Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người dân không thể chờ trạm dừng cao tốc ‘5 sao’

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh niềm vui có thêm hàng trăm km cao tốc được đưa vào hoạt động trong vài năm gần đây, người dân đi trên cao tốc cũng gặp bất tiện khi những cao tốc mới này hoàn toàn vắng bóng điểm dừng và nhà vệ sinh. Trong khi chờ các trạm dừng “5 sao” như kỳ vọng, Bộ Giao thông Vận tải cần yêu cầu các đơn vị quản lý cao tốc làm trạm dừng tạm thời, không thể để như hiện nay.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 7-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, tiến độ xây dựng các trạm dừng nghỉ trên cao tốc đang bị chậm và cơ quan chức năng đang cố gắng làm bù.

Ông Thắng cũng cho biết, hiện ngành giao thông vận tải đang tổ chức đấu thầu quyền khai thác 8 trạm dừng trên các cao tốc mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định mới cho phù hợp thực tế, chẳng hạn theo quy định cũ trạm dừng có diện tích chỉ 1 ha, trong khi hiện nay qua khảo sát thì các doanh nghiệp cho biết phải có mặt bằng 3 ha mới đạt hiệu quả kinh doanh.

Một đồng nghiệp của người viết bài nay khi lái xe cá nhân đi từ Dầu Giây ra Vĩnh Hảo đã phải rẽ ra Phan Thiết để nghỉ ngơi, đi vệ sinh rồi quay ngược lại cao tốc để đi Vĩnh Hảo. Phải mất công như vậy vì suốt tuyến hai cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây dài 200 km không có trạm dừng nào.

Tính đến thời điểm hiện tại, các cao tốc mới đưa vào hoạt động từ năm 2019 đến nay với tổng chiều dài khoảng 750 km đều chưa có trạm dừng. Việc xây dựng các trạm dừng chỉ đang ở bước đầu tiên là chuẩn bị đấu thầu.

Bốn đoạn cao tốc mới được đưa vào hoạt động trong tháng 4 và 5 năm nay gồm Mai Sơn - quốc lộ 45 (hơn 60 km), Nha Trang - Cam Lâm (gần 50 km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100 km) và Phan Thiết - Dầu Giây (100 km) không có trạm dừng.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km hoạt động từ năm 2022, nối liền cao tốc TPHCM-Trung Lương. Nếu tính từ trạm dừng tại Km28 của cao tốc TPHCM-Trung Lương đến cuối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì hơn 70 km chưa có trạm dừng. Lưu lượng xe hàng ngày trên cao tốc này lên đến 23.000 lượt.

Sau khi liên thông từ đầu tháng 9-2022, trục cao tốc Hạ Long - Móng Cái gồm các đoạn Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái dài 80 km, cầu Bạch Đằng - Đại Yên dài 25 km và Hạ Long - Vân Đồn dài hơn 70 km. Trên toàn tuyến cao tốc dài 176 km này không có trạm xăng và điểm dừng nghỉ.

Các cao tốc đã hoạt động trước đây khá lâu cũng không có trạm dừng như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km đã hoạt động từ đầu năm 2020, lưu lượng khoảng 6.000-8.000 lượt xe mỗi ngày. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km đã khai thác từ năm 2019 đến nay chưa có trạm dừng. Lưu lượng xe khoảng 6.000 lượt/ngày.

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có một khu vệ sinh công cộng tạm thời được một doanh nghiệp tài trợ xây dựng trên trục cao tốc dài 176 km của Quảng Ninh nằm cách Trạm thu phí cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vài trăm mét.

Trước đây, cao tốc TPHCM-Trung Lương sau khi đi vào hoạt động cũng không có trạm dừng. Sau đó, một cặp trạm dừng chủ yếu là nhà vệ sinh và bãi đậu xe đã ra đời, đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dân. Sau hàng chục năm, trạm dừng trên cao tốc này mới đạt quy mô lớn như hiện nay, bao gồm nhiều tiện ích như nhà vệ sinh miễn phí, quán cà phê, quán ăn, tiệm tạp hoá và cây xăng. Bãi đậu xe cũng được đầu tư mở rộng để cùng lúc có thể tiếp nhận vài chục xe tải hạng nặng.

Mô hình khu vệ sinh công cộng tạm ở cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và quá trình hình thành trạm dừng trên cao tốc TPHCM-Trung Lương cho thấy, các cơ quan chức năng cần phân kỳ đầu tư trạm dừng như đối với cao tốc để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân trước.

Trong giai đoạn đầu, cần làm ngay các khu bãi đậu xe và khu vệ sinh công cộng để giải quyết nhu cầu thiết yếu nhất của khách đi đường. Ngoài việc là nơi “trút bầu tâm sự”, bãi đậu xe còn là nơi để kiểm tra xe, liên hệ sửa chữa khi cần, thay vì phải đậu xe sửa ngoài cao tốc. Đó là chưa kể, nhiều cao tốc hiện nay không có làn dừng khẩn cấp để đậu an toàn.

Các tiện ích khác như bán đồ ăn nhẹ, thức uống không quá khó triển khai với mô hình tạm này. Tiếp theo đó có thể là một trạm xăng dầu quy mô nhỏ, chỉ cần một cột bơm xăng và một cột bơm dầu diesel; nếu có thêm trạm sạc nhanh cho xe điện thì quá tốt.

Khá nhiều trạm dừng được đưa vào kế hoạch xây dựng đều thuộc dạng cao cấp “5 sao”, nhưng cũng vì vậy mà thời gian xây dựng không nhanh như kỳ vọng vì phải thông qua nhiều thủ tục.

Thiết nghĩ, không nên bắt người dân chờ các trạm dừng này mà nên sớm có ngay các khu vực dừng nghỉ tạm để hành khách, tài xế giải toả những “vấn đề bí bách” càng sớm càng tốt bằng các trạm dừng tạm.

Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường.

Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường, có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.

Khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn, có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới