Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngỡ ngàng với thương vụ Business Insider

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngỡ ngàng với thương vụ Business Insider

Thái Bình

(TBKTSG Online) – Tờ báo mạng về kinh doanh và công nghệ Business Insider (businessinsider.com) vừa được bán lại cho tập đoàn truyền thông Axel Springer (Đức) với giá kỷ lục 442 triệu đô la Mỹ, gây ra một cú sốc đầy ngỡ ngàng cho giới kinh doanh truyền thông toàn cầu.

Số tiền mà Axel Springer bỏ ra mua Business Insider cao hơn 200 triệu đô la so với giá bán 250 triệu đô la Mỹ  của tờ báo danh tiếng tờ The Washington Post.

Business Insider là một trang tin điện tử mới hoạt động khoảng 8 năm nay tại Mỹ; đến nay Business Insider đã có 7 phiên bản khác nhau hoạt động tại nhiều nước, song về cơ bản tờ báo vẫn dựa vào mối quan hệ hợp tác với các hãng truyền thông để đăng lại tin bài hơn là tự sáng tạo nội dung.

Vấn đề làm giới kinh doanh ngỡ ngàng là giá trị chuyển nhượng quá lớn so với tiềm năng và kỳ vọng của tờ báo mạng này. Năm ngoái 2014, Business Insider có doanh thu khoảng 34 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng 1/13 so với giá chuyển nhượng; và nếu việc kinh doanh suôn sẻ thì năm nay doanh thu của Business Insider dự kiến cũng chỉ đạt 50 triệu đô la. Cho dù Business Insider có tốc độ tăng trưởng “đáng mơ ước” là 30% mỗi năm thì phải mất 5 năm nữa, doanh thu của tờ báo mạng này mới đạt được con số 190 triệu đô la Mỹ, tức là bằng 1/3 doanh thu của tờ The Financial Times (Anh) khi tờ báo này được bán đi mấy tháng trước. Kỳ vọng của Axel Springer rằng Business Insider sẽ đạt điểm “hòa vốn” (break even) vào năm 2018 xem ra khó trở thành hiện thực.

Những vụ sáp nhập gần đây cho thấy xu hướng các tờ báo mạng, báo điện tử, trang web tin tức đang ngày càng được định giá cao hơn các tờ báo in có truyền thống lâu đời và các tập đoàn truyền thông xưa nay mạnh về báo in hoặc truyền hình đang có xu hướng “bành trướng” mạnh sang báo mạng, báo điện tử.

Để so sánh, có thể xem lại vụ tập đoàn Nikkei Inc. (Nhật) mua lại nhóm The Financial Times Group của Anh (gồm cả tờ báo The Financial Times) hồi tháng 7-2015. Nikkei đã bỏ ra 844 triệu bảng Anh (1,32 tỉ đô la Mỹ) nhưng số tiền này chỉ bằng 2,5 lần doanh thu năm ngoái của tờ Financial Times chứ không phải tới 13 lần như thương vụ Business Insider. Ngoài báo in, Financial Times còn bán quyền truy cập bản trực tuyến (online) cho độc giả đăng ký dài hạn và có nguồn thu tương đối ổn định với doanh thu năm ngoái là hơn 500 triệu đô la, cao hơn hàng chục lần doanh thu của Business Insider.

Axel Springer – tập đoàn truyền thông Đức có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 5,7 tỉ đô la Mỹ – không phải là người mới, lạ lẫm với cuộc đua “mua bán sáp nhập” truyền thông. Trong thương vụ Financial Times hồi tháng 7-2015, Springer chỉ bỏ giá thấp hơn một chút mà mất quyền mua The Financial Times về tay Nikkei.

Hồi đầu năm nay, Axel Springer cùng với một nhóm các nhà đầu tư khác – trong đó có ông Jeff Bezos của Amazon.com – đã bỏ ra 25 triệu đô la mua cổ phần của Business Insider, giúp tờ báo này huy động được 57 triệu đô la vốn đầu tư sau 7 vòng gọi vốn. Và hôm qua Axel Springer bỏ ra thêm 383 triệu đô la, để mua 88% cổ phần Business Insider, nâng tỷ lệ nắm giữ của Axel Springer tại Business Insider lên 97%, tương đương 442 triệu đô la, 3% còn lại thuộc về Jeff Bezos.

Chưa biết tập đoàn Axel Springer sẽ làm gì với Business Insider nhưng những vụ sáp nhập gần đây cho thấy xu hướng các tờ báo mạng, báo điện tử, trang web tin tức đang ngày càng được định giá cao hơn các tờ báo in có truyền thống lâu đời và các tập đoàn truyền thông xưa nay mạnh về báo in hoặc truyền hình đang có xu hướng “bành trướng” mạnh sang báo mạng, báo điện tử. Hiện tượng này có phần do người ta kỳ vọng những tiến bộ về công nghệ Internet sẽ làm thay đổi tận gốc văn hóa truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của xã hội.

 

Một số thương vụ M&A và đầu tư đình đám trong lĩnh vực truyền thông:

– Tháng 7-2015, tập đoàn truyền thông và giáo dục Pearson Plc.(Anh) bán lại The Financial Times Group, bao gồm tờ báo The Financial Times cho tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nikkei Inc. với giá 844 triệu bảng Anh (1,32 tỉ đô la Mỹ).

– Tháng 8-2013, ông Jeff Bezos, ông chủ của tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon.com, mua lại tờ The Washington Post – tờ báo lừng danh với việc phanh phui vụ bê bối Watergate khiến Richard Nixon phải mất chức tổng thống Mỹ – với giá chỉ 250 triệu đô la Mỹ.

– Năm 2013, tập đoàn The New York Times Co. bán nhóm báo The Boston Globe cho tỷ phú John Henry – ông chủ câu lạc bộ bóng chày Boston Red Sox – với giá 70 triệu đô la. Thương vụ này không chỉ bao gồm tờ báo The Boston Globe mà cả những cơ sở của Media Group, bộ phận của The New York Times ở vùng New England. Hai mươi năm trước, năm 1993, The New York Times đã mua lại tờ Boston Globe và các cơ sở này với giá 1,1 tỉ đô la.

– Tháng 8-2015, tập đoàn truyền thông khổng lồ Comcast-NBCUniversal bỏ ra 200 triệu đô la đầu tư vào Buzzfeed.com – một công ty truyền thông trên Internet mới ra đời năm 2006, chuyên đưa tin xã hội, tội phạm và giải trí, hiện được định giá khoảng 1,5 tỉ đô la.

Cùng lúc, Comcast-NBCUniversal cũng đầu tư 200 triệu đô la vào Vox.com – một trang web phổ biến kiến thức thường đăng bài giải thích các sự kiện kinh tế, chính trị, thể thao, thực phẩm, thời trang… được định giá khoảng 1 tỉ đô la.

– Năm ngoái, Công ty Hearst và Walt Disney bỏ ra 250 triệu đô la Mỹ để mua 10% cổ phần của Vice Media, một công ty truyền thông trên mạng phát triển mạnh và được định giá 2,5 tỉ đô la Mỹ.

– Năm 2011, sau 6 năm hoạt động, tờ Huffington Post – khởi đầu là trang blog cá nhân của Arianna Hufftington – được bán cho tập đoàn viễn thông AOL Inc. với giá 315 triệu đô la Mỹ, gây chấn động lúc ấy. Năm ngoái tờ báo mạng này có doanh thu 146 triệu đô la nhưng không có lợi nhuận; dù vậy nó vẫn được định giá khoảng 1 tỉ đô la Mỹ trong thương vụ Verizon Communications bỏ ra 4,4 tỉ đô la để mua lại AOL.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới