Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngôi nhà sàn Tây nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngôi nhà sàn Tây nguyên

Trần Hà Trung

Nghệ sĩ Y Moan bên chiếc cầu thang lên nhà sàn mang nét đặc trưng của kiến trúc nhà sàn Tây nguyên. Ảnh: THT

(TBKTSG Online) – Ở cuối buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, có một ngôi nhà sàn khá đặc biệt, thu hút khá đông du khách tham quan, tìm hiểu về văn hóa vật thể trong sinh hoạt truyền thống của người Tây nguyên; trong đó có những thứ nay đã thuộc về dĩ vãng… Chủ nhân ngôi nhà này là ca sĩ Y Moan.

Nhà Y Moan như một bảo tàng thu nhỏ. Ngôi nhà sàn bằng gỗ là nơi trưng bày khá đầy đủ những đồ dùng sinh hoạt truyền thống của người Tây nguyên. Từ những chiếc ná, xà gạc, đến hàng loạt chiêng, ché lớn nhỏ, các loại gùi, cả những chiếc gùi đặc biệt dùng để gùi chiêng.

Bên bếp lửa là chiếc ghế kpan (ghế dài của người dân tộc Ê-đê) dài tít tắp, cuối nhà là chiếc trống da trâu hai vòng tay ôm, bên cạnh là dàn chiêng knăh trông khá uy nghi, treo trên mái nhà là bộ dây thừng săn voi bằng da trâu rừng đen nhức màu khói bếp…

Ngoài đam mê ca hát, Y Moan còn có một niềm vui khác là sưu tầm những cổ vật văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.

Giới thiệu với chúng tôi bộ chiêng Lào rất quý bằng đồng pha vàng, Y Moan nói: “Ngày trước bộ chiêng này có giá trị bằng hai con voi. Nếu không có voi thì phải đổi cả một đàn bò 50 con. Mà không phải đổi ở vùng cao nguyên này đâu, người ta phải lùa đàn bò sang tận Lào hàng tháng ròng mới đến được nơi đổi chiêng, vì thế mới có tên là chiêng Lào”.

Hỏi vì sao anh biết được gốc tích những cổ vật này, Y Moan đáp, giọng tự hào: “Hồi nhỏ mình được những người già trong buôn cưng lắm, đi đâu họ cũng cho mình cưõi voi đi cùng, được nghe nhiều chuyện mua chiêng, ché, làm trống da trâu, xem cúng…, nên nhớ nhiều thứ lắm”.

Trong bộ sưu tập của Y Moan, gây ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi là kho trống cổ cất giữ phía sau nhà. Anh nói, đi đâu hễ thấy trống cổ là anh hỏi mua bằng được, dù chiếc trống chỉ còn tang gỗ, mặt trống tả tơi. Có lần anh mua được “của hiếm” là một chiếc trống đã hỏng có đường kính tới 1,5 mét được làm từ một gốc cây đục rỗng. Anh bảo, chỉ riêng thân trống này đã chứng minh một thời hào hùng từng được mô tả trong những sử thi Tây nguyên như Đam San, Xing Nhã, khi cây rừng làm trống to đến ba, bốn người ôm, tiếng trống làm rung rinh nhà sàn, vang xa qua vài đỉnh núi…

Bộ sưu tập chiêng, ché và các vật dụng sinh hoạt truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở Tây nguyên. Ảnh: THT

Y Moan cho biết: “Đồng bào Tây nguyên làm trống phải có một mặt da trâu đực, một mặt da trâu cái, để khi đánh lên có sự giao hòa âm dương, tiếng trống mới vang xa. Trong nhà đồng bào dân tộc, trống được xem là vật linh thiêng hơn cả cồng chiêng, khách lạ vào nhà tự ý vỗ vào trống có thể bị phạt vạ”.

Anh nói, giọng nuối tiếc: “Giờ đây, ở các buôn làng Tây Nguyên còn rất ít trống lắm, nhiều nơi người ta không còn xem trống là vật thiêng nữa mà bị đem bán, hoặc thậm chí bị vứt đi”.

Đối với Y Moan, những chiếc trống da trâu có sức cuốn hút lạ lùng, bởi sự hàm chứa những công phu và ý nghĩa huyền bí khi làm ra chúng. Anh kể, ngày xưa, việc chuẩn bị làm trống có khi kéo dài đến vài ba năm. Đầu tiên, chủ nhà chọn trâu, một đực, một cái; trâu đực phải trưởng thành, còn trâu cái phải đẻ được ba lứa mới đúng độ tuổi để lấy da làm trống.

Người ta vào rừng chọn cây sao có gốc thật lớn, nếu chưa làm trống ngay thì mỗi năm phải cúng cho cây một con heo. Đến ngày làm trống, chủ nhà thuê thợ vào rừng đốn cây, phải mất cả tuần đục đẽo mới hình thành thân trống là một khúc cây lớn rỗng ruột. Hai con trâu được đem ra rừng để hóa kiếp, lấy bộ da ngâm bùn trong một tháng mới dùng bịt mặt trống. Ngày rước trống về nhà, gia chủ phải cúng vài con bò, đãi cả buôn ăn uống tưng bừng…

Những chiếc trống cổ, vốn được xem là vật thiêng trong đời sống văn hóa người Tây nguyên, nay đang dần mai một. Ảnh: THT

Trong bộ sưu tập của Y Moan còn có những món rất lạ, như viên đá tròn nhẵn, đường kính khoảng 30 cm. Anh bảo đây là vật quý “có một không hai”, được một người đồng bào lấy lên từ dưới đáy thác Đray Sáp của sông Serepok, viên đá được nước bào mòn tạo thành dạng tròn đều tự nhiên. “Mỗi lần đi đâu về mệt mỏi, mình xoa tay lên viên đá một lúc là cảm thấy thư thái trở lại”, Y Mona thổ lộ.

Viên đá tròn lấy từ đáy thác Đray Sáp, trên dòng sông Serepok, tỉnh Đăklăk. Ảnh: THT

Ít ai biết Y Moan bắt đầu sưu tầm những vật quý của đồng bào mình như thế nào. Anh kể, có lần đi hát ở một buôn vùng sâu thấy một chiếc trống da trâu còn đẹp bị vứt lăn lóc dưới sàn nhà, hỏi mua thì được chủ nhà biếu không vì mến giọng hát của anh. Từ đó, mỗi lần đi hát là anh “tha” về một món đồ, có khi dành dụm nhiều tháng để có gần chục triệu đồng mới mua được bộ dây thừng săn voi.

Anh giãi bày: “Có những món người ta không chịu bán, hoặc kêu giá đắt quá, mình lui tới năm bảy lượt thuyết phục mới mua được. Mua về chỉ cần trưng bày trong nhà là sướng cái bụng rồi, sau nữa là giới thiệu với khách khứa, bạn bè gần xa biết được đời sống, sinh hoạt ngày xưa của ông bà mình ra sao thôi!”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới