(KTSG Online) - Cùng liên quan đến cây khoai mì (sắn), trong khi người nông dân tham khảo mô hình để chế tạo ra máy móc phục vụ canh tác rất thiết thực thì lại có những dự án nghiên cứu của nhà khoa học bị thổi còi vì tự “nhân bản” không cần thiết.
Cuối tuần qua, báo chí đưa tin Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành kết luận liên quan đến các đề tài nghiên cứu “nhân bản” do giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Hội, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ nhiệm.
Theo bản kết luận, ông Phạm Xuân Hội ký hợp đồng và nhận làm chủ nhiệm các đề tài khoa học và công nghệ tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum nghiên cứu về các giống khoai mì mới kháng được bệnh khảm lá. Tuy nhiên, nội dung các nghiên cứu lại cơ bản giống nhau trong khi các giống khoai mì này đã được nghiên cứu thành công trước đó tại tỉnh Tây Ninh.
Trong bản thuyết minh đề tài, Viện Di truyền nông nghiệp cũng không luận giải được tại sao phải lặp lại một số nội dung nghiên cứu tương tự nhau ở ba tỉnh; không luận giải được tại sao phải nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện quy trình nhân giống bằng kỹ thuật in vitro và trong nhà mành tại Quảng Ngãi, Huế trong khi các kỹ thuật này đã được nghiên cứu trước đó(1).
Qua kết luận của cơ quan chức năng, có thể thấy ở góc độ nghiên cứu khoa học, công nghệ, các đề tài được “nhân bản” gần như trọn vẹn từ các nghiên cứu đã thành công và có sẵn, từ giống khoai mì kháng bệnh đến quy trình nhân giống.
Về mặt nghiên cứu khoa học thì điều này lại không khoa học vì theo quy trình thông thường, chỉ cần dùng một đề tài thành công trong tạo ra giống khoai mì kháng bệnh khảm lá ở tỉnh Tây Ninh để triển khai ở các tỉnh khác, có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thực tế.
Về mặt kinh tế, việc “nhân bản” như vậy vừa không thiết thực vì không tạo ra giống mới vừa gây lãng phí vì đây là các dự án nghiên cứu được chi trả bằng ngân sách của các tỉnh.
Trong khi các nghiên cứu khoa học lặp đi lặp lại như vậy thì trong thực tế canh tác, người nông dân có nhiều nhu cầu mà chưa được các nhà khoa học nghiên cứu nên phải tự mày mò làm.
Một nhóm nông dân ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã dành ra bốn tháng thiết kế và chế tạo máy phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho cây khoai mì với năng suất 20 hec ta/ngày. Ngoài việc tiết kiệm chi phí khi chỉ cần một người điều khiển thay thế cho 20 nhân công theo cách truyền thống, máy phun này còn giúp giảm độc hại vì số người trực tiếp phun thuốc giảm xuống.
Máy phun này bản chất là máy cày được cải tiến với hệ thống khung gầm bổ sung thêm bánh và các vòi phun có thể gấp gọn. Loại máy phun này đạt hiệu quả cao vì có thể phun thuốc, phun phân cho cây khoai mì từ khi mới trồng đến lúc sắp thu hoạch(2).
Không rõ nhóm nông dân ở Đồng Nai có tham khảo mô hình tương tự khi làm hay không nhưng trước đó ở tỉnh Tây Ninh cũng có nông dân đã chế tạo máy phun thuốc bảo vệ thực vật dựa trên khung gầm máy cày có thể phun thuốc chỉ tốn 10 phút cho một hec ta lúa; không chỉ cho lúa mà còn có thể điều chỉnh để phun cho khoai mì, mía(3).
Tính hiệu quả, độ thiết thực của loại máy này cao vì những “nhà khoa học chân đất” tạo ra từ nhu cầu thực tế của chính họ. Có thể người nông dân cũng tham khảo mô hình đã có để cải tiến và tạo ra loại máy đáp ứng nhu cầu của mình nhưng rõ ràng đây là kiểu “nhân bản” đáng được ủng hộ.
Dù chú trọng đầu tư nhưng nguồn lực của Nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa như kỳ vọng. Trong điều kiện như vậy, các viện nghiên cứu nên nắm bắt nhu cầu, đi sát thực tế và đồng hành với người nông dân để tạo ra sản phẩm thiết thực, đáp ứng nhu cầu của họ. Không nên đầu tư dàn trải vào các nghiên cứu đã có theo kiểu “nhân bản” dự án khoa học gây tốn kém, lãng phí ngân sách như trường hợp nêu trên.
-------------------------
(1) https://tuoitre.vn/ket-luan-ve-3-noi-dung-to-cao-vien-truong-vien-di-truyen-nong-nghiep-20241026143515587.htm
(2) https://video.vnexpress.net/nong-dan-che-may-phun-thuoc-thay-20-nhan-cong-4807489.html
(3) https://baotayninh.vn/nong-dan-sang-tao-may-phun-thuoc-bao-ve-thuc-vat-tiet-kiem-suc-lao-dong-a147498.html
Không có gì ngạc nhiên. Sức mạnh lớn lao và đáng quý nhất của khoa học chính là mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng. Vậy nên mới có những giải thưởng như Nobel hàng năm, và mới đây là giải VinFuture của Việt Nam. “Nhà khoa học nông dân”, họ luôn xuất phát từ những bức xúc của thực tiễn cuộc sống, gắn với vấn đề sát sườn, như cơm áo gạo tiền. Trong khi, với nhiều “nhà khoa học hàn lâm” khác thì không phải lúc nào cũng vậy. Rất tiếc, mọi thứ không bao giờ diễn ra theo ý muốn của chúng ta.