(KTSG Online) - Dù đơn hàng xuất khẩu dệt may 3 tháng nay bị sụt giảm và tình hình cho thấy sẽ tiếp tục giảm sâu vào 3 tháng còn lại nhưng dự báo kết thúc năm nay xuất khẩu của ngành vẫn sẽ đạt mục tiêu kim ngạch 44 tỉ đô la Mỹ đặt ra.
- Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dệt may hậu Covid-19
- Dệt may Bangladesh bươn chải tìm thị trường mới ở châu Á
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đã có nhận định như trên với báo chí bên lề cuộc họp báo công bố Ngày hội Cotton Day Vietnam 2022 tại TPHCM vào ngày 30-9.
Theo ông Giang, sau 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng cao thì thị trường hàng may mặc các nước quay đầu sụt giảm trong 3 tháng sau đó. Tình hình cho thấy hiện tổng cầu hàng dệt may toàn cầu tiếp tục có những dấu hiệu sụt giảm sâu hơn nữa vào quí cuối cùng của năm, nhất là tại các thị trường lớn là Mỹ và EU... do lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều.
Ngoài ra, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Cùng với đó là tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Tuy vậy, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành ước đạt khoảng 35 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Dù tình hình đơn hàng sụt giảm, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã rất năng động và xoay xở khai thác những thị trường mới trong khối FTA khá tốt...", ông Giang thông tin, và cho biết trung bình mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam vẫn đạt 3,8-4 tỉ đô la Mỹ nên khả năng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt được mục tiêu đề ra là 44 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, ông Giang lưu ý với các doanh nghiệp rằng nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam đang phải thay đổi theo hướng xanh, bền vững để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và các nước nhập khẩu, trong đó đáng chú ý là nguyên liệu bông.
Theo ông Võ Mạnh Hùng, đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tại Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng, có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ đã bị cơ quan Hải quan nước này giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo đạo luật chống lao động cướng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA).
Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, Hải quan Mỹ có quyền giữ hàng trong vòng 5 ngày để kiểm tra và trong vòng 30 ngày doanh nghiệp phải cung cấp đủ các chứng từ liên quan đến chuỗi cung ứng để chứng minh nguồn gốc lô hàng không có xuất xứ từ bông Tân Cương (Trung Quốc).
Theo ông Hùng, hiện Hải quan Mỹ chưa đưa ra con số cụ thể về việc trong số các lô hàng bị giữ lại có bao nhiêu lô hàng của Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng do chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam có sự gắn bó rất chặt chẽ với Trung Quốc nên ông Hùng đánh giá đây là sự ảnh hưởng khá lớn.
Ông Giang thông tin thêm đạo luật UFLPA của Mỹ đã có tác động đến ngành dệt may Việt Nam. Bắt đầu từ quí 1-2022, một số nhãn hàng của Mỹ đã yêu cầu dừng các đơn hàng với doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn gốc xuất xứ của vải được sản xuất từ phía Trung Quốc.
Để tránh bị ảnh hưởng bởi đạo luật UFLPA, ông Võ Mạnh Hùng khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần sớm minh bạch chuỗi ung ứng của mình và bông Mỹ là một trong những lựa chọn thay thế cho bông có xuất xứ từ vùng Tân Cương.
Theo đó, CCI hiện đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ hiện đại hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng ở tất cả các khâu. Ở bất cứ công đoạn nào, doanh nghiệp cũng có thể truy xuất nguồn gốc đến tận từng tiệm bông một cách minh bạch và rõ ràng.
Theo ông Giang, Ngày hội Cotton Day Vietnam 2022 được kỳ vọng trở thành sự kiện quan trọng, mang tới các giải pháp trong phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đáp ứng xu thế của thế giới.Cotton Day là sự kiện thường niên nhằm cung cấp thông tin mới nhất về thị trường và những nhận định của các chuyên gia hàng đầu thế giới về ngành dệt may, đã được tổ chức tại nhiều quốc gia châu Á từ những năm đầu thập niên 90 và đã được tổ chức thành công tại Việt Nam trong suốt năm năm vừa qua.Ngày hội Cotton Day Vietnam 2022, sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 4-10 tới, đã thu hút hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, do Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức.