Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng báo lãi lớn quí 3, đối mặt chi phí vốn tăng cao quí 4

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng loạt ngân hàng công bố lợi nhuận kinh doanh ước tính tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quí 3, nhưng các ngân hàng sẽ đối diện với thách thức chi phí vốn tăng cao trong quí 4 này.

Bước vào "mùa" công bố kết quả kinh doanh trong quí 3 và 9 tháng đầu năm, số liệu đầu tiên cho thấy các nhà băng vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao.

Chẳng hạn như trường hợp VPBank, ngân hàng báo lãi trước thuế tăng 70%, ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trong 9 tháng đã tăng 69%, hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 20.800 tỉ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) ước tính lợi nhuận trước thuế sơ bộ trong 9 tháng đầu năm tăng 79%, đạt 9.035 tỉ đồng và hoàn thành 78% kế hoạch. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có lợi nhuận trong quí 3 tăng đến 47,4% so với cùng kỳ, và lợi nhuận 9 tháng tăng 17%, hoàn thành hơn 70% kế hoạch. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.016 tỉ đồng, tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ.

Ở nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, tốc độ tăng trưởng cũng ghi nhận ở mức cao. Chẳng hạn như Vietbank, lợi nhuận báo cáo cho biết tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 536 tỉ đồng. Hay đáng chú ý là Ngân hàng Bản Việt dù mức tăng trưởng thấp (lợi nhuận ngân hàng ghi nhận hơn 423 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ), nhưng cũng đã hoàn thành 94% kế hoạch của cả năm, với các chỉ số kinh doanh đều bám sát đúng mục tiêu đặt ra, đại diện ngân hàng cho biết.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (so với cùng kỳ) của 16/27 ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh quí 3, theo Fiintrade.

Động lực từ bán lẻ

Một điểm đáng chú ý trong mùa báo cáo quí 3 năm nay là thu nhập từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, động lực tăng trưởng của các nhà băng tiếp tục đến từ hoạt động bán lẻ.

Chẳng hạn như với Vietbank, nếu như tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng đầu năm tăng 26% thì thu nhập dịch vụ thuần tăng đến 32% so với cùng kỳ.

Tương tự, đại diện VPBank cho biết mảng bán lẻ đóng góp gần 70% tổng dư nợ với tăng trưởng khoảng 20%, các sản phẩm tập trung vào cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, FE Credit.

Theo đó, các nguồn thu ngoài lãi có thể kể đến là hoạt động thanh toán và ngân quỹ trong 9 tháng đầu năm tăng gấp đôi, nhờ doanh số giao dịch tại máy POS tăng mạnh gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tăng 68% so với cùng kỳ. Tương tự, thu phí từ hoạt động thẻ tăng 35%.

Kết quả là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hợp nhất tăng 59,2%, nâng tỷ trọng đóng góp của khoản thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động lên mức 30% (trước đây đa phần từ 15-20%). Tương tự, ở trường hợp MSB, tổng thu nhập từ các hoạt động khác (như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư) chiếm đến 32% tổng thu nhập hoạt động.

Ở trường hợp của Techcombank, xu hướng tái cấu trúc danh mục cho vay đang tiếp tục. Theo đó, danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ, chiếm 49,0% danh mục tín dụng (cùng kỳ là 36,4%). Còn dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quí 3 năm 2021, tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, chiếm 35,5% dư nợ (quí cùng kỳ là 48,5% và quí 2 là 37,7%).

Thách thức quí 4

Tuy nhiên, trái với con số lạc quan trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đến nay được nhận định chung là không thuận lợi, kết quả kinh doanh cũng có sự phân hóa.

Theo đại diện của ABBank, trước tác động mạnh từ thị trường, một số chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đến cuối quí 3 là chưa đạt như kỳ vọng. Chỉ tiêu lợi nhuận tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 1.702 tỉ đồng và hoàn thành 55% kế hoạch.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng giám đốc ABBank, đánh giá trong quí 3 hoạt động ngân hàng chịu áp lực, lãi biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022. Trong các tháng cuối năm 2022, ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và có giải pháp linh hoạt với sự biến đổi của thị trường.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán về chi phí vốn tăng lên, trong khi lãi suất cho vay có thể sẽ không tăng lên tương ứng, dẫn đến NIM bị ảnh hưởng.

Chi phí vốn của ngân hàng hiện đang có xu hướng tăng mạnh khi thanh khoản thị trường giảm, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên đến 6-7%/năm, cá biệt có lúc vượt 8%/năm. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động được các nhà băng nâng cao dần từ tháng 5 cho đến nay, đặc biệt là từ tháng 8 trở đi, trong bối cảnh tỷ giá tăng dần, lãi suất đồng đô la Mỹ tăng lên đáng kể.

Liên quan đến lãi suất điều hành, trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất với mức tăng đến 1 điểm phần trăm mỗi lần. Sau động thái này, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay dự kiến có thể tiếp tục tăng thêm 50-100 điểm cơ bản trong bối cảnh điều kiện thị trường tài chính còn gặp nhiều khó khăn, theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới