Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng cung hơn 23.800 tỉ đồng cho Tây Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng cung hơn 23.800 tỉ đồng cho Tây Nguyên

Sơn Nghĩa – Hồng Phúc

Ngân hàng cung hơn 23.800 tỉ đồng cho Tây Nguyên
Tại hội nghị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cam kết đầu tư vốn tín dụng hơn 12.900 tỉ đồng, Ngân hàng BIDV cam kết đầu tư hỗ trợ vốn vay hơn 7.500 tỉ đồng cho doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Ảnh: M.B

(TBKTSG Online) – Các ngân hàng thương mại đã ký kết 28 hợp đồng tài trợ vốn lên đến 23.899 tỉ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư  vào Tây Nguyên lần thứ 2 diễn ra hôm nay 12-4 tại tỉnh Gia Lai.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên trong thời gian tới, ngoài việc tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp, NHNN sẽ chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên xây dựng đề án tổng thể của ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, nhằm sớm tháo gỡ khó khăn chính sách cho các doanh nghiệp khi tiếp cận các vốn vay.

NHNN cũng tiếp tục mở rộng màng lưới tổ chức tín dụng (TCTD), tập trung vốn tham gia tài trợ các chương trình tín dụng đặc thù cho kinh tế Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, các TCTD, chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) sẽ triển khai chính sách cho vay theo chuỗi giá trị, cho vay theo dòng tiền, để tạo điều kiện doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn tín dụng không cần nhiều tài sản thế chấp. Các NHTMNN sẽ là cầu nối hỗ trợ cho nhà cung cấp đầu vào nguyên vật liệu, con giống, đến người nông dân sản xuất và doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu, nhằm tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản chế biến.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên, NHNN cũng triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội cho khu vực này. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 18 chương trình tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như cho vay đối với hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay vùng khó khăn. Đã có hơn 222.000 lượt khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn từ các chương trình này và dư nợ đến cuối năm 2012 của 5 tỉnh trong vùng đạt 11.600 tỉ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này cũng đang hoàn thiện để trình Chính phủ và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.  Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút các nguồn đầu tư, phát triển nhanh, bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng dù đã có những bước phát triển trong thời gian qua nhưng phát triển kinh tế ở Tây Nguyên vẫn chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao. Kết cấu hạ tầng trong khu vực và hệ thống giao thông nhìn chung phát triển chưa đồng bộ, một số công trình giao thông trọng điểm triển khai còn chậm.

Ông Hà cho biết thêm, lực lượng lao động có chuyên môn và tay nghề cao tại Tây Nguyên còn ít, thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng. Ngoài ra, cơ chế đặc thù và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của khu vực Tây Nguyên chưa đủ hấp dẫn; hệ thống dịch vụ tài chính-ngân hàng chưa phát huy hết vai trò “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Do vậy, ông Hà đề xuất, Tây Nguyên cần điều chỉnh quy hoạch của toàn vùng, quy hoạch lại danh mục đầu tư để phân loại nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư; xây dựng chính sách thu hút đầu tư riêng cho toàn vùng. Để thu hút các nhà đầu tư, Tây Nguyên cần sớm xây dựng danh mục cụ thể, chi tiết có tính khả thi cao các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tại các tỉnh Tây Nguyên để các nhà đầu tư lựa chọn, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Tây Nguyên cần tăng cường liên kết nội vùng trong công tác quy hoạch thu hút đầu tư, gắn việc xúc tiến thu hút đầu tư vào Tây Nguyên với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung, khu kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh biên giới của Lào (tỉnh Attapeu, Sê Kông) và Campuchia (tỉnh Rattanakiri, Mondulkiri); triển khai thực hiện đồng bộ chính sách kinh tế cửa khẩu…

Tại hội nghị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cam kết đầu tư vốn tín dụng hơn 12.900 tỉ đồng, Ngân hàng BIDV cam kết đầu tư hỗ trợ vốn vay hơn 7.500 tỉ đồng cho doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên  và 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 16.200 tỉ đồng.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên 2013 do Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN và UBND tỉnh Gia Lai đồng tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của  350 đại biểu, gồm có lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh Tây Nguyên và doanh nghiệp. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư cấp quốc gia trọng điểm nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Tây Nguyên, nhất là lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và khai thác khoáng sản, du lịch…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới