Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành thuế có chiếm dụng vốn và phân biệt đối xử DN?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành thuế có chiếm dụng vốn và phân biệt đối xử DN?

Bùi Tâm An

Ngành thuế có chiếm dụng vốn và phân biệt đối xử DN?
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đóng thuế với cơ quan hải quan và được cơ quan thuế nội địa hoàn trả. Trong ảnh: đại diện doanh nghiệp (bên phải) trình bày khó khăn với lãnh đạo Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường, bên lề buổi đối thoại – Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Từ câu chuyện “Doanh nghiệp đòi nợ ngành thuế” diễn ra tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp phía Nam hôm nay, 5-11 nổi lên hai vấn đề rất đáng suy ngẫm. Đó là doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn và bị phân biệt đối xử.

Thực ra, không phải đến khi bà giám đốc của Công ty Tân Nhất Hương phản ánh với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại hội nghị hôm nay, người ta mới biết về tình trạng này.

Tại nhiều hội nghị đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, đã rất nhiều lần, rất nhiều doanh nghiệp có mặt và khẩn thiết yêu cầu cơ quan thuế mau chóng ra quyết định hoàn thuế (thông qua việc trả lời đúng sai về hồ sơ, về từng trường hợp hóa đơn) hoặc mau thực hiện chi trả tiền theo đúng quyết định hoàn thuế đã ban hành.

Bản thân Công ty Tân Nhất Hương, tại hội nghị diễn ra hôm 8-10, người phụ trách phòng kế toán cũng đã trình bày công ty nhận được quyết định hoàn thuế từ ngày 26-8 nhưng đến thời điểm đầu tháng 10 vẫn chưa thấy tiền trả về tài khoản.

Có doanh nghiệp chia sẻ, hồ sơ hoàn thuế đầy đủ nhưng cán bộ thuế cứ tìm mọi cách trì hoãn việc ra quyết định, lúc thì nói rằng cần xác minh hóa đơn đầu vào; lúc lại nói phải xác nhận thêm lần nữa với nông dân (người bán cho doanh nghiệp, đối tác của đơn vị muốn hoàn thuế). Có doanh nghiệp thì được yêu cầu phải chờ cơ quan thuế xác nhận về khái niệm của một mặt hàng vì các văn bản của các cơ quan đang khác nhau…

Hệ quả là để được hoàn thuế, doanh nghiệp phải mất vài tháng, thậm chí cả năm trong khi quy định chỉ là vài chục ngày tính từ thời điểm cơ quan thuế nhận hồ sơ.

Hoàn thuế giá trị gia tăng là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp khó khăn là điều dễ hiểu. Đằng này, nhiều doanh nghiệp nộp thuế nhầm, muốn hoàn lại cũng chông gai, hết bị cơ quan hải quan “đá” sang cơ quan thuế rồi lại đến cơ quan thuế đá sang hải quan.

Tạm đặt chuyện đúng-sai của hồ sơ hoàn thuế, quy trình sang một bên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn thời gian dài. Nói như một doanh nghiệp, trong thời gian chờ hoàn thuế, họ khốn khổ vì thiếu tiền mặt để xoay xở kinh doanh và bản thân đã ứng tiền ra trả khách hàng. Nhiều doanh nghiệp không dám xuất tiếp dù có đơn hàng vì càng xuất thì càng bị chôn tiền. Nhiều doanh nghiệp thì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao để có tiền quay vòng.

Oái ăm ở chỗ, cơ quan thuế tự cho phép mình làm vậy nhưng doanh nghiệp thì… đừng mơ. Tiền thuế đến hạn là phải nộp. Hết hạn, hệ thống sẽ ngay lập tức đưa vào danh sách nợ (thậm chí đã nộp mà hệ thống không ghi nhận thì sẽ phát hành danh sách nợ thuế, và có thể bị bêu tên, như chuyện vừa xảy ra chưa lâu). Và tiền nợ sẽ được tính lãi mức 0,05%/ngày. Ở nhiều thời điểm, mức lãi suất này, tương đương khoảng 18%/năm, còn cao hơn lãi vay ngân hàng.

Oái ăm hơn nữa, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu, tình trạng bị nợ hoàn thuế không nhiều. Như giám đốc Công ty Tân Nhất Hương phản ánh là cơ quan thuế địa phương trả lời rằng quỹ hoàn thuế hạn hẹp và đang ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu lớn.

Như vậy thì cả là một sự bất công. Bởi, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đa phần là doanh nghiệp nước ngoài, làm gia công trong khi các doanh nghiệp nội địa mới là “con đẻ” (đúng như lời của giám đốc của công ty này nói tại hội nghị hôm nay).

Chuyện hoàn thuế bao nhiêu năm nay vốn phức tạp và người trực tiếp ký quyết định hoàn thuế gánh trách nhiệm rất lớn nếu làm sai. Bởi lẽ, có không ít doanh nghiệp vẫn lợi dụng được chính sách của nhà nước để chiếm đoạt tiền ngân sách. Thêm vào đó, quỹ hoàn thuế eo hẹp, nhất là trong tình hình ngân sách giật gấu vá vai như hiện nay.

Chuyện này doanh nghiệp hiểu.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà cơ quan quản lý tìm mọi cách để trì hoãn việc hoàn thuế ở nhiều hình thức như đã nói ở trên.

Hoạt động hoàn thuề cần phải được công khai, minh bạch và công bằng. Có như vậy mới khiến doanh nghiệp trong nước tâm phục khẩu phục và không cảm thấy như đang bị nhà nước ăn hiếp hoặc bị coi là con ghẻ như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới