(KTSG Online) - Môi trường lãi suất thấp khiến dòng tiền nhàn rỗi từ tài khoản tiết kiệm thoát ra tìm kiếm kênh đầu tư có tính sinh lời cao hơn. Một số ý kiến phân tích đã cho rằng sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua có thể một phần đến từ dòng vốn này.
- Lợi nhuận từ “lướt sóng” chứng khoán chỉ là nhất thời!
- Tâm lý mua là thắng và sự nguy hiểm của thị trường chứng khoán
Số liệu do Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đã giảm hai tháng liên tiếp (tháng 8 và 9), trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp. Từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của người dân tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí là có nhiều tháng sụt giảm. Đây là diễn biến chưa từng thấy ở những năm trước đây.
Cụ thể, cuối quý 3-2021, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,55 triệu tỉ đồng, tăng hơn 530 ngàn tỉ so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380 ngàn tỉ, tương đương tăng 7,8%. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng yếu, chỉ tăng thêm hơn 150 ngàn tỉ, tương đương tăng 2,9%.
Đáng chú ý, tiền gửi của cá nhân đã giảm hai tháng liên tiếp tháng 8, tháng 9. Tiền gửi này trong tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỉ đồng xuống còn hơn 5,291 triệu tỉ đồng. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của cá nhân cũng đã giảm gần 1.000 tỉ đồng.
Việc tiền gửi cá nhân sụt giảm mạnh trong hai tháng này có thể do đúng vào thời điểm làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh. Khó khăn chung của nền kinh tế khiến cho thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng, đồng thời giãn cách xã hội cũng khiến khách hàng khó đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Nhiều người có tiền nhàn rỗi cũng không còn "mặn mà" gửi ngân hàng vì lãi suất quá thấp.
Song song với việc người dân rút tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng thì số lượng “nhà đầu tư F0” (người tham gia lần đầu) trên thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Nhiều người đua nhau mở tài khoản mới, “bơm” tiền, làm bùng nổ thị trường chứng khoán. Qua phân tích, thanh khoản bình quân trong 10 tháng đầu năm 2021 trên thị trường đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020, ở mức gần 20.000 tỉ đồng/phiên. Thậm chí, đầu tháng 11 có những phiên phá sâu kỷ lục thanh khoản với mức 2 tỉ đô la/phiên.
Thị trường chứng khoán không chỉ hấp thụ dòng vốn tiết kiệm mà còn thể hiện trên dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán. Tính đến hết quý 3-2021, có đến 60 công ty chứng khoán hàng đầu có dư nợ cho vay đạt gần 154.000 tỉ đồng, cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhắc đến dòng vốn này như là chất xúc tác đưa nhiều người tiếp cận với thị trường chứng khoán hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang được tiếp sức bằng dòng vốn “rẻ” mạnh chưa từng thấy trong lịch sử, hấp thụ hết lượng bán ròng của khối ngoại. Điều này là yếu tố chính giúp duy trì đà tăng nhất quán của thị trường từ đầu năm đến nay.
Trong thời gian gần đây dòng tiền trên thị trường đổ dồn vào các cổ phiếu nhỏ có xu hướng đầu cơ rất nhiều. Thực tế cho thấy diễn biến của dòng vốn trong thời gian tới sẽ tương đối khó lường khi rủi ro về lạm phát, bong bóng tài sản và nợ.
Về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng cảnh báo rằng, trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trì trệ, thì việc thị trường chứng khoán, bất động sản “sốt nóng” là tín hiệu không tốt. Trong khi, gốc của nền kinh tế là sản xuất kinh doanh, cho nên dòng tiền đổ vào các lĩnh vực này quá lớn sẽ làm giảm nguồn lực để phát triển kinh tế nói chung.
Tại buổi họp báo gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, đầu tư chứng khoán. Và điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế.
"Các ngân hàng chủ yếu vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Bài học từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, đến nay trong cơn suy thoái vì dịch bệnh, nhiều người không khỏi nghi ngại nguy cơ bong bóng tài sản một lần nữa xuất hiện. Điều khó khăn trong lúc này là diễn biến dịch còn phức tạp, bất định và mọi dự báo chỉ nằm trên lý thuyết, nếu không có sự điều tiết thận trọng có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung.
Đầu tư chứng khoán cũng là cách học tập kinh doanh. Sẽ rơi vào 3 trường hợp : Một là trúng mánh dật dờ. Hai là lỗ đậm. Ba là may mắn huề vốn. Cách tốt nhất là nên ủy thác cho công ty dịch vụ chứng khoán kiếm lời và chia sẻ lợi nhuận, nhưng cũng nên coi chừng thường xuyên, nếu không mất cả chì lẫn chài. Tỷ trọng người dân chơi chứng khoán thì đang tăng lên, nhưng biết cách đầu tư thực sự thì vẫn còn hiếm. Dù sao đây cũng là hiện tượng cần khuyến khích có chừng mực.
Nếu như Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận: “Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, đầu tư chứng khoán. Và điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế.” Như vậy lại phải tăng lãi suất lên, vậy những thiệt hại của việc tăng lãi suất sẽ là gì: doanh nghiệp đang rất khó khăn sau dịch Covid-19 lại phải chịu vay vốn với lãi suất cao hơn làm sao tồn tại, sống sót và phuc hồi được. Trong khi đó mặt bằng lãi suất cho vay của ta nói chung đã cao hơn khu vực rồi. Theo đó nền kinh tế có phuc hồi được không?! Người dân dùng tiền tiết kiệm đầu tư chứng khoán là quyền của họ. Nhà nước cần kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trên thị trường chứng khoán bằng các quy định cụ thể để bảo vệ nhà đầu tư. Cần giải pháp tổng thể và hài hòa.