Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý thị trường lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghịch lý thị trường lao động

(TBKTSG) – Trong khi nhiều doanh nghiệp kêu thiếu lao động và trước cổng nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài người ta thấy treo những tấm biểu ngữ tuyển công nhân với lời lẽ đôi khi rất hấp dẫn thì một thực tế khác lại đang diễn ra. Nhiều công nhân về quê ăn Tết rồi không trở lại nhà máy nữa vì cho là tiền lương không đủ sống, thà ở nhà kiếm việc làm qua ngày còn hơn.

Báo chí cũng phản ánh bữa ăn công nhân ở nhiều doanh nghiệp chỉ 4.000-5.000 đồng, không đủ tái tạo sức lao động chứ chưa nói đến yêu cầu cao hơn. Và nhiều cuộc đình công đã nổ ra ở nhiều địa phương từ đầu năm đến nay, từ Hải Phòng cho tới Thanh Hóa, Quảng Nam, Đồng Nai, TPHCM, Cần Thơ… với số công nhân tham gia từ hàng trăm tới cả chục ngàn người.

Tại sao có nghịch lý đó?

“Tôi đã nói với bộ trưởng là ở ta hiện nay giá điện, giá xăng, giá than, giá thép… đều là giá thị trường và do thị trường điều tiết, chỉ riêng giá người là không thị trường”, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã nói như vậy tại cuộc họp tham vấn ý kiến các chuyên gia về định hướng xây dựng thị trường lao động tới năm 2020 được tổ chức mới đây.

“Giá người”, theo cách nói của ông Đồng, là chính sách tiền lương thấp vẫn được duy trì lâu nay (Sài Gòn Tiếp Thị online, 14-4-2010). Vẫn theo ông Đồng: Tiền lương tối thiểu lâu nay vẫn được xác định chủ yếu dựa vào khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. “Mức sống tối thiểu là thế này nhưng ngân sách bảo chỉ duyệt bằng kia thì cũng phải chịu”, ông cho biết.

Còn bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng tại cuộc họp trên, cho rằng: “Lương tối thiểu hiện nay chưa do thị trường quyết định và chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Hiện tại mức lương tối thiểu ở nước ta đang thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%, trong khi mức sống của người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn thì gần tương đương với các nước”.

Điều đáng nói là, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại căn cứ trên mức lương tối thiểu để trả lương cho người lao động, dù Nhà nước có quy định lương tối thiểu ở các doanh nghiệp này cao hơn doanh nghiệp trong nước. Có thể nói, đó chính là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đình công hàng loạt và những bất ổn trên thị trường lao động hiện nay.

Để cơ bản giải quyết nghịch lý này, rõ ràng là cần nâng mức lương tối thiểu ở cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lên mức đủ để bù đắp khoản 35-40% còn thiếu hụt kia và đủ để người lao động có thể sống, có thể tái tạo sức lao động, chưa nói đến yêu cầu cao hơn. Mà muốn vậy, cần để thị trường quyết định tiền lương của người lao động, nghĩa là để người lao động có thể thương lượng đồng lương với người sử dụng lao động.

Muốn thế, công đoàn phải đóng một vai trò khác với vai trò hiện nay đang đóng, có thể thay mặt người lao động đàm phán về tiền lương với giới chủ. Mặt khác, về lâu về dài, không thể không chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động rẻ sang dựa vào tăng năng suất và hiệu quả, mà điều này chỉ có khi người lao động được trả lương tương xứng với lao động bỏ ra.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới