Thứ năm, 21/11/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Ngành giáo dục TPHCM đề xuất khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phòng học

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với tốc độ tăng nhanh chóng về số học sinh tiểu học, THCS và THPT, ngành giáo dục TPHCM đang đứng trước khó khăn khi thiếu giáo viên, thiếu phòng học và quỹ đất phục vụ giáo dục thể chất, thí nghiệm.... Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) có kiến nghị lên UBND thành phố chính sách để khắc phục tình trạng trên.

Tình trạng học sinh tiểu học có sĩ số đông, lớp học chật chội là một thực tế ở TPHCM. Ảnh minh họa: KH.

Theo số liệu thống kê do Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố tháng 12-2022, từ 2016-2020, thành phố cần 14.097 phòng học, trong đó Mầm non 6.035, Tiểu học 4.412, THCS 2.382, THPT 1.268. Tuy nhiên, số phòng học được đầu tư từ ngân sách và đưa vào sử dụng chỉ 6.115, tương đương 43,38% mục tiêu. TPHCM vẫn đang trong tình trạng thiếu phòng học và diện tích đất cho giáo dục; từ nay đến năm 2025 cần 8.889 phòng học trong bối cảnh khó khăn về ngân sách và quỹ đất.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu phòng học, thiếu giáo viên được xác định là việc kiểm soát tình hình nhập cư vào các quận, huyện cửa ngõ, các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hiệu quả, khiến dân số cơ học tăng nhanh, phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt và tạo áp lực về cơ sở hạ tầng, lớp học.

Cùng với đó, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn ngân sách, quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai thực hiện.

Nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến dự án khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng nhiều đến số phòng học dự kiến đưa vào sử dụng hằng năm theo kế hoạch.

Việc thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội hóa để phát triển hệ thống trường lớp còn hạn chế do chưa có nhiều chính sách ưu đãi và các quy định về điều chỉnh quy hoạch và mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học tại các khu đất có chức năng quy hoạch đất ở.

Để đảm bảo yêu cầu cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy và học, Sở GD-ĐT mong được UBND thành phố phê duyệt theo đặc thù riêng của TPHCM, thay vì theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định tối thiểu 8-12 m2 trên một học sinh tùy theo cấp học, thì điều chỉnh giảm định mức này do TPHCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt là khu vực nội thành, giúp ngành giáo dục thực hiện được mục tiêu tăng phòng học, phòng chức năng.

Cùng với khó khăn về trường lớp, vấn đề thiếu giáo viên, đặc biệt ở các môn Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật là bài toán khó tìm lời giải. Qua đó, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất UBND thành phố có kiến nghị kịp thời đến Bộ GD-ĐT có cơ chế phù hợp với đặc thù của giáo dục thành phố, đặc biệt liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên và đồng thuận cho sở tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên đợt 2 vào tháng 2-2023.

Theo Cổng thông tin UBND TPHCM và Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới