Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người phục hồi nghề làm mũ mã vĩ

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mũ mã vĩ – loại mũ mão dùng cho các vị vua quan và tầng lớp quý tộc thời phong kiến – được các thợ thủ công dùng lông đuôi ngựa làm nguyên liệu chính, dùng các họa tiết, hoa văn bằng vàng, bạc, châu báu thêu vào mũ để trang trí. Đây là một nghề độc đáo ở chỗ kết hợp nhuần nhuyễn của đa ngành nghề với rất nhiều kỹ thuật, mỹ thuật truyền thống.

Nghệ nhân Vũ Kim Lộc tại miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) năm 2012, phục chế mũ hổ đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu.

Trước những năm 30 của thế kỷ trước, Hà Nội có phố Mã Vĩ nổi tiếng với nghề làm mũ miện cho vua, quan và tầng lớp quý tộc. Nhưng khoảng sau năm 1930, con phố này dần biến mất vì những người thợ cuối cùng qua đời, nghề thất truyền từ đó. Nhưng có một người đã đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để nghiên cứu kỹ lưỡng và bắt tay vào làm kỳ công từng công đoạn để dần dà phục hồi được nghề làm mũ mã vĩ xưa: nghệ nhân kim hoàn Vũ Kim Lộc.

Phục chế mũ miện: nghề quá khó

Ông Vũ Kim Lộc nhớ lại những ngày đầu khá vất vả khi phải đặt mua lông đuôi ngựa từ các tỉnh miền núi phía Bắc, làm các khuôn mũ để đan các sợi lông vào, hoàn thành phần khung mũ thì thêu và trang trí các họa tiết. “Để làm được một chiếc mũ mã vĩ, tôi phải mất khoảng một năm. Khó ở chỗ phải cần mẫn và tỉ mỉ với từng chi tiết nhỏ”, ông Lộc nói. Mỗi chiếc mũ được phục hồi là một tác phẩm thực thụ, không chỉ ở sự khéo léo của những ngón nghề đan, bồi chất kết dính, chạm khắc kim hoàn..., mà còn ở sự am hiểu về mỹ thuật tạo hình, về lịch sử... và cổ vật.

Ông Lộc cho hay, công việc phục hồi mũ mã vĩ chiếm rất nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu nghiên cứu, mất nhiều chi phí mua nguyên vật liệu phục hồi, tính ra cao gấp nhiều lần so với tiền công phục chế nhưng ông đã dành hết tâm sức để làm vì yêu thích. Cũng như những nghệ nhân muốn bảo tồn các nghề thủ công độc đáo của dân tộc, ông Lộc mong mỏi các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục có cách gì để tiếp tục duy trì nghề. “Và tôi cũng rất mong mình có cơ duyên tìm được người học trò tâm huyết để nghề mũ mã vĩ, sau khi tôi chết đi, sẽ không trở thành dĩ vãng”, ông Lộc nói.

Có người cho rằng, nghiên cứu và phục chế mũ miện của Vua triều Nguyễn là một chuyên môn hẹp vì tất cả chỉ có khoảng vài chục loại mũ. Thế nhưng, chiều sâu của chuyên môn này, thử hỏi đã có mấy ai tường tận, bởi không phải chỉ là mũ, mà trong đó là nhiều ngành nghề khác, nhất là nghề làm mũ mã vĩ đã thất truyền. “Phải có kiến thức về lịch sử, cổ vật, mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình, vì nếu không “đa hệ” thì không thể phân loại và nhận diện các loại hình, chi tiết cho từng mũ mão. Đó là chưa kể đến sự tỉ mỉ, khéo tay, của kỹ thuật kết những chiếc mũ bằng lông đuôi ngựa... Ngoài các yếu tố trên, theo tôi người phục chế cần phải có lòng đam mê, sự kiên trì, tỉ mỉ, ham học hỏi và nhất là tôn trọng tâm linh do phải đụng chạm với di vật”.

Kỳ công “khai quật” sử liệu

Theo quan niệm của người xưa, những thứ thuộc về trên đầu thường được đánh giá cao quý hơn phần ở thân. Vì vậy trong quy định trang phục triều Nguyễn luôn đề là mũ áo (mũ luôn đứng trước áo). Mũ của triều Nguyễn, từ của vua, hậu, phi, trải dài suốt hệ thống quan lại, đều có trang sức, số lượng trang sức để phân biệt đẳng cấp và giới tính. Mũ của phái nam, vua chủ yếu là rồng, ngọn lửa, ngọc quý; quan là giao long, hoa, ngọc quý. Phái nữ: hoàng hậu, phi tần, công chúa, đều là chim phượng, hoa, ngọc quý; của mệnh phụ là phượng quan, hoa và đá quý.

Bên cạnh mũ miện, ông Vũ Kim Lộc còn mở rộng đam mê nghiên cứu của mình sang các loại hình trang sức khác của thời Nguyễn. Ông đã khám phá ra kim ước phát, một món trang sức bí ẩn của hậu, phi nhà Nguyễn đã đánh đố nhiều nhà nghiên cứu từ trước đến nay.

Về kim ước phát, người Trung Quốc đã dùng cách đây mấy nghìn năm, còn người Chăm ở nước ta cũng dùng cách nay hơn nghìn năm có lẻ. Thế nhưng sử sách ở nước ta mãi đến triều Nguyễn mới nói đến, và liên quan đến vấn đề này là các quy định mũ áo được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Nhưng cũng phải nói rằng, bất kỳ nhà nghiên cứu nào khi đọc cũng đều than phiền là không dễ gì hiểu được. Như quy định mũ áo của hoàng hậu trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có đoạn “thân mũ dùng lông đuôi ngựa, mở chỗ búi tóc”, nhưng một số sách khác lại dịch là “thân mũ dùng lông đuôi ngựa, trùm búi tóc.” Như vậy giữa trùm và mở chỗ búi tóc là khác nhau. Tiếp đến, cũng trong các quy định mũ áo của hoàng hậu, hoàng thái hậu, cung tần, công chúa, mệnh phụ… có một cái mà ông cho rằng nó là một bộ phận trên mũ, nhưng các dịch giả đã không thống nhất về cách gọi và diễn giải như: “kim ước phát”, “cái bịt búi tóc trang sức bằng vàng tốt”, “cặp tóc bằng vàng”, “kẹp tóc bằng vàng”, “chận chân tóc bằng vàng”. Còn mũ của mệnh phụ các quan văn võ thì trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên lại dịch là “một cái kim cài tóc trang sức tám hoa vàng”...

Mặc dù được tiếp xúc với khá nhiều hiện vật mũ mão, nhưng khi đọc các quy định nêu trên ông Lộc cũng chỉ hiểu một cách mơ hồ và đưa ra lập luận đơn giản rằng, khi đội mũ thì mũ đã trùm hết rồi lấy đâu ra tóc mà kẹp, cặp, chận chân tóc… Thế nên ông Lộc quyết tìm cho ra lẽ bằng phương pháp thực tế. Qua nghiên cứu các tranh, ảnh của triều Nguyễn, ông nhận thấy mũ của hoàng hậu, hoàng thái hậu, cung tần, công chúa, mệnh phụ, có kiểu dáng nhìn chung là giống nhau, phần chỏm mũ đều có hình vòm nhọn (giống như vòm nhọn trong kiến trúc Gothic) và hai bên có xỏ trâm.

Vấn đề đặt ra là tại sao các mũ đều được xỏ trâm ở hai bên, chắc là phải có một lý do nào đó về cấu tạo của mũ và rất có thể thân mũ và chỏm mũ là hai phần rời. Tiếp đến là qua các đầu trâm nhô lên với góc độ xiên xéo vào trong, so với bác sơn và chỏm mũ cho thấy trâm được xỏ ở phần dưới thuộc chỏm mũ để giữ.

Để giải đáp vấn đề, ông đã làm một phác dựng mô hình mũ bằng xốp, dựa trên mũ trong các ảnh thái hậu, hoàng hậu, công chúa, với kích thước trung bình cho vòng đầu nữ giới. Mũ gồm hai phần rời là thân mũ và chỏm mũ. Thân mũ, phía trên chỗ tiếp giáp với chỏm mũ là mặt cắt gần tròn được lệch về phía sau có chiều dài từ trước ra sau 100 mm, ngang hai bên 105 mm, dốc xuống phía sau 10 mm. Mặt cắt tròn này là phần giả định hở để khi khi đội mũ, búi tóc sẽ chui qua. Chỏm mũ có hình vòm nhọn, hơi thắt eo một chút ở dưới phần vòm, rồi lại hơi loe xuống, phía dưới tiếp giáp với thân mũ cũng là mặt cắt tròn có kích thước bằng thân mũ. Nó được giả định là chụp vào búi tóc nhô trên thân mũ. Khi mũ được gắn bác sơn lên, rồi rà tìm vị trí xỏ trâm với góc độ xiên xéo của đầu trâm như trong các ảnh, đã cho thấy ngay vị trí xỏ trâm là phần loe ra thuộc phía dưới chỏm mũ.

Qua giả định nêu trên và đối chiếu với miêu tả ở trong quy định về mũ của hoàng hậu “thân mũ dùng lông đuôi ngựa, mở chỗ búi tóc”, mũ của công chúa “thân mũ kết bằng lông đuôi ngựa, một cái bịt búi tóc, trang sức bằng vàng tốt”, ông cho rằng thân mũ và chỏm mũ là hai phần rời, phần hở ở trên thân mũ có lẽ là (mở chỗ búi tóc), còn chỏm mũ là cái bịt búi tóc và khi nó được trang sức vàng lên, như trâm, mây, ngọn lửa, ở mũ hoàng thái hậu, hoặc trâm hoa vàng, bạc như ở mũ của mệnh phụ, thì chính là cái mà trong phiên âm là “kim ước phát” (cái bịt búi tóc trang sức vàng).

Ông Lộc lý giải cách sử dụng là, khi đội mũ, búi tóc ở đỉnh đầu người đội sẽ chui qua phần mở ở trên thân mũ, ổn định ngay ngắn xong mới chụp cái bịt búi tóc lên và xỏ hai trâm ở hai bên để giữ. Ngoài ra, có thể cái bịt búi tóc này còn được sử dụng riêng, tức là không cần đội mũ mà chỉ chụp nó vào búi tóc và xỏ trâm là xong. Điều này rất phù hợp với mô tả trong quy định về mũ hoàng hậu như: “Gia Long năm thứ sáu, phụng soạn các hạng mũ áo kính tiến hoàng hậu dùng, mũ chín con rồng cặp tóc bằng vàng hai chiếc”, tức là kim ước phát có hai chiếc để thay đổi.

Say mê, tận tâm

Vũ Kim Lộc là gương mặt quen thuộc trong nghề kim hoàn và giới cổ ngoạn ở Việt Nam. Từ xã Dỵ Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, năm 1976, ông vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề thợ bạc. Kiếm sống bằng tiệm bạc Thu Thủy ở cửa Tây chợ Bến Thành nhưng niềm đam mê đồ cổ, nhất là các tác phẩm mỹ thuật, luôn chảy rần rật trong ông.

“Ngày ấy tôi đặc biệt chú ý đến các bức tượng cổ, nhất là những trang trí mỹ thuật trên tượng. Thế rồi tôi đặc biệt chú ý đến phần mũ miện của các bức tượng ấy. Niềm say mê cứ cuốn hút và dẫn tôi đi. Hễ nơi đâu có tượng cổ là tôi tìm đến; tôi tìm trong các bức tranh, bức ảnh xưa, tham khảo sách và tài liệu xưa, rồi xây dựng cho mình những tư liệu về mũ mão”, ông Lộc chia sẻ.

Hễ có thông tin về những bức tượng phát lộ ở đâu đó trên nhiều miền của đất nước là ông lại tìm đến xem và tìm hiểu về mũ. Những bức tượng xưa ở nước ngoài, không thể đến xem tận mắt được thì ông tìm mọi cách nhờ người nọ người kia chụp giúp những bức ảnh ở nhiều góc độ mà nghiên cứu.

Có nhiều gia đình quan lại, con cháu đang thờ mũ của người xưa, nay dù đã hư hỏng, lụi tàn nhưng ông vẫn quyết tìm đến. Ông xin mấy mẩu nhỏ còn sót lại về săm soi, phân tích từng đường đan, mối nối...

Tiến sĩ khảo cổ học Lương Chánh Tòng nói rằng nghệ nhân Vũ Kim Lộc luôn say mê với nghề, hòa nhã với đồng nghiệp, tận tâm chia sẻ kinh nghiệm với những cộng sự.

“Tôi nhận ra trong con người ông luôn cháy bỏng ngọn lửa say mê, nhạy bén với nghề nghiên cứu phục hồi mũ mão cổ. Cần mẫn, chịu khó đọc sử liệu, ghi chép, khai thác và tổng hợp tất cả các nguồn tư liệu, bằng thiên bẩm khéo léo, ông mày mò tìm nguồn vật liệu chính tạo cốt mũ bằng lông đuôi ngựa (mã vĩ) xuất phát từ ghi chép trong sử liệu mà ông đọc được cũng như quá trình khảo sát thực tế. Đặc biệt hơn, chính ông thực hiện công việc đan kết cốt mã vĩ bằng những kỹ thuật vốn đã thất truyền ở Việt Nam, kết quả là về cơ bản tất cả các dự án phục hồi mũ mão cổ duy nhất ở Việt Nam hiện nay đều đã thành công, một sự thành công mang đậm dấu ấn của cá nhân ông”, vị tiến sĩ này nói.

Hiện nay, ở Việt Nam, giới chế tác đồ trang sức đang sa vào xu hướng trang trí lặp lại họa tiết mang phong cách Tây Âu. Những nét đẹp của văn hóa cổ truyền đã dần mai một. Với ông Lộc thì khác, nhờ hiểu xưa thấu nay nên ông đã làm ra những bộ trang sức đậm hồn cốt dân tộc khi đem hình ảnh chiếc nón bài thơ của xứ Huế mộng mơ, hình ảnh chợ Bến Thành hay tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S, chiếc trâm phượng, chiếc tòn teng của phi tần chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) tạo thành những tác phẩm trang sức độc đáo, rất ấn tượng với người tiêu dùng ở trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới