(KTSG Online) - Hiện nay, ngoài mặt hàng trứng gia cầm, Sở Công Thương TPHCM chưa nhận được các đề nghị xin tăng giá của các doanh nghiệp thực phẩm khác có tham gia bình ổn thị trường do nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng.
Thông tin này được đại diện Sở Công Thương TPHCM thông tin với báo chí tại cuộc họp vào chiều ngày 9-6.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định trứng gà, vịt hiện không thiếu và vẫn giữ nguyên giá trong chương trình bình ổn thị trường.
"Qua theo dõi cho thấy giá trứng trong chương trình bình ổn thị trường vẫn không tăng và không có chuyện thiếu trứng", ông Phương nói. Ông cho rằng: "Do lượng hàng bình ổn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nên giá trứng ngoài chương trình bình ổn khó tăng quá cao".
Cũng theo ông Phương, Sở Công Thương sẽ cùng với Sở Tài chính và các sở ngành tham mưu với UBND thành phố để có những giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ đơn vị sản xuất tái đàn, tái đầu tư. "Nếu sắp tới giá trứng có tăng thì cũng ở mức độ phù hợp”, ông Phương nói.
Đối với mặt hàng trứng gia cầm, hiện tại giá vẫn giữ ổn định với 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã đề xuất tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/chục dẫn đến giá bán có thể biến động.
Với các mặt hàng thực phẩm khác trong chương trình bình ổn, theo Sở Công Thương, hiện vẫn chưa có đơn vị nào xin tăng giá bán.
Trao đổi với báo chí về việc các doanh nghiệp bình ổn thị trường rục rịch điều chỉnh tăng giá, ông Phương khẳng định, lượng hàng hóa cung ứng rất dồi dào, đủ sức điều tiết thị trường.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng hầu hết doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách giảm chi phí đầu vào. Nếu giá cả đầu vào tăng từ 5% trở lên thì doanh nghiệp sẽ được đăng ký điều chỉnh tăng.
Tuy nhiên ông Vũ khẳng định các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn phải rất khó khăn mới đề xuất tăng giá. "Bởi lẽ hiện tại sức mua của người dân và doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh mẽ được như trước dịch, do đó việc tăng giá sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua", ông Vũ nói thêm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ), tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân tiết kiệm chi tiêu.