Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nếu vẫn còn đếm F0 thì du lịch sẽ mãi không có khách

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong hội thảo về phục du lịch do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức hôm nay (25-12), có nhiều ý kiến cho rằng, phải mạnh mẽ, tự tin hơn nữa thì mới có thể mở cửa thành công, nếu vẫn còn đếm F0, du lịch sẽ mãi không có khách.

Đoàn khách du lịch vui chơi tại Phú Quốc theo tour do Công ty Image Travel & Events tổ chức. Ảnh: DNCC

Đã mở thì phải cho cửa thông

Tương tự như nội dung của những hội thảo, tọa đàm gần đây, Hội thảo "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức chủ yếu nêu thực trạng của ngành du lịch sau 2 năm đối mặt với Covid-19 cùng các gợi mở về phục hồi.

Tại cuộc hội thảo này, doanh nghiệp và các chuyên gia lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc cần phải mở cửa để phục hồi du lịch và cho rằng, đã mở cửa thì cần phải đồng bộ, dứt khoát để tránh những chính sách giật lùi, cản trở chuyện làm ăn.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong lúc khó khăn như hiện nay, mở cửa để đem lại thị trường cho doanh nghiệp hoạt động là hỗ trợ lớn nhất cho du lịch.

Tuy nhiên, đã mở cửa thì phải đồng bộ, để du khách có thể thoải mái đi du lịch an toàn. Việc du khách chỉ được đến nơi này mà khó khăn khi sang điểm khác như hiện nay đang làm khó du lịch, làm cho các địa phương không thể nối tour còn khách đến lại lo không thể về được.

"Đã mở cửa thì hàng không phải mở, cửa khẩu phải mở và ngoại giao cũng phải tương tự để khách du lịch không phải cách ly, nếu còn cách ly là khách không đến", ông nói.

Ông Võ Trí Thành, Chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng cho đến nay, dù đã xác định là sống chung với dịch nhưng nỗi sợ dịch bệnh vẫn còn rất lớn và đã mở cửa thì phải tự tin, hay đúng như từ ông dùng trong hội thảo là "đã chơi thì phải tự tin".

"Ngay trong các văn bản cũng đã cho nỗi sợ đó vào bằng từ cách ly, sống chung an toàn mà còn cách ly?", ông đặt câu hỏi gợi mở.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia chương trình đón khách quốc tế đến Việt Nam cho rằng, các sản phẩm của du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi chưa thể cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Du khách đến vẫn chưa miễn visa cho khách nên vẫn phải xin phép cho từng người một, chưa có trao đổi song phương với các thị trường lớn nên doanh nghiệp trong nước sẵn sàng mà bạn hàng thì chưa.

Thêm vào đó, khách du lịch cũng chưa được di chuyển tự do, đến các địa phương khác nhau lại phải khai báo y tế bằng những phần mềm khác nhau và đặc biệt là nỗi sợ dịch bệnh vẫn rất lớn, làm doanh nghiệp khó thu hút khách.

"Các bạn hàng đề nghị đừng đếm F0 (người nhiễm Covid-19) nữa, đếm F0 thì khách sợ, nếu còn đếm là chúng tôi không đưa khách vào", ông Dũng nói.

Mở rộng thị trường, áp dụng bảo hiểm Covid-19

Để phục hồi du lịch, cùng với việc phải mở cửa với những chính sách đồng bộ như vừa kể trên, nhiều ý kiến cho rằng, giới kinh doanh và người lao động cần phải được nhà nước hỗ trợ về thuế, phí. Cùng với đó là những chính sách phù hợp cho du lịch trong giai đoạn mới.

Nhiều doanh nhân và chuyên gia ủng hộ đề nghị của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng chính phủ nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% xuống còn 17% hoặc miễn loại thuế này.

Cùng với đó là duy trì việc giảm thuế Giá trị gia tăng 30% đến 2 năm tới; xem lại mức thu nhập để đánh thuế thu nhập cá nhân vì mức 11 triệu đồng là phải đóng thuế là chưa đủ để những gia đình có 1-2 con nhỏ sống và tích lũy sau dịch...

Về chính sách để đón khách trong giai đoạn mới, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng du lịch Việt Nam chỉ hoàn toàn phục hồi khi du lịch quốc tế được phục hồi nên cần chính sách thúc đẩy du lịch inbound (đưa khách quốc tế đến) và outbound (đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài).

Theo đó, cần phục hồi chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế, sớm kết nối giao thông quốc tế, không chỉ đường hàng không mà còn là đường biển để du lịch có thêm cơ hội đón khách.

Tại các địa phương tỉ lệ phủ vaccine ngừa Covid-19 cao, đề xuất cho khách quốc tế mở rộng chương trình tham quan, không chỉ giới hạn trong các chương trình “trọn gói, khép kín”.

Cơ quan chức năng nên cho phép mở lại tour ra nước ngoài để doanh nghiệp có thể đồng thời khai thác hai mảng inbound và outbound nhằm có giá vé máy bay cạnh tranh hơn để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Theo ông, trong điều kiện dịch bện như hiện nay, nên áp dụng quy định phải có bảo hiểm du lịch y tế có các quyền lợi bảo hiểm Covid-19 cho du khách quốc tế và khách đi nước ngoài.

Ở nhiều quốc gia, các chương trình bảo hiểm loại này có thể giúp chi trả chi phí nhập viện do covid-19, điều trị và chăm sóc y tế, kiểm tra và cung cấp dịch vụ y tế, sơ tán y tế và hồi hương... Việc này sẽ giúp du khách, doanh nghiệp nếu phải hủy, hoãn chuyến du lịch hoặc phải điều trị vì Covid-19.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới