Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý thuốc tốt hơn nhưng cũng đắt hơn

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nền y học hiện đại đang có những đột phá trong việc tìm ra những loại thuốc ngày càng hữu hiệu hơn để điều trị từ ung thư đến béo phì. Tuy nhiên, ngoài những phản ứng phụ, các loại thuốc này có một điểm chung: chúng rất đắt, nằm ngoài tầm tay của nhiều bệnh nhân, đẩy nhiều người vào chỗ chọn lựa cạn kiệt sức khỏe hay cạn kiệt tài chính.

Loại thuốc đang gây xôn xao ở các nước giàu vì chúng trị được căn bệnh nhiều người ở các nước này đang mắc phải: béo phì. Không những giúp người dùng giảm cân nhiều, giảm cân nhanh, các loại thuốc này còn giúp ngăn ngừa, giảm rủi ro đột quỵ đến 20%. Hai tên thuốc được nhắc nhiều nhất trong thời gian qua là Wegovy và Ozempic đều rất đắt; chích Wegovy mỗi tháng tốn 1.349 đô la Mỹ còn Ozempic có rẻ hơn một chút nhưng cũng tốn chừng 1.000 đô la. Nguyên thủy chúng là thuốc trị bệnh tiểu đường, nhưng được phát hiện có thêm tác dụng giảm cân nhờ giảm cảm giác thèm ăn ở người bệnh.

Ngoài chi phí đắt đỏ, tạo ra gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm và tài chính cá nhân, sự thổi phồng quá mức hiệu quả của các liệu pháp cá nhân hóa cũng làm mọi người ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe chung cho mọi người.

Đắt hơn thế là các loại thuốc điều trị ung thư, như Lumakras dùng trong ung thư phổi khi ra mắt vào năm 2021 có giá 17.900 đô la mỗi tháng sử dụng. Cũng điều trị cùng loại ung thư nhưng được tung ra thị trường sau đó một năm vào tháng 12-2022 là Krazati, đắt hơn 10%, lên đến 19.750 đô la mỗi tháng sử dụng.

Trước đây các hãng dược rất cân nhắc khi đưa vào thị trường các loại thuốc đắt tiền vì mức bệnh nhân có thể chấp nhận được thường dưới 5.000 đô la mỗi tháng, nhưng nay nhiều loại thuốc ung thư thế hệ mới đều có giá trên 20.000 đô la mỗi tháng. Tờ Wall Street Journal làm khảo sát và thấy giá trung vị, tức mức giá nằm ở giữa của các loại thuốc mới được phê duyệt đưa vào thị trường, tăng gấp ba lên mức 7.034 đô la mỗi tháng cho một bệnh nhân vào năm 2022 so với mức 2.624 đô la vào năm 2011.

Tiến sĩ James Tabery, tác giả cuốn Sự chuyên chế của gen: Thuốc cá nhân hóa và mối đe dọa cho nền y tế công kể câu chuyện của cha ông, phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn 4 khi đã di căn. Sau nhiều xét nghiệm, cha ông được điều trị bằng thuốc Erlotinib trong liệu pháp nhắm trúng đích, tức một phương pháp điều trị ung thư mới, dùng thuốc đúng người đúng bệnh để ngăn chặn khối u phát triển.

Chỉ một thời gian ngắn sau, mẹ ông vui mừng báo tin các khối u trong người cha ông đã nhỏ lại thấy rõ. Cũng may tài chính gia đình ông khá vững, cha ông mua bảo hiểm loại tốt, chi trả một phần lớn chi phí điều trị; bằng không cha ông sẽ gặp khó bởi các viên thuốc Erlotinib nhỏ xíu tốn chừng 5.000 đô la tiền uống mỗi tháng, chưa kể các chi phí khác. Các loại thuốc điều trị ung thư phổi khác mới xuất hiện sau này còn có giá cao hơn, từ 10.000-20.000 đô la mỗi tháng sử dụng.

Tuy nhiên thuốc Erlotinib không chữa dứt ung thư; nó chỉ tạm ngăn các khối u phát triển và khi ung thư quay trở lại, tốc độ tăng trưởng của nó còn nhanh hơn. Một năm sau, cha của Tiến sĩ Tabery qua đời.

Một số thuốc sử dụng một liều duy nhất trong các liệu pháp gen có thể có mức giá hàng triệu đô la cho mỗi bệnh nhân như Hemgenix, một loại thuốc áp dụng liệu pháp gen để điều trị bệnh máu khó đông di truyền hemophilia B có giá 3,5 triệu đô la mỗi liều ngay khi được phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái.

Thuốc Leqembi vừa mới được Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị căn bệnh Alzheimer’s có chi phí sử dụng lên đến 26.500 đô la mỗi năm. Tuy đắt như thế nhưng Leqembi không trị dứt Alzheimer’s, cũng không ngăn chặn bệnh tiến triển xấu hơn; nó chỉ giúp giảm bớt tốc độ suy giảm nhận thức của người bệnh. Nếu tính cả chi phí nhập viện (thuốc được chích ở bệnh viện), các chi phí xét nghiệm… phí tổn hàng năm có thể lên đến 90.000 đô la. Ngay cả khi bảo hiểm chi trả 80%, chi phí người bệnh phải gánh chừng 18.000 đô la cũng nằm ngoài tầm tay nhiều người.

Một trong những yếu tố đẩy giá thuốc mới lên cao là do các hãng dược muốn nhắm tới các loại thuốc mới được cá nhân hóa cho từng nhóm bệnh nhân nhỏ, hay các loại thuốc dùng cho các bệnh hiếm gặp như các rối loạn di truyền.

Các hãng thường lập luận rằng, do đối tượng thuốc nhắm đến là ít nên doanh thu thuốc cũng thấp, buộc họ phải nâng giá lên để bù đắp chi phí nghiên cứu và phát triển. Năm 2022, đến 54% các thuốc được FDA phê duyệt là cho các căn bệnh hiếm gặp, một tỷ lệ rất cao so với chỉ 33% vào năm 2012. Các loại thuốc mới thường chưa bị kiểm soát giá như các loại thuốc được đưa ra thị trường từ lâu.

Các hãng dược nhắm vào các phương pháp điều trị cá nhân hóa, bỏ qua loại thuốc đại trà, vì làm như vậy họ thu lãi nhiều hơn. Các phương pháp điều trị ung thư mới như liệu pháp nhắm trúng đích hay liệu pháp miễn dịch đòi hỏi các loại thuốc mới, đắt tiền hơn. Chính vì vậy thuốc ung thư hiện đem lại mức doanh thu lớn nhất cho các hãng dược, được dự báo lên đến 236 tỉ đô la vào năm 2024.

Từ câu chuyện của cha mình, Tiến sĩ James Tabery cho rằng chưa chắc một nền y tế cố gắng cá nhân hóa các liệu pháp điều trị đã tốt hơn cách tiếp cận điều trị đại trà cho mọi người. Ngoài chi phí đắt đỏ, tạo ra gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm và tài chính cá nhân, sự thổi phồng quá mức hiệu quả của các liệu pháp cá nhân hóa cũng làm mọi người ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe chung cho mọi người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới