Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngổn ngang phát triển kinh tế biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngổn ngang phát triển kinh tế biển

Thùy Dung

(TBKTSG) – Phát triển kinh tế biển không chỉ là đóng những con tàu đánh bắt cá công suất lớn mà còn nhiều việc khác cần được thực hiện đồng bộ. Để có được cái nhìn tổng quan về vấn đề này, TBKTSG đã phỏng vấn TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Ông Nguyễn Hữu Dũng.

TBKTSG: Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông gần đây, câu chuyện hỗ trợ ngư dân, như đóng tàu sắt, lập quỹ hỗ trợ, mua bảo hiểm… đang được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông. Vậy theo ông, điều gì cần cho ngư dân nhất tại thời điểm này?

– Ông Nguyễn Hữu Dũng: Ngoài con tàu, còn một yếu tố hết sức quan trọng là tổ chức sản xuất và dịch vụ hậu cần cho sản xuất. Chính vì vậy, phải có đội tàu mua sản phẩm của ngư dân đánh bắt, chuyển lại cho họ thực phẩm, nước… Như vậy, ngư dân sẽ không phải quay lại bờ để bán sản phẩm đánh bắt, giảm chi phí. Mặc dù đội tàu dịch vụ hậu cần quan trọng như vậy nhưng tới nay Nhà nước vẫn chưa tham gia, doanh nghiệp cũng rất ít.

Ngoài ra, ngư dân hiện nay quen đánh bắt riêng lẻ, thông tin về nguồn cá thường giữ riêng cho mình hoặc người thân trong gia đình. Cần tổ chức ngư dân thành đoàn đội, chia sẻ thông tin cùng khai thác vùng có nhiều cá nhằm tăng hiệu quả và giúp nhau trên biển.

Hơn nữa, thông tin về nguồn lợi thủy sản đang rất thiếu và yếu. Ngư dân phải tự tìm vị trí để đánh cá. Do vậy cần có sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Cuối cùng, cần ưu tiên vấn đề bảo vệ ngư dân. Ngư dân bảo vệ chủ quyền đất nước nhưng ai bảo vệ họ? Vì vậy cần tăng cường hơn nữa đội tàu kiểm ngư, cảnh sát biển trong thời gian tới.

TBKTSG: Việc hỗ trợ về tín dụng đang được đề cập nhiều nhất. Theo dự thảo nghị định mới sắp được Thủ tướng phê duyệt, khoản tín dụng cho ngư dân trong thời gian tới có thể lên tới 10.000 tỉ đồng với lãi suất 3%, thời hạn vay 15 năm. Vậy theo ông, làm thế nào để ngư dân có thể sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất?

– Ngư dân nghe nói được vay lãi suất thấp ai cũng mừng nhưng liền sau đó là đắn đo. Việc đóng tàu là quan trọng nhưng việc khai thác con tàu đó cho hiệu quả còn quan trọng hơn vì nếu trang bị tàu máy lớn, tốn dầu nhiều mà hiệu quả khai thác thấp thì chuyến đi biển nào cũng lỗ. Việc bảo quản con tàu sắt cũng không hề đơn giản như tàu gỗ. Ngư dân phải bảo dưỡng tàu tại các xưởng và phải đóng phí.

Hơn nữa, có cần thiết phải đóng tàu công suất lớn hay không? Với điều kiện nguồn lợi của Việt Nam thì không nên đóng tàu chế biến lớn mà nên đóng những tàu vừa đánh cá, vừa có thiết bị cấp đông. Riêng với cá ngừ, bảo quản không nhất thiết phải đông sâu mà chỉ cần bảo quản bằng nước biển lạnh khoảng âm 1-2 độ C thì đã có thể giữ con cá có chất lượng tốt.

Nguồn lợi của chúng ta manh mún (vì là xứ nhiệt đới) nên không cần đội cá đồ sộ như vùng nước lạnh. Do vậy, quy mô đội tàu chế biến và dịch vụ phải thích hợp với đội tàu đánh cá và thích hợp với nguồn lợi.
Về hình thức vay, hiện nay, đang có hai cơ chế được đề nghị. Hoặc là cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi để họ làm chủ con tàu; hoặc giao cho một doanh nghiệp đóng tàu và cho dân thuê. Tôi nghiêng về hướng thứ nhất vì cái gì mình làm chủ thì mình sẽ có ý thức bảo vệ hơn.

Theo tôi, mặc dù chúng ta sốt ruột muốn có đội tàu to nhưng nên thận trọng, đi từng bước chắc chắn.

TBKTSG: Đóng tàu công suất lớn là một chuyện, nhưng liệu ngư dân có đủ năng lực để quản lý, khai thác những con tàu này?

– Vận hành tàu sắt khác hẳn với vận hành các con tàu gỗ. Trong khi đó, hệ thống trường đào tạo ngư dân đã đóng cửa từ khá lâu. Giờ cần khôi phục lại, thay đổi chương trình đào tạo, thay đổi phương thức ngư dân dạy nghề cho nhau bằng truyền khẩu, phải qua trường lớp đào tạo, hiểu biết về luật lệ, không chỉ luật Việt Nam mà cả quốc tế, chưa nói tới vấn đề ngoại ngữ.

Họ cần được trang bị kiến thức xử lý tai nạn, cấp cứu, liên lạc, thông tin. Điều này cần hệ thống đào tạo gấp rút, thường xuyên cho ngư dân trong thời gian tới.

TBKTSG: Không phải bây giờ việc hỗ trợ ngư dân bám biển mới được đề cập đến. Trước đó, cũng đã có nhiều chiến dịch rầm rộ nhằm hỗ trợ ngư dân và phát triển kinh tế biển nhưng rồi không thành công. Theo ông, lý do nằm ở đâu?

– Đúng như vậy, trước đây Nhà nước cũng có chính sách để ngư dân đầu tư đánh bắt xa bờ, đây là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, chương trình đó lấy hợp tác xã làm trọng tâm. Các địa phương rầm rộ lập ra hợp tác xã để tạo ra tư cách pháp nhân nhưng không có gắn kết bên trong, chỉ là hình thức đáp ứng điều kiện vay vốn. Vì vậy, phong trào đó bị vỡ sau một thời gian rất ngắn. Tới nay Nhà nước cũng không thể thu hồi vốn đó được.

Hơn nữa, vào tháng 2-2007, chúng ta cũng có “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu chung là đến năm 2020, kinh tế biển phải đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển. Thế nhưng, bảy năm đã trôi qua mà việc thực hiện chiến lược biển vẫn chưa tiến triển mấy.

Đất nước ta là đất nước biển và quyết sách kinh tế biển phải chiếm hơn 50% GDP là đúng đắn. Tuy nhiên, về mặt tổ chức sản xuất và quản lý bảy năm qua chúng ta chưa thực hiện được. Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân là chưa có cơ quan quản lý nhà nước tập trung theo một chiến lược được hoạch định và có tổ chức bộ máy chặt chẽ. Theo tôi, để thực hiện chiến lược biển hiệu quả phải có Bộ Kinh tế biển.

TBKTSG: Chỉ sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước là chưa đủ. Theo ông, cần có thêm những chính sách gì để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn vào?

– Ngành thủy sản từ xưa tới nay đều theo phương thức tự cân đối, tự trang trải, vốn dân là chính. Ví dụ như doanh nghiệp thủy sản gần như không có doanh nghiệp nhà nước nào, vốn của doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là tự có, tự vay và tự tích lũy. Nếu có chính sách hợp lý cho nguồn vốn này chắc chắn dân sẽ đổ vào để đóng góp cho kinh tế biển.

Để hỗ trợ có hiệu quả, Nhà nước nên trực tiếp cho người dân vay. Ngoài ra, việc bảo vệ, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, thông tin liên lạc và đầu tư cho cơ sở hạ tầng cần vốn nhà nước.

Đội tàu khai thác và dịch vụ nên tập trung vào nguồn vốn của doanh nghiệp. Rất nhiều công ty chế biến thủy sản muốn đóng tàu dịch vụ nhưng họ kẹt vốn và lãi suất cho vay hiện nay còn cao. Do vậy, nên cho những doanh nghiệp có đề án tốt vay đóng tàu dịch vụ, vừa phục vụ cho ngư dân, vừa tạo thành chuỗi giá trị, có nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến.

Dịch vụ hậu cần như bến thuyền, cảng cá, bến cá, Nhà nước nên đầu tư nhưng giao cho cộng đồng quản lý. Theo kinh nghiệm của các nước như Malaysia, Indonesia…, nếu quản lý không tốt thì phải thay ngay. Một ban quản lý là công chức thì thường tách rời với dân và làm việc không hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới