(KTSG) - Nhiều tàu chuyên đánh bắt cá cơm vùng ven bờ nhưng được cấp giấy phép quy định hoạt động ở “vùng khơi” vốn không có loài cá này khiến ngư dân tiến thoái lưỡng nan. Đánh bắt đúng vùng cấp phép thì không có cá mà hoạt động sai vùng thì bị phạt.
- Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển, chung tay xoá thẻ vàng cho thuỷ hải sản Việt Nam
- Ngư dân miền Trung ra khơi đầu năm mới
Từ cuối tháng 5 vừa qua, nhiều tàu đánh bắt cá cơm, ghẹ, bạch tuộc, ốc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu loại dài trên 15 mét dù mới được cấp lại giấy phép khai thác nhưng phải chịu cảnh nằm bờ. Ngư dân không dám ra khơi vì sợ bị phạt do hoạt động sai vùng đánh bắt, thậm chí bị tước giấy phép khai thác nếu vi phạm nhiều lần.
Theo quy định hiện hành, vùng biển được phân thành ba vùng khai thác thủy sản theo thứ tự từ gần bờ đến xa bờ là vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi. Loại giấy phép quy định vùng hoạt động của các tàu trên 15 mét là “vùng khơi”, trong khi các loại hải sản mà các tàu nói trên đánh bắt như cá cơm chỉ có trong vùng ven bờ và ghẹ, bạch tuộc, ốc chỉ có ở vùng lộng.
Trước đây, giấy phép khai thác cấp cho tàu đánh bắt cá cơm ghi là “khai thác cá cơm tuyến bờ Bà Rịa - Vũng Tàu và ngoài khơi biển Việt Nam”, nhưng giấy phép mới lại ghi vùng khai thác là “vùng khơi biển Việt Nam”.
Quy định của giấy phép khai thác mới này khiến ngư dân mắc kẹt vì ngành nghề khai thác và vùng khai thác khác nhau, chẳng hạn như cá cơm không có ở ngoài vùng lộng và vùng khơi. Tương tự, các tàu đánh bắt ghẹ, bạch tuộc, ốc trên 15 mét cũng không hoạt động được vì các loại hải sản này chỉ có ở vùng lộng. Do theo giấy phép mới, tàu chỉ được phép khai thác ở vùng khơi nên ngư dân đành nằm bờ.
Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã thay đổi cách tính quy cách tàu cá, trước đây tính theo công suất máy nay chuyển sang chiều dài tàu. Việc quy định tàu dài trên 15 mét phải khai thác vùng khơi là nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt. Nhà nước đưa ra các quy định vùng đánh bắt hải sản để quản lý, bảo đảm việc khai thác hiệu quả và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc thay đổi quy định vùng đánh bắt mà không có lộ trình chuyển đổi đủ dài khiến ngư dân mắc kẹt. Trả lời trên TTXVN, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thừa nhận sự “bất cập trong giấy phép khai thác mới khiến bà con trở tay không kịp”(*) do Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ban hành ngày 5-4-2024 và có hiệu lực từ ngày 20-5-2024.
Ngư dân đánh bắt cá cơm vùng ven bờ và ghẹ, bạch tuộc, ốc vùng lộng thường hành nghề kiểu cha truyền con nối trong mấy chục năm qua. Cũng suốt trong thời gian đó họ đã đầu tư tàu, ngư cụ đánh bắt dành riêng cho các loại hải sản này nên không dễ thay đổi nhanh như đóng mới hay hoán cải tàu cho phù hợp với quy định mới.
Việc cấp lại giấy phép khai thác mới là cần thiết để quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên cũng cần tính đến điều kiện chuyển tiếp để ngư dân không mắc kẹt như hiện nay vì họ đã đầu tư tàu, ngư cụ rất lâu trước khi Nghị định số 38/2024/NĐ-CP được ban hành.
Đáng tiếc là dù nghị định này có điều 61 “Quy định chuyển tiếp” nhưng lại không đề cập đến hướng xử lý đối với các tàu đã đóng trước khi văn bản này có hiệu lực theo hướng hồi tố có lợi cho ngư dân.
Luôn nghĩ cho sự tồn tại/ cho cuộc sống của người dân. Đó là phương châm quan trọng nhất khi thiết kế chính sách. Nếu chưa thể chuyển đổi ngành nghề, thì cần có phương án hợp lý để ngư dân có thể mưu sinh bằng cái nghề mà bao đời nay họ đã và đang gìn giữ. Biển cả bao la. Phương tiện nào thì đánh bắt kiểu đó. Quan trọng là quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, để ngư dân hoạt động bình thường, vừa bảo vệ môi trường, vừa đúng quy định pháp luật. Thiết nghĩ, đây không phải là việc quá khó với các nhà chức trách.
Nhà nước kiến tạo, cao hơn nhà nước quản lý. Kiến tạo, nhằm mục tiêu phục vụ cộng đồng tốt hơn. Muốn vậy phải có tầm nhìn xa, có hành lang pháp lý thông thoáng, có đủ không gian cho sự vận dụng sáng tạo, nhất là tạo điều kiện để người dân trước hết tự làm ăn, tiến đến làm giàu, tự nuôi sống được bản thân và gia đình, sau đó là đóng góp cho toàn xã hội.