của con bò khổng lồ bằng đồng (The Charging Bull) khiến cho nó sáng bóng lên dưới ánh mặt trời. Mọi người cho việc làm đó sẽ mang đến tài lộc bởi vì còn bò này chính là biểu tượng của tiền tài, sức mạnh và khả năng tài chính.

Còn ở Pháp có bức tượng Victor Noir – một nhà báo nổi tiếng và có ảnh hưởng tới mức đám tang của Victor Noir có đến 100.000 người tham dự. Bức tượng bằng đồng của ông đặt nằm trên mặt đất và điều ngạc nhiên là trong khi các phần khác của bức tượng đều bị oxy hóa thì chỉ có đôi môi và “của quý” là vẫn sáng bóng, bởi phụ nữ tin rằng họ sẽ có con khi chạm vào bộ phận này của ông.

Khách du lịch đến Ý rất thích đến thăm thành phố Verona nơi có bức tượng nàng Juliet, nhân vật nổi tiếng trong chuyện tình lãng mạn và đẫm nước mắt, bộ ngực trần của nàng Juliet bị mòn vẹt đi do có quá nhiều người xoa tay lên để cầu tình yêu.

Ngay ở châu Á chúng ta cũng gặp những hiện tượng như thế ở các tượng Phật, tượng các vị thần ở Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia.

Quay trở lại với các bức tượng rùa đội bia ở Văn Miếu cho thấy việc được sờ đầu rùa đã mê hoặc không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài, bởi rùa là một trong tứ linh của người Việt mà lại cõng trên lưng một tấm bia mang giá trị văn hóa – lịch sử.

Những người quản lý và một số nhà khoa học cho rằng nếu cứ để cho mọi người tự do xoa đầu rùa thì rồi đầu rùa sẽ nhẵn bóng và mòn vẹt, như thế làm mất giá trị nguyên bản lịch sử. Cho nên các nhà quản lý văn miếu trước làm hàng rào ngăn cách bằng bằng dây vải, rồi bằng gỗ và bây giờ là bằng sắt ngăn cách từ người xem đến hàng bia chừng 2 mét, những ngày lễ hội thì huy động thêm các tình nguyện viên đứng bên trong ngăn cản những sĩ tử ném tiền hay liều mạng nhảy bổ vào.

Chúng ta hãy đặt ra hai tình huống khác nhau. Thứ nhất để cho khách sờ đầu 1-2 cụ rùa nguyên thủy, sau 10-15 năm đầu rùa bong láng và mòn đi, cứ coi đó là sự mất mát nhưng đổi lại việc sờ đầu rùa sẽ hình thành nên những huyền thoại truyền miệng rằng được sờ đầu rùa sẽ may mắn, sẽ đỗ đạt, sẽ hiển vinh và như thế dòng người thập phương sẽ đổ đến không ngớt. Ngành du lịch sẽ thu lợi, Văn Miếu sẽ có thêm kinh phí tu bổ không cần xin Nhà nước. Những di sản, di tích kiến trúc – lịch sử nhuốm màu hư hư thực thực bao giờ cũng thu hút khách thập phương, thậm chí người ta còn cố tình thêu dệt thêm thắt cho kỳ bí nữa.

Thứ hai, những người quản lý không muốn các bia bị suy suyển thì hãy thuê thợ tạo ra 1, 2 rùa đội bia mới bên trên có dòng chữ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung để cho sĩ tử thực hành nghi lễ xoa đầu và nhang khói. Chỉ vài mùa là rùa và bia sẽ nhuốm màu thời gian và linh thiêng ngay. Ai đó nói đấy là đồ giả. Xin thưa ngay rằng hơn 90% hiện vật quý giá trong các viện bảo tàng đều là đồ giả cả đấy, đồ thật thì cất ở trong các kho được bảo quản kỹ càng, chả ai dại để đồ thật mời gọi bọn trộm cắp, mà ngay ở Văn Miếu nhiều công trình mới xây dựng vào năm 2000 như nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống, khu Thái học, và cả trống đại có tên là “trống sấm” cũng mới đưa vào sau này, nhưng giờ cũng rêu phong và có linh hồn.

Tạo ra một biểu tượng mới để thỏa mãn nhu cầu cộng đồng, làm an lòng sĩ tử trước kỳ thi chắc chắn tốt hơn là để cho các cháu đi đến những nơi không lành mạnh như bói toán, đồng, cốt. Hãy cứ mạnh dạn thử xem, đừng phê phán. Thiên hạ người ta làm cả rồi mà. Tạo ra một thói quen tín ngưỡng mới lành mạnh có sao đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới