Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nên xem xét nới lỏng thêm chính sách tiền tệ?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chưa hiện thực hóa việc thắt chặt chính sách, hoặc chỉ mới chớm nở ở giai đoạn đầu, có lẽ Việt Nam nên nhanh chóng có thêm một bước nhấn nới lỏng chính sách, nhằm tạo dư địa rộng hơn trong trường hợp sau này phải thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

Việt Nam cần phải duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, như là một giải pháp quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Tạo thêm dư địa cho tương lai

Có thể thu hẹp chương trình mua tài sản kể từ cuối năm nay và kế tiếp là nâng lãi suất trở lại ngay trong năm 2022, đó là kết quả từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố mới đây. Trái với những dự báo trước đó về việc không nâng lãi suất cho tới năm 2023, ngày càng nhiều thành viên của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) nghiêng về khả năng nên thắt chặt chính sách sớm hơn.

Không chỉ vì lạm phát tại Mỹ đã liên tục vọt lên mức cao từ 4-5% trong những tháng vừa qua, cách xa mục tiêu kiểm soát 2%, mà với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm từ đỉnh điểm 14,8% vào tháng 4-2020 xuống hiện chỉ còn 5,2%, cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đang hồi phục tích cực, các quan chức Fed có lý do để có thể bắt đầu nâng lãi suất ngay trong năm tới.

Đã tròn một năm, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên, dù nền kinh tế trong nước hiện bị tác động lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Tín hiệu chuyển dịch chính sách nêu trên, dù chưa được hiện thực hóa, nhưng càng củng cố xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển phương Tây. Ngoài ra, trước triển vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai hàng loạt gói kích thích kinh tế mới và chính sách tài khóa rộng mở hơn trong giai đoạn tới, có lẽ việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ là không còn cần thiết.

Trái với các nước phát triển nhờ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi đã giúp kinh tế phục hồi nhanh, các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn đang phải đối phó với diễn biến dịch bệnh phức tạp và kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những lo ngại về dòng vốn đầu tư nước ngoài rời đi khi chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do các chính sách giãn cách trong nước, cũng như sự suy yếu của các doanh nghiệp nội địa, là những nguy cơ cần phải dè chừng.

Trước tình thế này, có thể thấy Việt Nam cần phải duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, như là một giải pháp quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, khi mà xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ ngày càng phổ biến hơn, Việt Nam có lẽ khó nằm ngoài xu hướng chung, nếu không muốn dòng vốn đầu tư có sự chuyển dịch. Khi đó nếu nền kinh tế chưa kịp phục hồi như kỳ vọng, rõ ràng nhà điều hành sẽ rơi vào tình thế khó xử trong việc lựa chọn chính sách.

Vì vậy, trong khi các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn chưa hiện thực hóa việc thắt chặt chính sách, hoặc chỉ mới chớm nở ở giai đoạn đầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nhanh chóng có thêm một bước nhấn nới lỏng chính sách, nhằm tạo dư địa rộng hơn trong trường hợp sau này phải thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

Các yếu tố hỗ trợ giảm thêm lãi suất

Giảm thêm lãi suất điều hành có lẽ là giải pháp nên được cân nhắc trước tiên, vì chính sách này có sức lan tỏa rộng trong việc giảm chi phí vốn cho hệ thống ngân hàng, kéo theo đó sẽ tác động tích cực lên lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bằng cách giảm thêm lãi suất vào thời điểm này, trong tương lai nếu buộc phải chọn tăng lãi suất trở lại theo xu hướng toàn cầu, mức lãi suất tăng thêm khi đó sẽ chỉ tương đương hoặc không chênh lệch quá lớn so với mặt bằng hiện nay, theo đó sẽ vẫn “dễ chịu” hơn cho nền kinh tế.

Trong năm 2020, chỉ trong vòng hơn sáu tháng tính từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 9, để ứng phó với dịch bệnh, NHNN đã có ba lần giảm lãi suất điều hành, theo đó trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng đã giảm 1 điểm phần trăm, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5 điểm phần trăm, lãi suất tái cấp vốn và cho vay qua đêm thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm 2 điểm phần trăm, lãi suất tái chiết khấu và chào mua giấy tờ có giá qua OMO giảm 1,5 điểm phần trăm.

Nhưng cũng kể từ đó đến nay, tức đã tròn một năm, các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên, dù nền kinh tế trong nước hiện bị tác động lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát quá mạnh thời gian qua đã buộc chính quyền TPHCM và các tỉnh phía Nam áp dụng các chính sách giãn cách xã hội chặt chẽ hơn, khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng gần như trong cả quí 3 này.

Thực tế các điều kiện hiện nay cũng đang ủng hộ cho lựa chọn giảm thêm lãi suất điều hành.

Đầu tiên là thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang khá dồi dào, trước nhu cầu vay thấp, dòng tiền đầu tư trái phiếu chính phủ quay lại khi đáo hạn, các ngân hàng thời gian qua liên tục phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài, cũng như tăng mạnh được vốn điều lệ, cộng thêm lượng thanh khoản tiền đồng được bơm ra mạnh mẽ từ kênh mua ngoại tệ của NHNN.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các ngân hàng niêm yết các mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng cách xa mức trần hiện nay là 4%. Cụ thể, mức lãi suất bình quân của 35 ngân hàng ở kỳ hạn một tháng hiện nay chỉ còn 3,35%, kỳ hạn từ hai tháng 3,4%, trong khi kỳ hạn từ 3-5 tháng cũng chỉ từ 3,52-3,55%. Thậm chí có ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động kỳ hạn một tháng chỉ còn 2,45-2,5%, tức thấp hơn mức trần đến 1,5 điểm phần trăm.

Do đó, nếu NHNN có quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi thêm 0,5-1 điểm phần trăm đi nữa, đó cũng chỉ là cách đưa chính sách bám sát hơn với thực tiễn thị trường, nhưng hiệu ứng lan tỏa kỳ vọng của chính sách sẽ tác động tích cực hơn đến nền kinh tế, cũng như tạo dư địa nhiều hơn trong trường hợp phải thắt chặt chính sách trở lại như đã nói.

Nói cách khác, bằng cách giảm thêm lãi suất điều hành vào thời điểm này, trong tương lai nếu buộc phải chọn tăng lãi suất trở lại theo xu hướng toàn cầu, mức lãi suất tăng thêm khi đó sẽ chỉ tương đương hoặc không chênh lệch quá lớn so với mặt bằng hiện nay, theo đó sẽ vẫn “dễ chịu” hơn cho nền kinh tế.

Thứ hai, việc lạm phát trong năm nay được dự báo vẫn ở mức thấp dưới mục tiêu đề ra, sẽ là điều kiện cần cho việc giảm thêm lãi suất. Rõ ràng trong năm sau, diễn biến lạm phát có thể khó lường hơn, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu liên tục tăng mạnh trong hơn một năm nay và duy trì ở mức cao.

Như vậy, những áp lực lên lạm phát sẽ ngày càng gia tăng, nhất là khi sức cầu tiêu dùng cũng sẽ dần phục hồi theo xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Khi đó, trong trường hợp nếu muốn giảm thêm lãi suất sẽ rất khó có thể thực hiện vì các điều kiện kinh tế đã không còn ủng hộ.

Ngoài công cụ lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng cũng có thể là chính sách cần thiết. Thực tế từ đầu năm đến nay, nhà điều hành cũng đã có những động thái nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải giải quyết được bài toán dòng vốn rót đúng nơi đúng chỗ, cũng như tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp, vì dù lãi suất có giảm nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới