Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành chip và AI của Trung Quốc có thể tụt hậu hàng chục năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lệnh cấm xuất khẩu chip hiệu suất cao và công cụ sản xuất chip của Mỹ có thể khiến lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc tụt hậu hàng chục năm, theo các chuyên gia trong ngành.

Tuần trước, Mỹ đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm cấm xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Ảnh: gzeromedia

Tắt hy vọng dựa vào công nghệ chip không phải của Mỹ

Tuần trước, Mỹ đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm cấm xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Thỏa thuận này làm tắt ngúm hy vọng của Bắc Kinh trong nỗ lực phá vỡ các hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ bằng cách nhập khẩu các công nghệ sản xuất chip không phải của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các quy định mới nhằm cấm các công ty Mỹ cung cấp chip cao cấp, thiết bị sản xuất chip và một số sản phẩm công nghệ khác cho Trung Quốc trừ khi họ nhận được giấy phép đặc biệt. Các chip cao cấp từ Mỹ, thường được sử dụng để vận hành các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính ở Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Thương mại Mỹ cũng cấm các công ty khác trên toàn thế giới bán các sản phẩm chip cao cấp sang Trung Quốc nếu chúng được sản xuất bằng công nghệ, phần mềm hoặc máy móc của Mỹ.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây không chỉ nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua được các sản phẩm chip hiệu suất cao mà còn kìm hãm Trung Quốc phát triển khả năng sản xuất chúng.

“Với thỏa thuận giữa Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản, cánh cửa tiếp cận thiết bị sản xuất chip không phải của Mỹ, thứ mà toàn bộ ngành công nghiệp chip Trung Quốc dựa vào để tồn tại trong hai năm qua, đã chính thức khép lại”, Leslie Wu, chuyên gia tư vấn ngành bán dẫn Đài Loan và là Phó chủ tịch phụ trách môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của Jinhong Gas, nhà cung cấp khí công nghiệp có trụ sở ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), nhận định.

Một trong những mục tiêu chính của các biện pháp cấm xuất khẩu của Mỹ là kìm hãm sự phát triển công nghệ AI của Trung Quốc, vốn đòi hỏi các con chip mạnh mẽ hơn để huấn luyện.

Chẳng hạn, chip A100 và chip H100 của hãng Nvidia (Mỹ) thường được sử dụng để huấn luyện các mô hình và thuật toán AI, bao gồm thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI đàm thoại, đã bị Mỹ cấm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc kể từ tháng 8 năm ngoái.

Ngay sau khi các hạn chế xuất khẩu chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 10-2022, Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã ngừng sản xuất hai sản phẩm chip AI do Trung Quốc thiết kế, được cho là có thể hoạt động tốt hơn và đóng vai trò là lựa chọn thay thế tiềm năng cho chip A100.

Giá chip hiệu suất cao ở Trung Quốc tăng vọt

Theo một nhà sáng lập giấu tên của một công ty khởi nghiệp phần mềm AI ở Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt những sản phẩm chip hiệu suất cao, đẩy giá của chúng lên cao, làm giảm tỷ suất lợi nhuận và làm nản lòng các khách hàng tiềm năng.

Ông nói: “Chi phí mua chip hiệu suất cao của chúng tôi đã tăng gấp 5 đến 6 lần”. Ông cho biết về lâu dài, mối lo ngại vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể buộc các công ty lớn ở Trung Quốc phải thiết kế lại sản phẩm của họ hoặc thậm chí rút lui khỏi thị trường, còn các công ty vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn nghiêm trọng, thậm chí phá sản.

Theo ông, ngay cả những công ty sống sót cũng sẽ phải cắt giảm quỹ nghiên cứu và phát triển, khiến năng lực đổi mới AI suy yếu.

“Theo tôi, đó là một đòn tấn công bất ngờ và ồ ạt của Mỹ khi nước này khai thác hiệu quả sự phụ thuộc của lĩnh vực AI của Trung Quốc vào các hệ thống sản xuất và thiết kế chip toàn cầu do Mỹ kiểm soát”, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp AI cho biết.

Mỹ viện dẫn tiềm năng phát triển năng lực quân sự dựa vào công nghệ chip cao cấp là lý do cho các lệnh trừng phạt. Chip cao cấp có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hệ thống quân sự tiên tiến.

“Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc” năm 2022 của Lầu Năm Góc liệt kê một số cách mà Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) có thể sử dụng AI để nhanh chóng xác định các lỗ hổng trong hệ thống tác chiến của Mỹ, rồi kết hợp các lực lượng quân sự để tiến hành một cuộc tấn công.

Báo cáo cho biết PLA cũng có thể sử dụng AI cho “các hoạt động trong lĩnh vực nhận thức để tạo ra các tin giả, tuyên truyền, phân tích tình cảm của công chúng trực tuyến và chạy các mạng lưới bot trên mạng xã hội.

Kể từ khi cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung nổ ra vào năm 2019, Bắc Kinh đã chuyển sang sử dụng các nhà cung cấp công nghệ không phải của Mỹ.

Chỉ riêng trong năm 2021, Trung Quốc đã mua các thiết bị sản xuất chip trị giá 2,17 tỉ đô la của ASML Holding (Hà Lan), nhà sản xuất hệ thống quang khắc hàng đầu thế giới. Giờ đây, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu càng khiến Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn

Hồi tháng 12-2022, Alan Estevez, Thứ trưởng phụ trách công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ kìm hãm ngành bán dẫn của Trung Quốc nhưng chỉ  “trong một khoảng thời gian”.

Ngành bán dẫn Trung quốc sẽ tụt hậu 20 năm

Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ bắt đầu gặp bất lợi so với các nước dẫn đầu toàn cầu và các lệnh trừng phạt sẽ khiến nước này tụt lại phía sau.

Leslie Wu cho rằng nếu không tiếp cận được công nghệ nước ngoài, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ mất ít nhất 20 năm để lấy lại vị thế đã mất và thu hẹp khoảng cách công nghệ so với hiện tại.

Ông cho biết chip bán dẫn silicon có thể tiếp tục phát triển trong khoảng 15 -20 năm nữa trước khi các công nghệ thay thế tiềm năng, chẳng hạn như chất bán dẫn không sử dụng silicon hoặc điện toán lượng tử, trưởng thành và đi vào sản xuất quy mô công nghiệp.

Bắc Kinh được cho là đang chuẩn bị gói hỗ trợ trị giá 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (143 tỉ đô la) để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp chip và chống lại tác động đòn trừng phạt của Mỹ.

Wu nói: “Việc bắt kịp các nước dẫn đầu ngành chip là không thể trừ khi người đến sau sẵn sàng chi tiêu với bất cứ giá nào và kiên trì trong nhiều thập niên. Và các khoản đầu tư của người đến sau cần triển khai liên tục dù không tạo ra bất bất kỳ lợi nhuận nào, điều này gần như không thực tế”.

Theo SCMP

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu nói ngành chip và AI của Trung Quốc có thể tụt hậu hàng chục năm, vậy thì ngành chip và AI của Việt Nam phải tụt cả vài trăm năm cũng nên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới