Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nếu chưa làm làn khẩn cấp, khoan gọi là ‘đường cao tốc’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lại thêm một vụ tai nạn trên "cao tốc" Trung Lương - Mỹ Thuận làm 5 người bị thương(*). Đáng nói hơn, những bài học phải trả giá bằng sinh mạng người dân từ việc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thiếu an toàn cũng đã được nhắc đến; trong đó một yêu cầu bức thiết là phải có làn khẩn cấp. Đến lúc Bộ Giao thông Vận tải cần buộc chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định của TCVN 5729: 2012, nhanh chóng làm làn khẩn cấp cao tốc này.

Trên các diễn đàn giao thông, dưới mỗi tin tai nạn trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giới tài xế vào bình luận rất nhiều, bày tỏ sự ngán ngẩm. Thậm chí họ nói thẳng “quốc lộ cho chạy tốc độ tối đa 90 km/giờ, đường này chỉ chạy được 80 km/giờ thì đâu thể gọi là cao tốc, chỉ là đường song hành quốc lộ 1A hay đường tránh xe máy mà thôi”.

Từ trước khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi vào hoạt động, Kinh tế Sài Gòn Online đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc thiếu làn khẩn cấp sẽ khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng cao. Quả đúng như vậy, tần suất tai nạn trên cao tốc này sau hai tháng hoạt động cao gấp bốn lần so với đoạn liên kề TPHCM - Trung Lương cho thấy, một trong những lý do chính khiến hiểm hoạ luôn chực chờ là do không có làn khẩn cấp.

Chiều ngày 8-7, lại thêm một vụ xe 5 chỗ tông vào xe 7 chỗ đang giảm tốc độ phía trước. Sau cú tông mạnh, xe 7 chỗ lật nhào làm 5 người bị thương. Như vậy, chỉ sau hơn hai tháng hoạt động, trên cao tốc này đã có 2 người chết, trong đó có một trẻ em và hàng chục người bị thương, hai người bị thương nặng, trong đó có một cụ già trong vụ tai nạn mới nhất kể trên.

Con số hơn 40 vụ tai nạn giao thông trong hai tháng của một đoạn cao tốc chỉ dài 50 km cho thấy nguồn gốc tai nạn không chỉ do lỗi tài xế mà còn do thiết kế cao tốc này có vấn đề. Mà vấn đề được giới tài xế và báo chí nói rất nhiều, đó là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị “mượn tạm” làn khẩn cấp trong giai đoạn 1 với lý do không đủ tiền và “hứa sẽ trả” trong giai đoạn 2.

Thậm chí trước đây, khi dư luận đặt câu hỏi về việc cao tốc không có làn khẩn cấp, có vị chuyên gia giao thông còn biện minh, việc cắt bỏ làn khẩn cấp là “tuỳ tiền biện lễ” và “ở các nước khác cũng thế”.

Trên thực tế, việc bỏ làn khẩn cấp là không tuân thủ đúng quy chuẩn của Việt Nam, mặt khác không có nước nào xây cao tốc mà lại thiếu làn khẩn cấp (kể cả nghèo như Hàn Quốc cách đây nửa thế kỷ).

Với một cao tốc không có làn khẩn cấp thì mỗi lần xảy ra tai nạn giao thông là một thảm hoạ nhân đạo cho công tác cứu hộ vì xe cứu thương không thể tiếp cận hiện trường. Cứu thương đến trễ đồng nghĩa với việc có thể sẽ có những nạn nhân bị thương trong tai nạn giao thông gánh chịu cái chết oan uổng. Đã có lần cảnh sát giao thông phải chạy bộ trên cao tốc này để tiếp cận ứng cứu sau khi tai nạn xảy ra.

Tai nạn còn kéo theo thảm hoạ giao thông khi hàng ngàn chiếc xe chôn chân tại chỗ trong nhiều giờ không thể nhúc nhích. Điều này đã nhiều lần xảy ra khi trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tai nạn. Doanh nghiệp và người dân lãnh đủ vì kẹt xe mà lẽ ra nếu có làn khẩn cấp thì việc giải tỏa hiện trường của vụ tai nạn sẽ nhanh chóng hơn, việc lưu thông sẽ sớm trở lại bình thường.

Nếu tính đúng và đủ thì mỗi vụ kẹt xe như vậy gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế từ việc người dân, doanh nghiệp mất chi phí cơ hội, lỡ chuyến bay, trễ lịch làm việc đến xăng dầu tiêu tốn, hàng hoá hư hỏng…

Nhiều ý kiến đã cho rằng Bộ Giao thông Vận tải không nên đồng ý cho chủ đầu tư cắt bỏ làn khẩn cấp của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong giai đoạn 1. Lẽ ra phải tính toán đến lợi ích của nền kinh tế bị thiệt hại ra sao nếu tai nạn, kẹt xe liên tiếp xảy ra, và trên hết là sự an toàn tính mạng của người dân bị đe dọa.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một dự án đầu tư BOT, điều này có nghĩa là chủ đầu tư được thu tiền để hoàn vốn và có lợi nhuận. Như vậy, họ phải có nghĩa vụ xây dựng một công trình giao thông đúng chuẩn quy định, mà cụ thể là phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn TCVN 5729: 2012 “Đường ô tô cao tốc – yêu cầu thiết kế” do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ tiêu chuẩn TCVN 5729: 2012 quy định “dải an toàn phía lề đường (cũng được gọi là làn dừng xe khẩn cấp) là thành phần bắt buộc phải có trong thiết kế cao tốc”. Cũng theo bộ tiêu chuẩn này, “trong trường hợp địa hình rất khó khăn, nếu được cấp quyết định đầu tư chấp thuận thì được phép chỉ bố trí dải dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài 30 mét cách nhau 500 mét”.

Như vậy, việc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có những điểm dừng khẩn cấp cách nhau đến 10 km là không đúng quy định khi đối chiếu với TCVN 5729: 2012.

Những bài học phải trả giá bằng sinh mạng người dân từ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã quá rõ ràng. Đây là lúc chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy định của TCVN 5729: 2012, nhanh chóng “mang trả” làn khẩn cấp cao tốc này cho người dân.

Nếu không làm được điều đó, hãy ngưng thu phí BOT và đổi tên gọi vì không thể gọi là “cao tốc” vì tuyến đường này chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc đã được quy định trong TCVN 5729: 2012.

Và quan trọng hơn nữa, trong hàng chục dự án cao tốc sắp triển khai trong thời gian tới đây, không được “mượn tạm” làn khẩn cấp như đã làm với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận!

Cập nhật tin ngày 11-7: Ùn tắc trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vì 2 vụ tai nạn trong 1 ngày (báo Thanh Niên)

-------

(*) https://thanhnien.vn/tai-nan-tren-cao-toc-trung-luong-my-thuan-lam-5-nguoi-bi-thuong-post1476311.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Muốn công nghiệp hóa/ hiện đại hóa/ hội nhập hóa. thì trước hết phải CHUẨN HÓA. Chuẩn từ tư duy đến hành động, từ con người cho đến cơ chế chính sách, từ nói cho đến làm. Quan trọng nhất, không có chuẩn hóa thì sẽ không có nền tảng, minh bạch, và lòng tin. Nghĩa là, cuối cùng sẽ không có gì cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới