Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế vừa lạm phát vừa đình trệ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nền kinh tế vừa lạm phát vừa đình trệ?

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng là một trong những giải pháp các chuyên gia đề xuất để gỡ” nút thắt” cho nền kinh tế. Trong ảnh là đường xuyên Á tại TPHCM – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ như thế nào là câu hỏi được đặt ra trong nhiều cuộc thảo luận gần đây. Một số ý kiến cho rằng có thể rơi vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ (stagflation). Về nhận định này, nhiều vấn đề liên quan được đặt ra.

Nguy cơ đình trệ

Quan điểm nêu trên là của tiến sĩ Trần Du Lịch, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Phát biểu tại cuộc hội thảo “Đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008 và quan điểm phát triển năm 2009” do trường Đại học Kinh tế Hà Nội tổ chức hôm 24-12, ông Lịch nhận định rằng, năm nay, Chính phủ đã khá thành công trong vấn đề kiểm soát lạm phát, nhưng nguyên nhân sâu xa của lạm phát vẫn còn, do hiệu quả kinh tế thấp và hiệu quả đầu tư kém.

Có ba căn cứ mà ông Lịch dẫn ra về việc nền kinh tế chỉ tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng kinh tế ngày càng suy giảm. Thứ nhất là hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) bình quân trong 7 năm (2001-2008) đạt gần 5. Tỷ lệ đầu tư trên GDP đạt 38% trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ có 7,6. Nếu so sánh với Trung Quốc thì chúng ta mất độ 2% tăng trưởng so với đầu tư, chưa nói so sánh với những nước khác.

Thứ hai là giá trị gia tăng/giá trị sản lượng giảm nghiêm trọng trong ngành công nghiệp chế biến. Chỉ số này chỉ đạt 33% trong khi năm 2001 đã từng đạt 47%. Nông nghiệp dù được đầu tư nhiều về khoa học công nghệ nhưng chỉ số không đổi ở mức 55-57% trong nhiều năm qua.

Thứ ba là chi phí để tạo ra GDP. Cũng vẫn trong nông nghiệp, 1 đồng chi phí tạo ra được 1,28 đồng GDP, nhưng trong công nghiệp, 1 đồng chi phí tạo ra chỉ 0,51 đồng GDP, thấp hơn năm 2005.

Do đó, ông Lịch nói rằng chất lượng tăng trưởng ngày càng kém, chưa nói đến các vấn đề phát sinh như ô nhiễm môi trường, văn hóa xã hội khác.

Năm 2009 là năm mà nền kinh tế chịu những tác động mạnh từ suy thoái kinh tế toàn cầu, do Việt Nam là nước xuất khẩu chiếm 38% GDP. Ngoài ra, nguy cơ nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân đang ngày một rõ; hiện tượng giảm phát có thể xảy ra, do sự suy giảm sức mua.

Ồng Lịch nhấn mạnh: “Nếu kinh tế thế giới xảy ra hiện tượng đình trệ thì nguy cơ đó đối với nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn. Vấn đề này cần được quan tâm khi sử dụng các biện pháp kích cầu”.

Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế, ông Trần Đình Thiên thì cho rằng, khó khăn của kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ theo hướng ngược lại của kinh tế thế giới. Nếu ở thế giới, hậu quả cuộc khủng hoảng lan từ khu vực tài chính sang khu vực sản xuất thì ở nước ta, ảnh hưởng từ khu vực xuất khẩu và đầu tư đang tác động nghiêm trọng đến cân đối kinh tế vĩ mô.

Ông Thiên dẫn ra một đánh giá của Tạp chí kinh tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review) cho rằng, trong các nước châu Á, Việt Nam chịu tác động tiêu cực mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu do các nước Mỹ, Nhật, EU, Úc – là những thị trường chiếm tới 40% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, đang đối mặt với suy thoái mạnh.

Ông Thiên nhấn mạnh thêm rằng, sau thời gian lạm phát và bất ổn kéo dài, nền kinh tế đang bị suy yếu đi và các doanh nghiệp đang bị suy nhược nặng. Một số doanh nghiệp tuy không công bố nhưng thực chất đã không còn hoạt động. Số doanh nghiệp gặp khó đang tăng nhanh. Như vậy có nghĩa là tình trạng lạm phát kéo sang đình trệ là những thách thức lớn nhất của kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.

Ông Thiên còn đưa thêm một dự báo từ mạng nghiên cứu kinh tế Việt Nam (bản tin số 1), tháng 11-2008 nói rằng năm 2009 Việt Nanm chỉ đạt tăng trưởng ở mức 4,3%, trong khi các cuộc thảo luận, hội thảo về kinh tế vĩ mô hiện nay chủ yếu tập trung quanh các con số tăng trưởng 6%, 6,5% và thậm chí là 7%.

Cần chuyển hướng tư duy chính sách kịp thời

Tất cả các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo đều đồng quan điểm rằng ưu tiên hàng đầu cho bất kỳ biện pháp nào của Chính phủ cũng phải được đặt dưới “kim chỉ nam” là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời với tạo việc làm.

“Tạo việc làm là chống suy thoái hiệu quả nhất vì xét cho cùng, kích cầu kiểu gì cũng là để đảm bảo mục tiêu có việc làm”, ông Thiên nói. Và bổ sung thêm, nếu tạo được nhiều việc làm sẽ ứng biến tốt hơn trong nhiệm vụ chống suy thoái, sau đó là nới lỏng và ổn định hàng loạt chính sách tiền tệ, tài chính khác để đảm bảo tăng trưởng.

Ông Lịch cũng như chuyên gia Bùi Tất Thắng đến từ Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh rằng, mục tiêu tăng trưởng năm tới trong mọi tình huống phải đảm bảo GDP trên 6%. Hai ông cùng phân tích rằng, nếu GDP năm tới tăng trên 6% như mục tiêu thì kế hoạch 5 năm 2006-2010 bình quân sẽ đạt được 7,2%, tức là 10 năm GDP sẽ tăng gấp đôi. Đi kèm theo đó là duy trì tốc độ gia tăng lạm phát từ 9 đến 10% để phòng bị trong trường hợp thiểu phát xảy ra, thì sự chuẩn bị, tính toán này được xem là “lạm phát chủ động”.

“Đi từ lạm phát bị động sang lạm phát chủ động để kích thích tăng trưởng”, ông Lịch nói. Ông cũng đề xuất các biện pháp khác như tái cấu trúc lại toàn bộ đầu tư công, chú ý các dự án hiệu quả và sử dụng ngay.

Trong khi đó, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế trung ương nói rằng nếu cứ tập trung rót vốn ngân sách lớn cho các dự án đóng tàu của Vinashin để xuất khẩu thì không thể nói là hiệu quả vì các hợp đồng đóng tàu này còn lâu mới thu được vốn và lời. Vấn đề gia tăng xuất khẩu và việc làm cho người lao động thông qua các dự án nói trên cũng không đáng kể là bao.

Ông Thiên bổ sung bằng ba gợi ý về các “nút thắt” mà Chính phủ cần tháo gỡ ngay, nút đầu là các dự án cảng biển, cầu đường, năng lượng phải được đẩy nhanh để tạo thông thoáng cho kích cầu. Tiếp đến là định hướng ưu tiên những dự án thu hút nhiều đầu vào, tạo việc làm; và gỡ khó cho xuất khẩu vì kích vào đây một mặt giữ tăng trưởng, giảm nguy cơ thâm hụt thương mại đang tăng và giúp người lao động thuộc nhóm thu nhập thấp, dễ bị tổn thương có việc làm và duy trì đời sống.

Tất cả các chuyên gia cũng đồng tình với việc lưu ý Chính phủ không kích cầu theo cơ chế “xin- cho”, hay chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp giỏi “kêu”.

“Lịch sử kích cầu những năm 1998-1999 còn nóng hổi, do mang tính vừa chia bình quân, vừa theo cơ chế- xin cho nên hiệu quả không lớn, để lại hậu quả cơ chế nặng nề”, ông Thiên nhắc.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới