(KTSG Online) - Vừa qua, TPHCM và một số tỉnh phía Nam liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học. Trước thực trạng này, đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết đơn vị sẽ tăng tần suất kiểm tra đột xuất tại các bếp ăn trong trường học và những điểm bán thức ăn bên ngoài trường học. Ngoài ra, đơn vị cũng siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm đầu vào cho đến khâu chế biến ngay tại cơ sở.
- Thêm một trường hợp ngộ độc sau khi sử dụng pate Minh Chay
- Từ công nghệ ‘xô chậu’ nhiều thực phẩm chức năng được thổi phồng qua quảng cáo?
Nắng nóng - cơ hội để vi khuẩn phát triển
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý 1-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 650 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu và điều trị, trong đó có 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, trong 3 tháng qua, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng 270%.
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, các vụ ngộ độc thực phẩm đã liên tiếp xảy ra tại TPHCM. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 8-5, 20 sinh viên nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tại một tòa nhà ký túc xá khu B Đại học Quốc gia TPHCM. Trước đó, vào ngày 2-5, 15 học sinh tại TPHCM cũng nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi, bánh mì trước cổng trường hoặc mua trên đường đi, thông tin từ Sở Y tế TPHCM.
Trước tình trạng ngộ độc sau khi ăn thực phẩm bán bên trong và ngoài trường học đã xảy ra, trao đổi với KTSG Online, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, hiện nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, căn tin và bên ngoài trường học vẫn còn tồn tại. Chỉ cần lơ là, cảnh giác là có thể xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào. Đặc biệt, học sinh là nhóm đối tượng mong manh, có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất cao.
Với thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao kéo dài như hiện nay là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn. Trong khi đó, nhiều người có thói quen sơ chế, nấu và bảo quản thực phẩm chưa đúng. Thức ăn để bên ngoài không khí nóng quá lâu có thể gây nguy cơ ngộ độc lớn, bà Lan cảnh báo.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (TPHCM) cho rằng: “Nắng nóng gay gắt kéo dài, các loại thực phẩm bán bên ngoài cổng trường (bán hàng rong) có nguy cơ mất an toàn rất lớn. Bởi thực phẩm nếu không nấu chín hoặc là nấu chín nhưng để trên 2 giờ đồng hồ, thì những vi sinh vật như vi khuẩn, ký sinh trùng… sẽ sinh sôi và phát triển. Sau khi sinh sôi, chúng sẽ tạo ra độc tố hoặc tăng sinh. Khi vào trong cơ thể, vi sinh vật sẽ gây ra rối loạn, nhiễm khuẩn và nhiễm trùng”.
Nói thêm về nguy cơ mất an toàn thực phẩm trước cổng trường, bà Lan cho hay, trong quá trình đi kiểm tra, Sở An toàn thực phẩm thành phố từng ghi nhận một số người bán hàng rong dùng cơm nấu từ hôm trước để làm sushi và để qua đêm. Đến sáng hôm sau, họ đem bán cho học sinh. Tình trạng này rất đáng báo động. Bên cạnh đó, một số người bán thức ăn còn tồn, thì hâm nóng để bán tiếp vào ngày hôm sau.
Ngoài ra, nhiều người bán hàng còn chưa có kiến thức, cũng như ý thức về an toàn thực phẩm. Chẳng hạn như họ chế biến lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín. Thậm chí, có những người mua nguyên liệu giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thành phẩm hoặc ham lợi nhuận nên bỏ qua các quy trình đảm bảo an toàn.
Tăng tần suất kiểm tra từ bếp ăn đến hè phố
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết hiện TPHCM có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó tập trung khá nhiều bên ngoài các trường học. Việc kiểm soát, quản lý nhóm này vẫn còn nhiều thách thức. Bởi người kinh doanh thường buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động thời gian ngắn và không cố định. Việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là vẫn nhận thức của người dân. Phụ huynh có con trong độ tuổi đi học nên khuyến khích trẻ nhỏ ăn uống trong căn tin, bếp ăn nhà trường. Bởi ở đây, nguồn gốc thực phẩm được kiểm soát. Hoặc trường hợp có vấn đề gì xảy ra, sẽ có người chịu trách nhiệm.
Bà Lan cũng cho hay sắp tới, những bếp ăn tập thể, bếp ăn trong trường học và các điểm bán thức ăn bên ngoài trường học ở tất cả 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ được tăng tần suất kiểm tra đột xuất. Sở sẽ không thanh, kiểm tra theo kế hoạch, mà tập trung nhiều hơn vào thanh, kiểm tra không báo trước. Cùng với đó, đơn vị cũng xử lý nghiêm các trường hợp chưa bảo đảm an toàn thực phẩm dù đã nhắc nhở nhiều lần.
Đại diện Sở An toàn thực phẩm thành phố cũng thông tin thời gian vừa qua, sở đã phát huy tính giám sát của cộng đồng bằng cách đề nghị phụ huynh tham gia vào việc theo dõi chi tiết bữa ăn của học sinh. Điều này nhằm giúp siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm đầu vào, cho đến chế biến ngay tại cơ sở. Cụ thể, phụ huynh cùng giám sát từ khâu nhập nguyên liệu (nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng), khâu chế biến đến giai đoạn ăn uống, trở về nhà liệu có những dấu hiệu bất thường nào không để kịp thời báo cho hội phụ huynh và cơ quan chức năng.
Bà Lan lưu ý đến các bậc phụ huynh, khi học sinh gặp những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm nên gọi đến số đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm thành phố là 028.39.301.714 để có phương án xử lý kịp thời.
“Trước đây, chúng tôi từng thấy một số trường hợp học sinh gặp rắc rối liên quan đến an toàn thực phẩm, về nhà nói với phụ huynh. Sau đó, phụ huynh đến trường quay phim và đưa lên các hội nhóm, trang mạng xã hội. Khi cơ quan quản lý nắm được thông tin, đến trường làm việc thì đã dọn dẹp xong nên không có đủ căn cứ để xử phạt”, bà Lan nói và cho rằng nếu không xử phạt, sẽ không có đủ tính răn đe để tránh lặp lại vi phạm trong tương lai.
Người làm/ Người bán/ Người dùng/ Người quản. Cả 4 khâu này đều phát sinh nhiều vấn đề rất nặng nề về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bệnh ung thư ở ta thuộc diện đang đứng đầu thế giới cũng chủ yếu xuất phát từ lý do này mà ra.