Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên dừng cấp phép thủy điện nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên dừng cấp phép thủy điện nhỏ

Lâm Khoa

(TBKTSG) – Xung quanh câu chuyện ứng xử với thủy điện nhỏ và vừa, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Phú Yên, và ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

TBKTSG: Theo ông, các dự án thủy điện nhỏ và vừa đã thực sự đóng góp gì cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thời gian qua?

Ông Nguyễn Thái Học.

– Ông Nguyễn Thái Học: Vì thiếu điện nên đã có thời kỳ chúng ta tập trung cho phát triển thủy điện nhỏ và vừa. Lúc đầu, các dự án này đã góp phần giải quyết được vấn đề thiếu điện. Do vậy, nó được chính quyền, người dân ủng hộ.

Khi thấy lợi nhuận thu về lớn, công tác cấp phép dễ dàng nên doanh nghiệp thi nhau làm thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ. Vì “tranh thủ” làm, vì quản lý nhà nước bị buông lỏng nên cái dễ dãi ấy càng được doanh nghiệp khoét sâu. Có dự án vẫn được khai thác mặt nước dù không thực hiện  nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường chưa tốt vẫn cho vận hành. Càng về sau, các nhà máy không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà không bị chấn chỉnh.

– Ông Hà Sỹ Đồng: Cái mất quá lớn so với cái được mà thủy điện nhỏ và vừa mang lại. Các dự án phát điện lên lưới không đáng kể. Mùa khô khó có nước để phát, mùa lũ thì tập đoàn Điện lực lại không “ngó” đến các dự án nhỏ. Còn những hệ lụy thì quá rõ, đó là mất rừng, trồng lại không được bao nhiêu, dân vùng dự án thì tái nghèo, mất bản sắc văn hóa vùng bản địa. Vùng hạ du luôn thấp thỏm vì xả lũ, sinh kế bị uy hiếp vì lệch dòng chảy, ngăn nước hạn hán.

TBKTSG: Thực tế giám sát các dự án thủy điện tại địa phương cho các ông thấy điều gì?

– Ông Nguyễn Thái Học:  Ở Phú Yên, các nhà máy đang vận hành đóng góp ngân sách không đáng kể, lợi nhuận chủ yếu thuộc về nhà đầu tư. Đó là điều không công bằng, vì đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án rất lớn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dự án trung bình khoảng 70%, có xã đến 99%.  Tài nguyên rừng của Nhà nước, đất của Nhà nước bị hy sinh hết nhưng doanh nghiệp còn nợ thuế môi trường. Khi đi giám sát, tôi hỏi doanh nghiệp trồng rừng được bao nhiêu thì có nơi họ không trả lời được. Có cán bộ nhà máy, chúng tôi yêu cầu đến để cho họ thấy người dân hy sinh cho dự án giờ cuộc sống khó khăn thế nào thì họ bảo “đấy là trách nhiệm của địa phương, sao lại gọi doanh nghiệp”. Suy nghĩ đó bây giờ rất phổ biến. Nó cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp rất hời hợt.

Ông Hà Sỹ Đông.

– Ông Hà Sỹ Đồng: Ở Quảng Trị, các dự án thủy điện nhỏ và vừa còn ít nên cũng vì thế mà điện đưa lên lưới phục vụ sản xuất, đóng góp cho kinh tế địa phương chưa đáng kể. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa của người dân bản địa bị mất nhiều lắm. Mặt khác, độ rủi ro của một số dự án lại cao. Năm trước thủy điện Đăk Krong 3 bị vỡ đập, gây chết người. Công trình mới xây đã thế, không rõ khi đi vào vận hành, tích nước thì rủi ro sẽ ra sao.

TBKTSG: Có ý kiến nói rằng nên dừng hẳn việc xây thêm thủy điện nhỏ và rà soát kỹ hơn các dự án đang hoạt động để có biện pháp xử lý phù hợp, các ông có đồng tình với ý kiến này?

– Ông Nguyễn Thái Học: Chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, nhưng đã phê duyệt, cho triển khai dự án thì phải giám sát thực hiện cho đúng. Quá trình giám sát vừa qua cho thấy có nhà máy đã hoạt động được 4-10 năm nhưng chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mặt nước. Nghĩa là phạm luật mà vẫn hoạt động.

Chúng ta cũng phải xem lại trách nhiệm từ khâu lập dự án, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện. Hơn 400 dự án bị đưa ra khỏi quy hoạch, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm.

– Ông Hà Sỹ Đồng: Tôi thấy nên dừng cấp phép thủy điện nhỏ. Trước hết là vì chúng ta đã khai thác hơn 90% tiềm năng thủy điện rồi, trong đó thủy điện nhỏ cũng chiếm tới 90% số dự án trong quy hoạch.

Thứ hai, thủy điện nhỏ chủ yếu do tư nhân làm và chưa đảm bảo các quy định trong nhiều khâu của dự án. Quá trình kiểm tra giám sát của Nhà nước lại chưa sâu. Từ đó dẫn đến chất lượng công trình không cao, vỡ đập ở nhiều tỉnh, đe dọa tính mạng người dân.

Với cả dự án khai thác rồi mà không chấp hành quy định thì cũng nên rà soát, thậm chí cho dừng, bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư, thiết kế công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới