Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

“Nghị định cá tra” sắp có hiệu lực vẫn chưa hết tranh cãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

"Nghị định cá tra" sắp có hiệu lực vẫn chưa hết tranh cãi

Trung Chánh

Trong khi các bên liên quan vẫn đang tranh luận về nghị định cá tra, thì nông dân đang chết dần vì thua lỗ. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL cho cá tra ăn. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Các ý kiến tranh cãi xung quanh Nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra, thường được gọi nôm na là "Nghị định cá tra", vẫn tiếp tục diễn ra cho dù văn bản pháp luật này đã được ban hành cuối tháng 4-2014 và sẽ có hiệu lực từ ngày 20-6 tới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), Tổng cục Thủy sản và một số cơ quan liên quan đã có buổi làm việc với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để giải quyết một số kiến nghị của hiệp hội này nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Vẫn tranh cãi

Phát biểu tại hội nghị về sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai nghị định 36/2014/NĐ-CP tổ chức hôm qua 9-6-2014 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch VASEP, cho biết ông ủng hộ nghị định này nhưng có nhiều điểm cần được điều chỉnh, thậm chí loại bỏ trước khi áp dụng.

Ông Dũng cho rằng quy định về tỷ lệ mạ băng (hàm lượng nước bị đông cứng thành đá) trong sản phẩm cá tra fillet cần bãi bỏ. Theo ông Dũng, phần lớn các thị trường nhập khẩu không có quy định cụ thể về tỉ lệ mạ băng mà chỉ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Do đó, nghị định này cũng không nên quy định một cách cứng nhắc về tỷ lệ mạ băng,” ông Dũng đề xuất.

Tuy nhiên, bà Trần Bích Nga, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) là đơn vị tham mưu soạn thảo nghị định, khẳng định sự cần thiết phải có quy định này. “Siết lại việc quản lý tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm cá tra fillet là cần thiết để bảo vệ uy tín và thị trường xuất khẩu cho cá tra Việt Nam,” bà Nga nói.

Theo bà Nga, nguyên nhân dẫn đến quyết định phải siết lại quản lý tỷ lệ mạ băng là do thực tế có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn gian dối dẫn đến hậu quả là cạnh tranh không lành mạnh, rồi quay lại ép giá nông dân.

Điều khoản của nghị định về đăng ký xuất khẩu cá tra cũng không nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang), quy định bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đăng ký hợp đồng thông qua VN Pangasius là không cần thiết. “Chuyện đăng ký xuất khẩu đã có Hải quan lo rồi; không riêng gì con cá tra, các mặt hàng xuất khẩu khác đều phải qua Hải quan. Vậy VN Pangasius vô đây nữa là không cần thiết, chỉ làm chậm trễ hoạt động xuất khẩu của chúng tôi thôi,” bà Ánh nói.

Theo ông Dũng của VASEP, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu qua VN Pangasius chẳng những không có lợi gì cho doanh nghiệp thủy sản mà bí mật làm ăn của họ có nguy cơ sẽ bị lộ, ảnh hưởng đến kinh doanh vì bản thân VN Pangasius cũng có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra riêng của mình.

Tuy nhiên, một số đại biểu tham dự hội nghị này, cho biết việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu như trên là cơ sở để VN Pangasius xác định giá xuất khẩu của doanh nghiệp cá tra; từ đó VN Pangasius sẽ ấn định giá sàn nguyên liệu và bắt buộc doanh nghiệp phải mua theo.

Ngoài ra, các nội dung trong nghị định này như: quy hoạch vùng nuôi hay bắt buộc tất cả các vùng nguyên liệu phải đạt được chứng nhận VietGap kể từ cuối năm 2015…, cũng gây ra không ít tranh luận giữa VASEP và cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định cá tra.

Nông dân nuôi cá chết dần

Trong khi cuộc tranh cãi giữa các cơ quan quản lý diễn ra gay gắt thì thông tin tại hội thảo cho thấy tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL đã vẽ nên một bức tranh u ám cho người nông dân trực tiếp nuôi cá tra.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, cho biết hoạt động nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang về cho đất nước khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ/năm. Thành phần thả nuôi bao gồm nông hộ/trang trại, doanh nghiệp, và hợp tác xã.

Tuy nhiên, chính những bất ổn đang tồn tại ở ngành này mà trực tiếp là giá bán cá nguyên liệu liên tục dao động ở mức dưới giá thành sản xuất đã khiến người nông dân nuôi cá ngày một chết dần.

Cụ thể, theo ông Điền, nếu như năm 2012, trong số các đơn vị nuôi cá tra thì nông hộ/trang trại nuôi cá tra đạt trên 1.748 héc ta (chiếm 48,7% cơ cấu ngành); doanh nghiệp nuôi đạt 1.761 héc ta (49,1%) và hợp tác xã nuôi đạt 77 héc ta (chiếm 2,2%), thì sang năm 2013, tỉ lệ nông hộ/trang trại nuôi giảm xuống chỉ còn 36,2%, trong khi doanh nghiệp nuôi tăng lên 59,7%, còn lại là hợp tác xã.

Bước sang những tháng đầu năm 2014, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo ước tính của Tổng cục Thủy sản, tỉ lệ diện tích cá tra do doanh nghiệp nuôi đã tăng lên rất nhanh và chiếm khoảng 70% diện tích của ngành.

Điều này cho thấy, người nông dân (nông hộ/trang trại) nuôi cá tra đã mất khả năng tự đầu tư sản xuất và chuyển dần sang lệ thuộc vào doanh nghiệp thông qua các hình thức nuôi hợp tác với những tên gọi khác nhau như: nuôi liên kết với doanh nghiệp, nuôi gia công cho doanh nghiệp…

“Nghị định cá tra là cơ sở để quản lý tất các yếu tố từ đầu vào, quy hoạch, quy trình nuôi cho đến chế biến và xuất khẩu. Mục đích là đưa ngành cá tra phát triển bền vững, đem lại lợi nhuận cho cả người nuôi và doanh nghiệp.

Nghị định cá tra sẽ được áp dụng theo hiệu lực thi hành của văn bản, tức là từ ngày 20-6, tuy nhiên, sẽ có lộ trình hoàn thiện các vấn đề còn đang tranh luận để đến ngày 1-1-2015 sẽ hoàn chỉnh toàn bộ nghị định này”, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới