Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người dân Nhật Bản chịu sức ép lạm phát tồi tệ nhất kể từ 2010

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hơn một nửa số hộ gia đình Nhật Bản cho biết cuộc sống của họ đã trở nên tồi tệ hơn, theo cuộc khảo sát của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Đây là tín hiệu rõ ràng rằng cho thấy tình hình lạm phát nóng nhất trong 4 thập niên đang bào mòn niềm tin của người dân ở nền kinh tế lớn thứ hai châu Á.

Người dân Nhật Bản đang chi tiêu thận trọng hơn do lo ngại lạm phát còn tăng. Ảnh: Bloomberg

Khoảng 53% hộ gia đình ở Nhật Bản cho biết tình hình kinh tế của họ đã xấu đi so với một năm trước, đánh dấu tỷ lệ cao nhất trong gần 13 năm, theo cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của BoJ được công bố hôm 11-1. Chỉ 3,7% hộ gia đình cho biết mọi thứ đã được cải thiện, 42,4% hộ gia đình khác nói rằng rất khó đánh giá.

Theo cuộc khảo sát của BoJ, tỷ lệ kỷ lục 68,3% hộ gia đình được hỏi cho rằng lạm phát là một yếu tố đặc biệt quan trọng mà họ sẽ tính đến trong kế hoạch chi tiêu cho năm nay. Điều này gợi ý rằng khi giá cả tăng lên, người tiêu dùng ở Nhật Bản chi tiêu thận trọng hơn nếu lương của họ không tăng cao hơn.

Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản công bố trong tuần này, lạm phát của Tokyo trong tháng 12 tăng 4%, lần đầu tiên chạm ngưỡng này từ năm 1982, cho thấy xu hướng giá cả tăng về cơ bản mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế. Lạm phát của Tokyo, chỉ số quan trọng cho xu hướng lạm phát toàn quốc, đã duy trì ở mức cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của BoJ trong bảy tháng liên tiếp.

Cũng theo cuộc khảo sát của BoJ, có đến 85% hộ gia đình Nhật Bản cho rằng giá cả sẽ tăng trong 12 tháng tới. Các hộ gia đình Nhật Bản cũng tăng dự báo lạm phát trong một năm tới, lên mức kỷ lục gần 10%, cao hơn mức 8,5% mà họ dự báo hồi tháng 9.  Điều đó phản ánh mức độ lo lắng của người dân đối với xu hướng tăng giá cả trong ngắn hạn ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Dự báo lạm phát trong dài hạn của hộ gia đình Nhật Bản, một yếu tố quan trọng hơn đối với kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ của BoJ, vẫn ở mức cao kỷ lục 5%.

Sau quyết định bất ngờ của BoJ về việc mở rộng biên độ dao động lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào tháng trước, giới đầu tư sẽ vẫn cảnh giác cao độ đối với bất kỳ hành động nào tiếp của BoJ khi cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tiến hành cuộc họp chính sách tiếp theo trong tuần tới.

Thống đốc BoJ  Haruhiko Kuroda đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong ngắn hạn vì cho rằng BoJ phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi lạm phát do chi phí hiện tại biến thành lạm phát do nhu cầu đi kèm với mức lương cao hơn.

Hôm 10-1, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết trong tháng 11-2022,  sau khi điều chỉnh lạm phát, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản có từ hai thành viên trở đạt mức trung bình 285.947 yen (2.157 đô la Mỹ), giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong 6 tháng gần nhất. Mức giảm này chủ yếu phản ánh sự suy giảm chi tiêu mạnh ở các mặt hàng thực phẩm bao gồm bia rượu.

Lạm phát lan rộng khi các công ty ở Nhật Bản tìm cách chi phí cao hơn sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm.

Đa số doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu hàng ngày có kế hoạch tăng giá trong năm 2023. Cuôc khảo sát của Nikkei Asia , được thực hiện trong tháng 12 đối với 46 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này, cho thấy 27 doanh nghiệp, đương đương 59%, có kế hoạch tăng giá bán các sản phẩm của họ hoặc giảm kích cỡ sản phẩm (thực chất là tăng giá theo hình thức khác). Mức tăng giá trung bình của họ là 18%. Chỉ có một doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì giá bán. 18 doanh nghiệp còn lại, chiếm 39%, cho biết chưa đưa ra quyết định.

Tập đoàn Nisshin OilliO. đã tăng giá dầu ăn sáu đợt kể từ mùa xuân năm 2021, sẽ tăng giá dầu ô liu và dầu vừng một lần nữa vào tháng 3-2023. Ajinomoto đã tăng giá các sản phẩm gia vị một lần nữa vào 8-1 vừa qua.

Hãng dược Otsuka Pharmaceutical sẽ tăng giá bán lẻ khuyến nghị cho các thanh năng lượng Calorie Mate vào tháng 2 tới và đây là lần đầu tiên hãng tăng giá từ khi sản phẩm này ra mắt vào năm 1983.

NH Foods và Prima Meat Packers, hai nhà sản xuất giăm bông và xúc xích hàng đầu của Nhật Bản, đã tăng giá hai đợt trong năm ngoái để ứng phó với giá thịt tăng cao. Bên cạnh đó, họ cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô tăng cao và đồng tiền yếu của Nhật Bản. Kikkoman, nhà sản xuất nước tương của Nhật Bản, ghi nhận lợi nhuận giảm 11% trong 6 tháng đầu của năm tài chính 2022-2023.

Chủ tịch Kikkoman, Shozaburo Nakano cho biết: “Người tiêu dùng ở Nhật Bản thận trọng hơn trong chi tiêu của họ so với người tiêu dùng ở các nền kinh tế tiên tiến khác, vì vậy doanh số bán hàng của chúng tôi đã giảm kể từ khi chúng tôi tăng giá”.

Theo Bloomberg, Reuters, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới