Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành bán lẻ: Khi online song hành cùng offline

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành bán lẻ: Khi online song hành cùng offline

Chí Thịnh

Ngành bán lẻ: Khi online song hành cùng offline(TBVTSG) - Trước thực trạng người tiêu dùng trong nước vẫn thích sử dụng tiền mặt trong việc thanh toán, các doanh nghiệp thương mại điện tử đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến. Và giải pháp trước mắt của các doanh nghiệp bán lẻ là phải đa dạng hóa kênh bán hàng của mình, theo hướng vừa trực tuyến (online) vừa trực tiếp (offline).

Theo bản nghiên cứu về ngành bán lẻ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2020 vừa được Nielsen Việt Nam công bố, các mô hình kinh doanh sẽ có sự chuyển biến lớn và công nghệ được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ hình thức bán lẻ. Cụ thể, mảng bán lẻ trực tuyến sẽ phát triển mạnh trong vòng 4-5 năm tới.

Những nhân tố khách quan

Nielsen cho rằng môi trường kinh doanh trực tuyến nói chung cũng như thương mại điện tử được đánh giá sẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thay đổi của ngành bán lẻ. Ở Việt Nam, người tiêu dùng luôn có nhu cầu kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi; đây là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển kinh doanh trực tuyến.
Bản báo cáo của Nielsen cho biết các ngành hàng đang có tỷ lệ lớn người tiêu dùng mong muốn được mua sắm trực tuyến là vé máy bay, tour du lịch, khách sạn, sách điện tử (ebook), phần mềm máy tính, nhạc số, video và trò chơi điện tử (game), quần áo, điện thoại…

Những ngành hàng mà các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam đang “tấn công” mạnh chính là bán vé máy bay, tour du lịch và khách sạn, sách điện tử, vé xem phim… Cụ thể, ví điện tử Payoo đã hợp tác với một số hãng hàng không để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến khi khách mua vé máy bay, ví điện tử Momo bắt tay với các nhà phát hành phim, rạp chiếu phim giúp khách hàng có thể mua vé trực tuyến thông qua công cụ này.

Bên cạnh đó, một bản báo cáo khác của Nielsen về xu hướng đa nền tảng ở Việt Nam 2015 (Nielsen Vietnam Cross-Platform Insights Report 2015) vừa được đưa ra hồi tháng 6 cũng cho thấy, người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á sử dụng trung bình khoảng ba ngày làm việc mỗi tuần để kết nối Internet. Trong đó, hằng tuần người Việt Nam sử dụng 24,7 giờ để truy cập trực tuyến, tăng 9 giờ so với năm 2014.

Tuy tiềm năng là thế nhưng, theo sự nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ngành này vẫn đang gặp không ít trở ngại trong quá trình phát triển, cụ thể là người tiêu dùng chưa quen thanh toán trực tuyến, vẫn quen mua hàng theo hình thức COD (nhận hàng trước, trả tiền sau). Điều này đã khiến cho doanh nghiệp trong ngành tốn kém chi phí vận hành và gặp khó khăn trong việc thực hiện chủ trương thanh toán không sử dụng tiền mặt trong xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước đang “làm ngược quy trình” để tiếp tục tồn tại. Thay vì phải tập trung cho việc ứng dụng công nghệ vào việc phát triển kênh kinh doanh trực tuyến theo xu hướng thế giới thì một số công ty lại phải đầu tư thêm giải pháp hữu tuyến (offline) song song với các dịch vụ trực tuyến để chiều lòng người tiêu dùng. Ví dụ, do ít người tiêu dùng sử dụng kênh trực tuyến cho việc thanh toán tiền phí điện, nước, Internet, truyền hình cáp… nên các doanh nghiệp trong ngành phải đưa ra giải pháp kết hợp cùng các cửa hàng tiện ích, siêu thị, chuỗi bán lẻ… để khuyến khích người tiêu dùng đến các địa điểm này đóng phí trực tiếp, sau đó các đơn vị này sẽ thay mặt người tiêu dùng đóng phí trực tuyến cho nhà cung cấp dịch vụ.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang kỳ vọng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến hoàn chỉnh, với sự hợp tác từ các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến, nền tảng bán hàng trực tuyến, tiếp thị trực tuyến…

Ưu tiên cho việc phát triển đa kênh

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ sinh thái cho môi trường kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần phát triển tốt nền tảng bán hàng đa kênh. Người tiêu dùng đang hiện diện khắp nơi trên mạng như diễn đàn, mạng xã hội, trang web bán hàng trực tuyến, phần mềm ứng dụng di động… Doanh nghiệp nếu chỉ chăm chăm bán hàng trên trang web của mình hoặc trên sàn thương mại điện tử sẽ không thể thu hút được những người tiêu dùng đang quan tâm tới thông tin xuất hiện trên Google, Facebook… hoặc các diễn đàn lớn, có đông đảo thành viên.

Một số người tiêu dùng lại ưa thích mua sắm hàng hóa thông qua ứng dụng di động. Do đó, doanh nghiệp nào thiếu kênh bán hàng này sẽ bị thua kém so với các đối thủ cạnh tranh. Đó là lý do mà từ năm ngoái các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Tiki… tập trung thu hút khách hàng đến với kênh mua sắm trên nền tảng di động. Họ cập nhật hoặc cho ra mắt các ứng dụng di động, tổ chức các chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng mua hàng qua ứng dụng.

Tại cuộc hội thảo “Tăng tốc bán hàng Online - Chiến lược lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do VECOM và Bizweb phối hợp tổ chức, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DKT (nhà quản lý nền tảng bán hàng trực tuyến Bizweb), đã nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Với một thị trường có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, trong đó có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook, ngày càng có nhiều người quen sử dụng công cụ tìm kiếm phổ biến như Google để tìm hiểu thông tin về các sản phẩm trước khi quyết định mua sắm, các doanh nghiệp cần tích cực phát triển nền tảng bán hàng đa kênh thông qua trang web, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… để thu hút khách hàng.

Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, cho biết người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ, đang đẩy mạnh việc mua sắm tại các trang bán hàng trực tuyến quen thuộc như Lazada, Zalora… Đồng thời, nhờ việc liên tục quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, YouTube… cùng sự kết nối giữa các cộng đồng mạng nên các trang bán hàng trực tuyến lại được người tiêu dùng nhớ đến nhiều hơn.

Ở sự kiện Vietnam Mobile Day 2016 diễn ra tại TPHCM, người đại diện của Google cho biết số lượt tìm kiếm thông tin trước khi quyết định mua sắm bằng thiết bị di động đã vượt qua máy tính, đồng thời, doanh thu từ việc mua sắm bằng thiết bị di động của các trang thương mại điện tử lớn đã vượt quá con số 30% ở Việt Nam. Dù tìm kiếm thông tin bằng thiết bị di động nhiều nhưng người tiêu dùng đang mua sắm trực tuyến trên nhiều loại thiết bị khác nhau (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng…).

Ông Nguyễn Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo.vn, cũng nhận định việc mua sắm thông qua các thiết bị di động đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Xu hướng di động đang có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành thương mại điện tử Việt Nam. Theo sự ghi nhận của Sendo.vn, trong vòng hai năm 2014 - 2015 tỷ lệ giao dịch bằng thiết bị di động đã tăng nhanh từ 15% lên 45% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 65% trong năm nay.

Như vậy, thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh nếu các doanh nghiệp đi theo xu hướng kinh doanh trực tuyến trên thế giới. Ngoài việc áp dụng công nghệ mới, cần tăng cường phát triển kênh mua sắm trên ứng dụng di động, kết hợp nền tảng kinh doanh trực tuyến và trực tiếp một cách uyển chuyển… nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách toàn diện.

Xu hướng sử dụng thiết bị di động ở Việt Nam

Theo bản báo cáo của Nielsen Việt Nam về xu hướng kết nối đa nền tảng trong năm 2015, có chín trong 10 người Việt (chiếm 91%) sở hữu điện thoại thông minh như là một thiết bị cá nhân, tăng 9% so với mức 82% trong năm 2014. Tuy nhiên, các thiết bị truyền hình cáp (Pay TV/cable TV chiếm 79%), máy tính cá nhân (78%) và máy tính để bàn (75%) vẫn đang là các thiết bị điện tử hàng đầu được người Việt Nam sở hữu. Trong số các thiết bị được người Việt Nam sử dụng để kết nối Internet, có 31% là điện thoại thông minh và 38% là máy tính cá nhân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới